Tiếng Việt | English

22/10/2018 - 10:57

Hợp tác xã phải là hạt nhân trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Mục tiêu đến cuối năm 2018, tỉnh Long An xây dựng 16 hợp tác xã (HTX) điểm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC); đến năm 2020, thành lập mới 20 HTX nông nghiệp, tiếp tục hỗ trợ xây dựng 16 HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên cây lúa, rau, thanh long và nuôi bò thịt.

Các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tập trung củng cố các hợp tác xã nông nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 150 HTX nông nghiệp, trong đó có 135 HTX đang hoạt động. Tổng vốn điều lệ khi đăng ký giấy chứng nhận của các HTX trong vùng đề án trên 154,2 tỉ đồng. Để xây dựng mô hình HTX sản xuất nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt danh sách 16 HTX điểm, trong đó có 13 HTX nằm trong vùng đề án (6 HTX lúa, 4 HTX rau, 1 HTX thanh long và 2 HTX bò thịt) và 3 HTX ngoài vùng đề án ƯDCNC của tỉnh ở các huyện: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa.

Theo ý kiến của đại diện lãnh đạo UBND huyện Cần Giuộc, huyện hiện có 24 HTX, 1 Liên hiệp HTX với vốn điều lệ gần 14 tỉ đồng. Ngành nghề chủ yếu của các HTX này là sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả. Trong số các HTX trên, có 6 HTX được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 2 HTX được chứng nhận sản xuất rau theo chuỗi an toàn, các HTX còn lại đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Để phát triển HTX nông nghiệp theo hướng ƯDCNC, cần tập trung: Nâng cao năng lực quản trị; ƯDCNC vào sản xuất để tăng chất lượng, giá trị và năng suất sản phẩm; liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi sản xuất vừa bảo đảm giá trị cao, vừa giảm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng HTX nông nghiệp ƯDCNC vào sản xuất còn khá thấp (có 11 HTX), chiếm chưa đến 1% tổng số HTX nông nghiệp và hầu hết có quy mô nhỏ.

Ðể phục vụ chủ trương phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, năm 2017, Chính phủ ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sạch. Long An phấn đấu đến cuối năm 2020, thành lập thêm 90 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả của tỉnh đạt 187 HTX và có ít nhất 30 HTX nông nghiệp ƯDCNC vào sản xuất.

Cần đòn bẩy

Loại hình CNC ứng dụng trong các HTX chủ yếu là áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (chiếm 81,87%), còn lại là các loại hình áp dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư trong nông nghiệp,... Hiện một số địa phương xuất hiện các mô hình HTX nông nghiệp ƯDCNC hiệu quả.

Theo ý kiến của đại diện một số HTX nông nghiệp, hiện vẫn còn vài địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ các HTX nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là chú trọng đến phát triển HTX nông nghiệp ƯDCNC nên số địa phương phát triển HTX nông nghiệp ƯDCNC chưa nhiều và đồng đều. Chính vì vậy, để phát triển các HTX nông nghiệp ƯDCNC, cần có một “lực đẩy” từ lãnh đạo các ngành chức năng và địa phương trong việc hỗ trợ các HTX.

Nhìn chung, các HTX ƯDCNC vào sản xuất đều mang lại hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. ƯDCNC giúp nông dân, các HTX chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Không chỉ các HTX, hiện nay, nhiều hộ nông dân ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành,... cũng chủ động nghiên cứu ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ.

để nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ƯDCNC vào sản xuất, các cấp, các ngành chức năng và địa phương cần vào cuộc hỗ trợ trong lúc các HTX còn hạn chế về năng lực quản lý, các HTX cũng đang lúng túng trong việc lựa chọn CNC ứng dụng vào sản xuất.

Ảnh: Hoàng Lê

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - xã viên HTX Mê Công (xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc), cho rằng: “Tôi nghĩ không nên quan niệm ƯDCNC là phải có nhà kính, nhà lưới hiện đại hay công nghiệp hiện đại. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng là sản xuất nông nghiệp CNC. Tuy nhiên, nhiều HTX quy mô còn nhỏ, tài sản ít, khả năng cạnh tranh thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao và chưa có sự cạnh tranh trên thị trường, chưa có thương hiệu. Để áp dụng sản xuất ƯDCNC, họ cần có sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Tỉnh đang tập trung các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng 16 HTX điểm ƯDCNC trong sản xuất. Chính vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung thì việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị cũng cần được đẩy mạnh./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết