Ảnh minh họa
Glucosamine có công thức hóa học C6H13NO5 là đường amin được cơ thể tự tạo ra từ sự tổng hợp của glycosylate protein và lipid. Glucosamine rất quan trọng trong việc cấu tạo nên sụn khớp được tìm thấy trong mô đệm của khớp, là tiền chất của nhiều thành phần cấu tạo sụn có nhiệm vụ phát triển và duy trì sụn khớp của cơ thể. Glucosamine cùng với collagen type II giữ vai trò quan trọng trong sức khỏe xương khớp.
Glucosamin sulfat hoặc glucosamine hydrochloride được chiết xuất từ chitin trong vỏ cua, sò, tôm và được bào chế dưới dạng viên nén hoặc viên nang. Các nguồn sinh học thay thế bao gồm chuyển hóa từ nấm và E.coli đang được nghiên cứu.
Các sản phẩm bổ sung glucosamine thường được lấy từ các nguồn tự nhiên này hoặc được sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Glucosamine bổ sung ở hai dạng là glucosamine sulfate và glucosamine hydrochloride. Các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu quả lớn nhất đối với dạng glucosamine sulfate hoặc glucosamine sulfate kết hợp với chondroitin.
Y học hiện đại đang sử dụng glucosamine để ngăn ngừa các rối loạn khớp; giảm tình trạng thoái hóa xương khớp nguyên phát hay thứ phát; giảm viêm khớp cấp hay mạn tính; hỗ trợ giảm đau, sưng và cứng khớp. Ngoài ra, acetyl glucosamine còn sử dụng trong mỹ phẩm trị nám, làm trắng da,…
Glucosamine tồn tại tự nhiên trong cơ thể giữ vai trò hỗ trợ sự phát triển của các mô giữa sụn và khớp. Sụn khớp là một loại mô trắng mịn bao phủ các đầu xương ở hai đầu của các xương khi tiếp xúc hình thành khớp xương. Glucosamine giúp hình thành một số hợp chất hóa học liên quan đến việc tạo ra sụn khớp và dịch khớp. Ở tổ chức mô này, cùng với một chất lỏng bôi trơn gọi là chất hoạt dịch cho phép xương di chuyển dễ dàng, tự do, giảm thiểu ma sát và cho chuyển động không gây đau tại khớp.
Glucosamine hỗ trợ khớp khỏe mạnh nhờ tái tạo sụn quanh khớp, ngăn không cho sụn phân hủy bởi enzyme, kích thích sản sinh mô liên kết của xương, tăng hấp thu canxi, tăng sinh chất nhầy dịch khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
Viêm xương khớp đầu gối là bệnh phổ biến gây đau nhức cho người cao tuổi. Để giảm bớt các triệu chứng lâm sàng, glucosamine đã được đề xuất. Có 15 nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả và an toàn của glucosamine cho thấy cơn đau toàn thân đã giảm đáng kể so với giả dược, độ cứng và chức năng thể chất đã được cải thiện, không có báo cáo nào về tương tác thuốc nghiêm trọng hoặc tác dụng phụ đáng kể.
Tóm lại, glucosamine có hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm đau ở bệnh nhân viêm xương khớp đầu gối. Trong điều trị lâu dài, glucosamine sulfate đường uống 1.500 mg/ngày được cho là dung nạp tốt.
Ảnh minh họa
Lợi ích chính của glucosamin là giảm đau, kháng viêm và bảo vệ mô khớp. Sử dụng glucosamine sulfate đường uống có thể giúp giảm đau cho những người bị viêm xương khớp đầu gối, hông hoặc cột sống. Glucosamine thường được sử dụng bổ sung để điều trị các triệu chứng của nhiều tình trạng viêm khác nhau.
Mặc dù cơ chế giảm viêm của glucosamine vẫn chưa được hiểu rõ nhưng tác dụng giảm viêm đã được chứng minh là có hiệu quả. Nghiên cứu trong ống nghiệm In vitro đã chứng minh tác động chống viêm đáng kể khi glucosamine được sử dụng cho các tế bào liên quan đến sự hình thành xương. Phần lớn nghiên cứu về glucosamine liên quan đến việc bổ sung kết hợp với chondroitin cũng liên quan đến việc cải thiện chức năng và duy trì sụn xương khỏe mạnh.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy glucosamine có thể làm tăng thêm mức cholesterol LDL xấu. Nghiên cứu In vivo cho thấy rằng sử dụng glucosamine hydrochloride bằng đường uống có thể làm giảm cơn đau liên quan đến viêm khớp dạng thấp khi so sánh với giả dược.
Một phân tích tổng hợp năm 2018 về thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát “Hiệu quả và độ an toàn của glucosamine và chondroitin để điều trị viêm xương khớp”. Đánh giá hiệu quả và độ an toàn của thuốc tác dụng chậm có triệu chứng bằng đường uống về điều trị viêm xương khớp đầu gối/hông như glucosamine, chondroitin và điều trị kết hợp giữa glucosamine với chondroitin.
Đã có 26 bài báo mô tả thử nghiệm đáp ứng tiêu chí thu nhận được đưa vào phân tích tổng hợp. Các ước tính giữa chondroitin và giả dược cho thấy chondroitin có thể làm giảm các triệu chứng đau và cải thiện chức năng. So với giả dược, glucosamine tỏ ra có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện độ cứng khớp.
Phân tích này đưa ra kết luận với hiệu quả của các loại thuốc tác dụng chậm có triệu chứng này, chondroitin đường uống có hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm đau và cải thiện chức năng thể chất; đồng thời; glucosamine cho thấy tác dụng lên kết quả cứng khớp.
Glucosamine có dạng bào chế là viên uống hoặc cream bôi tại chỗ. Dạng viên uống thành phần chứa 1.500 mg glucosamine sulfate và 1.200mg chondroitin. Dạng bôi ngoài thành phần glucosamin có thể thêm các chất như dầu emu, dimethyl sulfon, acid hyaluronic.
Liều dùng trung bình là 1.500mg mỗi ngày. Thời điểm uống trong hoặc sau khi ăn. Glucosamin cần dùng liên tục từ 2 đến 3 tháng, điều trị nhắc lại mỗi 6 tháng hoặc ngắn hơn tùy tình trạng bệnh.
Các đối tượng không nên dùng glucosamine bao gồm người dị ứng với tôm cua, sò, ốc, hến, hải sản vì có thể xảy ra như một số phản ứng nghiêm trọng như phát ban, khó thở, sưng miệng, sưng họng; phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi không nên dùng glucosamin do chưa có đủ dữ liệu về an toàn và hiệu quả; người bệnh tiểu đường, hen suyễn, cảm cúm, bệnh nhiễm khuẩn tai, mũi, họng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Glucosamine có thể gây ra những tác dụng phụ bao gồm táo bón, tiêu chảy, buồn ngủ, đau đầu, ợ nóng, buồn nôn, phát ban,…; đồng thời, ảnh hưởng tới các thuốc trợ tim, thuốc chống đông máu; có thể làm tăng hấp thu tetracyclin ở dạ dày - ruột; làm giảm hiệu quả các thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol, thuốc điều trị tăng lipid máu statin,... nên những thuốc này không được dùng chung với glucosamin.
Glucosamine có trong các thức ăn như mực và hải sản, sụn động vật, tảo biển, hạt điều, các trái cây chứa chất pectin như táo, lê, cam, quýt,…
Chúc mọi người có thêm kiến thức về glucosamin để dinh dưỡng tốt nhằm duy trì và bảo vệ hệ xương khớp khỏe mạnh./.
DSCKII. Lý Thị Nhất Định