Tiếng Việt | English

21/12/2020 - 09:52

Hơn 40 năm “sống” cùng nghề làm hủ tiếu

Suốt mấy chục năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Bé (57 tuổi), ngụ ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vẫn gắn bó với nghề làm hủ tiếu thủ công.

Hủ tiếu sau khi cắt thành sợi, nếu muốn bảo quản được lâu phải mang ra phơi lại với nắng cho sợi ráo, khô thêm

Ghé thăm gia đình bà Bé khi cái nắng đã ngả màu, chúng tôi thấy các thành viên trong gia đình bà đang tất bật làm nốt những công đoạn cuối cùng để đi giao hủ tiếu cho kịp giờ. Chúng tôi vừa bắt chuyện, bà Bé đã bộc bạch: “Nhắc đến Cần Đước, người ta sẽ nhớ ngay đến những nghề như bánh in, lạp xưởng,… ít ai biết đến nghề làm hủ tiếu do ít người làm, bởi thu nhập không cao mà lại vất vả”.

Hơn 40 năm nay, đều đặn mỗi ngày, bà bắt đầu công việc lúc 4 giờ 30 và kết thúc khi trời đã tắt nắng. Từ hai nguyên liệu chính là gạo và muối hột, ngâm trong thời gian nhất định rồi xay thành bột, cho bột vào máy tráng bánh tự động, xếp những cái bánh vừa tráng lên những chiếc phên tre rồi mang ra phơi nắng cho đến khi bánh đạt độ khô phù hợp sẽ được đưa vào máy cắt ra thành những sợi hủ tiếu thành phẩm. Gia đình bà chủ yếu làm hủ tiếu tươi nên sẽ được giao ngay sau khi hoàn thành. Cũng theo bà, sợi hủ tiếu được phơi dưới nắng sẽ khô từ từ nên vẫn giữ được độ dai nhất định.

Thời gian trước, gia đình bà làm hoàn toàn thủ công. Sau này, do sức khỏe của bà ngày càng yếu, để đỡ vất vả, gia đình bà đã sử dụng máy móc hỗ trợ công đoạn tráng bánh và cắt sợi. Bà kể, cũng vì chủ yếu các công đoạn được làm thủ công và còn phụ thuộc vào thời tiết nên số lượng hủ tiếu mỗi ngày gia đình sản xuất thường không ổn định, trung bình mỗi ngày từ 50-100kg. Bên cạnh đó, giá gạo bấp bênh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến lợi nhuận. “Hiện tại, tôi bỏ mối giá 17.000 đồng/kg nhưng với giá gạo bây giờ, lời chỉ được hơn 1.000 đồng/kg” - bà Bé chia sẻ thêm.

Bánh cuốn vào máy cắt thành sợi

Nhận thấy sự khó khăn, vất vả của mẹ ở cái tuổi mà lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, anh Nguyễn Thế Luân (35 tuổi) - con trai bà Bé, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử công nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã cất tấm bằng qua một bên, về giúp đỡ và tiếp nối nghề của gia đình. Anh Luân chia sẻ: “Trước là tôi thấy cha mẹ vất vả nên về phụ giúp; sau đó, thấy gia đình có nghề nên tôi cũng có ý định tiếp nối”.

Hơn 10 năm tiếp nối nghề gia đình, anh Luân cũng đã nhiều lần “nuôi” ý định áp dụng máy móc vào toàn bộ quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tạo thương hiệu riêng trên thị trường. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên anh chưa thể thực hiện được./.

Mộc An

Chia sẻ bài viết