Tiếng Việt | English

10/02/2022 - 09:42

Hơn 403 triệu người nhiễm COVID-19, gần 5,8 triệu người tử vong

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 139.544.476 ca nhiễm và 1.648.685 ca tử vong; tiếp đến là châu Á với 106.014.249 ca nhiễm và 1.311.975 ca tử vong.


Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê của worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 10/2, tổng cộng 403.422.255 người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.794.624 người tử vong.

Số người bình phục là 323.026.224 người, 90.258 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 139.544.476 ca nhiễm và 1.648.685 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 106.014.249 ca nhiễm và 1.311.975 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ hiện ghi nhận hơn 92,3 triệu ca nhiễm trong khi con số này ở Nam Mỹ là hơn 51,2 triệu ca.

Mỹ là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với hơn 78,8 triệu ca nhiễm và 935.667 ca tử vong. Ngày 9/2, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ dự báo trong 4 tuần tới, số ca tử vong mới theo tuần sẽ giảm và tổng số ca tử vong sẽ lên tới 978.000 ca vào đầu tháng 3.

Một số bang ở Mỹ đã thông báo kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch khi số ca nhiễm và nhập viện bắt đầu giảm.

Tuy nhiên, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết dù xu hướng giảm này là đáng khích lệ nhưng vẫn chưa đến lúc cả nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Cơ quan này tiếp tục khuyến nghị người dân đeo khẩu trang tại không gian công cộng trong phòng kín, đặc biệt là người chưa được tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra, CDC Mỹ cũng cho rằng những người đã tiêm phòng đầy đủ nên đeo khẩu trang trong nhà ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ngay trong tháng 2 này, vùng England có thể sẽ bỏ quy định yêu cầu người dân tự cách ly sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 nếu tỷ lệ lây nhiễm duy trì ở mức ổn định. Trước đó, ông từng đề ra mục tiêu sẽ chấm dứt quy định này vào ngày 24/3.

Thủ tướng Johnson cũng nêu dự định sẽ trình lên quốc hội chiến lược sống chung với COVID-19 ngay trong ngày đầu tiên khi cơ quan lập pháp Anh làm việc trở lại sau kỳ nghỉ.

Ngày 9/2, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo Mexico đang tham gia dự án sản xuất siêu vaccine ngừa COVID-19, có hiệu quả chống lại tất cả các biến thể hiện tại và tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài.

Công ty dược phẩm sinh học Sinergium Biotech, một trong số các công ty được lựa chọn, sẽ hợp tác với công ty công nghệ sinh học mAbxience để phát triển và sản xuất các thành phần hoạt tính của vaccine.

Công ty mAbxience sẽ hoàn thành quá trình sản xuất trong Phòng thí nghiệm Liomont, đặt tại Mexico. Theo quan chức của PAHO, hiện siêu vaccine đang trong quá trình phát triển ở giai đoạn tiền lâm sàng.

Trong khi đó, Indonesia dự kiến sử dụng vaccine nội địa mang tên Merah Putih để làm mũi tăng cường và dùng cho trẻ em từ 3-6 tuổi. Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ xem xét tài trợ vaccine Merah Putih cho một số quốc gia, trong đó có các nước châu Phi.

Việc phân phối vaccine tại châu Phi đang diễn ra chậm, trong khi một số loại vaccine của các hãng như Moderna và Pfizer/BioNTech đòi hỏi phải được bảo quản ở nhiệt độ âm hàng chục độ C.

Tuy nhiên, trước hết Indonesia cần đăng ký vaccine Merah Putih với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để thử nghiệm lâm sàng và tiêm tăng cường trước khi loại vaccine này có thể được đưa vào sử dụng rộng rãi và được sử dụng để viện trợ cho các nước châu Phi./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết