Tiếng Việt | English

12/10/2018 - 14:11

Huấn luyện viên Đổng Quốc Cường: Chắp cánh để người khuyết tật không khuyết tài

Những ngày này, các vận động viên khuyết tật (VĐVKT) quốc gia đang miệt mài thi đấu tại Indonesia với ước mơ chinh phục đỉnh cao Asian Para Games 2018. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, thành tích của họ còn có sức mạnh tinh thần từ người thầy hết lòng với những “đứa con” là kình ngư khuyết tật - nguyên Huấn luyện viên (HLV) trưởng Đội tuyển Bơi lội người khuyết tật (NKT) Quốc gia - Đổng Quốc Cường.

Huấn luyện viên Đổng Quốc Cường được các học trò tặng hoa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Hết lòng vì kình ngư khuyết tật

HLV Đổng Quốc Cường từng là kiện tướng bơi lội nổi tiếng tại miền Bắc. Mới 15 tuổi, ông đoạt Huy chương Vàng (HCV) Thanh, thiếu niên toàn quốc (năm 1958), tham gia Đội tuyển Quốc gia rồi thi đấu trong và ngoài nước. Từ năm 1977, ông là giảng viên môn bơi lội Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM.

Năm 1999, trong khi dạy học, ông bắt gặp ánh mắt háo hức của một NKT đang hướng về đường đua. Ánh mắt ấy thôi thúc ông phải làm gì đó cho những người kém may mắn về thể chất. Thế là vợ chồng ông vận động đồ bơi, kính, mũ,... rồi động viên NKT tập luyện miễn phí, giúp họ thỏa mãn niềm đam mê, rèn luyện sức khỏe.

Ông tiếp tục trăn trở, từ trước đến nay, các kỳ Para Games Đông Nam Á, ở môn bơi lội, Việt Nam đều không có người tham gia. Vậy là, thầy trò ông ra sức tập luyện. Đến năm 2003, lần đầu tiên, các VĐVKT chính thức tham gia Para Games và mang về một số thành tích, là những “nền móng” đầu tiên để thể thao NKT Việt Nam dần tỏa sáng.

Đa phần NKT phải vất vả mưu sinh nên khó bám trụ nếu không có thu nhập ổn định. Ông xót xa nhất là nhiều VĐV phải đi xe lắc tay đến nơi tập vì ở trọ xa, có người hơn 20km. Thế nên, để họ gắn bó với môn bơi lội, ông tìm cách xin việc để họ toàn tâm rèn luyện. Không chỉ vậy, để khích lệ tinh thần học trò, ai đạt mục tiêu đề ra, ông thưởng cho bịch đường, lon sữa. Từ những món quà đơn sơ ban đầu, từng thế hệ VĐV trưởng thành, ghi dấu thành tích cả trong nước lẫn quốc tế. Vậy là, có khi ông tặng luôn chiếc xe máy đang đi để động viên học trò, giúp họ có động lực đạt kết quả cao hơn nữa.

Với 14 cấp bậc từ nặng đến nhẹ, mỗi loại khuyết tật (KT) lại có cách huấn luyện khác nhau vì có người bị KT tay, chân, người lại khiếm thị hoặc tự kỷ. Do đó, cả HLV lẫn VĐV phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường. Trước mỗi cuộc thi, ông đều tìm hiểu kỹ về đối thủ, phân tích tên tuổi, thành tích, thế mạnh và truyền thụ chiến thuật, “bí kíp” giúp VĐV nắm chắc phần thắng.

Huấn luyện viên Đổng Quốc Cường cùng 2 học trò Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung (ngồi xe lăn) nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Hiện nay, Đội tuyển Bơi lội NKT TP.HCM và Đội tuyển Quốc gia đều có những VĐV đến từ Câu lạc bộ Bơi NKT do ông thành lập. Chia sẻ trước ngày lên đường thi đấu Asian Para Games 2018 tại Indonesia, VĐV Võ Thanh Tùng - người từng nhiều lần đứng trên bục vinh quang tại các đấu trường quốc tế, xúc động: “Thầy năm nay ở tuổi thất thập, nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn gắn bó với đội tuyển. Vừa trải qua phẫu thuật, sức khỏe chưa ổn định, dù tạm thời không trực tiếp huấn luyện từ vài tháng nay thế nhưng, thầy vẫn luôn dõi theo, động viên và truyền thụ kinh nghiệm cho tôi cùng các VĐV thi đấu tại Indonesia lần này như Nguyễn Thành Trung, Trịnh Thị Bích Như và Đỗ Thanh Hải”.

Làm “cha” còn khó hơn làm thầy

Giữa HLV Đổng Quốc Cường và các VĐV không chỉ là thầy trò mà còn có tình cha con. Không thương làm sao khi suốt gần 20 năm huấn luyện NKT với trên 100 học trò, ông không chỉ giảng dạy về chuyên môn mà còn lo cả chuyện hôn nhân, cuộc sống.

Trong cuộc đời huấn luyện, ngoài Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen vì mang vinh quang về cho Tổ quốc, thành quả mà vợ chồng ông tự hào nhất là việc “xe duyên” thành công cho 10 cặp đôi VĐVKT. “Rút kinh nghiệm” cặp đầu tiên là VĐV Trần Đắc Thắng và Lê Thị Hiền đều liệt nặng 2 chân nên sau khi cưới nhau, sinh con thì chăm sóc quá vất vả, thầy Cường và vợ đổi “chiến thuật”, hễ nam bị tật nặng thì nữ phải nhẹ và ngược lại để họ đỡ đần nhau.

Vận động viên Võ Thanh Tùng nhận huy chương vàng thứ 2 tại Asian Para Games 2018 đêm 09/10 vừa qua (Ảnh: Internet)

Một đôi khác để lại kỷ niệm đặc biệt là tình yêu giữa HLV Nguyễn Hoàng Anh và VĐVKT Nguyễn Thị Minh Lý. Hoàng Anh thì đẹp trai, cao ráo, lại là con một nên gia đình ngăn cản khi biết anh yêu một cô gái KT. Chiều lòng con trai, người mẹ dù đồng ý đi “xem mắt” nhưng cũng nói trước, nếu gặp mặt mà không “ưng” thì... đừng nghĩ đến chuyện cưới xin. Khi nhà trai đến gặp Minh Lý ở Cai Lậy, Tiền Giang, thầy Cường bận việc không đi cùng nên rất lo lắng, bắt đôi trẻ phải điện thoại, cập nhật tình hình liên tục. Mẹ “chú rể” vừa đến nhà, thấy cô gái xinh xắn, ngoan hiền nhưng kém may mắn liền ôm lấy “con dâu” mà khóc vì xúc động. “Đầu dây” bên kia, ông cũng thở phào nhẹ nhõm.

Chính tấm lòng của HLV Đổng Quốc Cường đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho thành công của các kình ngư KT trên đường đua xanh. Ông không chỉ là người thầy tận tụy, người cha trìu mến, dù tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng vẫn ngày ngày dõi theo các con mình trên con đường mang vinh quang vì màu cờ, sắc áo./.

Đến nay, sau 20 năm gầy dựng từ con số 0, gần 100 học trò của HLV Đổng Quốc Cường mang về biết bao huy chương làm rạng danh Tổ quốc trên bản đồ thể thao khu vực và quốc tế. Mới đây, không phụ lòng thầy, tại Asian Para Games 2018 (diễn ra từ ngày 06 đến 13/10) tổ chức tại Indonesia, đến sáng 11/10, VĐV Võ Thanh Tùng đoạt 3 HCV ở nội dung 50m bơi ngửa nam (ngày 08-10), 100m tự do nam (ngày 09/10) và nội dung 200m tự do nam (10/10). Cả 3 nội dung này, anh đều phá kỷ lục châu Á. Trước đó, ngày 07/10, VĐV Nguyễn Thành Trung - một học trò khác cũng xuất sắc giành HCV ở nội dung 100m ếch nam. Đây chính là những món quà ý nghĩa nhất mà các học trò dành tặng HLV Đổng Quốc Cường tại Asian Para Games 2018.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết