Tiếng Việt | English

01/08/2019 - 19:15

Hưng Thạnh khởi sắc sau 30 năm thành lập

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức khi mới thành lập nhưng với sự chỉ đạo, đầu tư của cấp trên và sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An từng bước vươn lên phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

Hệ thống giao thông nông thôn dần hoàn thiện, tạo điều kiện trong việc đi lại, giao thương hàng hóa

Vùng đất giàu truyền thống

Ngày 14/7/1989, xã Hưng Thạnh được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Hưng Điền B, một phần xã Vĩnh Thạnh và xã Vĩnh Châu B. Lúc này, xã Hưng Thạnh thuộc huyện Vĩnh Hưng. Theo Nghị định số 27/NĐ-CP, ngày 24/3/1994 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới huyện, xã thuộc tỉnh Long An, huyện Vĩnh Hưng được chia thành 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Kể từ đây, xã Hưng Thạnh thuộc huyện Tân Hưng, đánh dấu một thời kỳ mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Trước đây, vùng đất Hưng Thạnh thuộc xã Vĩnh Thạnh là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân, dân nơi đây viết nên trang sử hào hùng với những chuyến công oanh liệt. Xã Hưng Thạnh có nhiều địa danh: Gò Gòn, Gò Ông Tà, Gò Rọc Chanh,… Trong đó, Gò Gòn là địa danh được các nhà khảo cổ xác định là di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo, có niên đại cách nay khoảng 2.000 năm. Gò Gòn còn là địa điểm lịch sử ghi dấu trận đánh ngày 03-02-1960 của quân và dân Kiến Tường tiêu diệt lực lượng biệt kích Ó Đen trong phong trào Đồng Khởi - 1960.

Truyền thống lịch sử - văn hóa của Hưng Thạnh là nguồn sức mạnh tinh thần quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương.

Trên đường phát triển

Những ngày đầu thành lập, xã Hưng Thạnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế chủ yếu là sản xuất 1 vụ lúa nhưng hiệu quả bấp bênh, năng suất thấp vì đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng. Trường học, trạm y tế tạm bợ, không có điện, nước sạch, đời sống người dân vô cùng khó khăn; giao thông chủ yếu là đường thủy. Bên cạnh đó, xã còn chịu 2 cơn lũ lụt lớn vào năm 1994, 1995 và cơn lũ lịch sử năm 2000 làm cho tình tình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh vốn đã khó lại càng khó hơn.

Sản lượng lúa hàng năm trên 32.000 tấn

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thạnh - Nguyễn Văn Đẫm cho biết: Khi thành lập, cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở phải làm thế nào để đưa xã nhà phát triển với điểm xuất phát thấp như thế. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của các cấp, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, từng bước tháo gỡ khó khăn, sản xuất được đẩy mạnh, đời sống người dân được cải thiện”.

Trải qua 30 năm, diện mạo Hưng Thạnh có nhiều khởi sắc. Với những nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, Hưng Thạnh vươn lên phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Vùng đất hoang sơ ngày nào đã hồi sinh!

Kinh tế tiếp tục phát triển nhanh, chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/năm. 100% diện tích canh tác của xã có đê bao khép kín hoặc đê bao lửng. Toàn xã hiện có 10 trạm bơm điện phục vụ 1.850ha/vụ, sản lượng lương thực đạt trên 32.000 tấn/năm; 95,1% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 99,4% hộ sử dụng điện.

Hệ thống giao thông - thủy lợi trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư cứng hóa, trải sỏi hoặc bêtông đạt 100%. Xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới, hộ nghèo giảm còn 3%. Công tác quốc phòng - an ninh, nội chính, đối ngoại được tăng cường, bảo đảm giữ vững ổn định. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên,…

Ông Võ Văn Bờ, ngụ xã Hưng Thạnh, chia sẻ: “Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, nhất là đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh, mương giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, vật tư nông nghiệp thuận lợi hơn, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Không chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng, địa phương còn tiếp nhận nguồn hỗ trợ, hướng dẫn người nghèo cách trồng trọt, chăn nuôi. Công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật được quan tâm, từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân, nhờ đó, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên”.

Người dân xã Hưng Thạnh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thạnh - Nguyễn Văn Hậu, phát huy những thành tựu sau 30 năm xây dựng và phát triển, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Thạnh tiếp tục khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, bứt phá vươn lên trong phát triển KT-XH, xây dựng địa phương phát triển toàn diện và bền vững.

Quê hương Hưng Thạnh hôm nay như khoác lên mình chiếc áo mới. Người dân địa phương phấn khởi, tự hào với bề dày truyền thống cách mạng và những kết quả đã đạt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Thạnh cùng quyết tâm đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết