Tiếng Việt | English

07/03/2020 - 11:38

Hoài niệm áo dài

Tà áo dài của những người phụ nữ Việt Nam đã làm say lòng du khách thế giới. Và “dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi!”.

Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là niềm tự hào của Việt Nam

Huế là nơi ra đời chiếc áo dài quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1744, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả nam giới lẫn nữ giới ở vùng đất Đàng Trong. Sau đó, dưới thời nhà Nguyễn, trang phục này đã lan rộng khắp cả nước. Trong bài hát Một thoáng quê hương, nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định: Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu. Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi!

Thế nhưng, trong Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2019 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khai mạc ngày 25-10-2018, thương hiệu thời trang Ne•Tiger của Zhang Zhifeng đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế “trang phục truyền thống Trung Quốc” cho thấy sự sao chép áo dài truyền thống Việt Nam với chiếc nón lá Việt Nam nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo” của nhà thiết kế khiến nhiều người Việt phẫn nộ. Hay vào ngày 11-10-2019, khi ca sĩ Kacey Musgraves từng đoạt giải Grammy mặc áo dài nhưng chỉ mặc… quần mỏng màu da, gắn đá khi biểu diễn tại Dallas (Mỹ) và còn khoe ảnh “tự sướng” gây phản cảm. Ngay lập tức, nhiều người so sánh ngay hình ảnh phản cảm đó với những chiếc áo dài Huế kín đáo nhưng rất dịu dàng của những nữ sinh Đồng Khánh năm nào.

Áo dài Việt Nam

Vừa qua, bộ phim Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ đã giới thiệu những tà áo dài Huế vô cùng tinh tế. Để tái hiện cảnh Trường Trung học kiểu mẫu Huế thời trước, đoàn làm phim đã casting 2.000 ứng viên ở khắp các trường trung học và đại học ở Huế và chọn ra 200 diễn viên quần chúng ở địa điểm này. Sau đó, đoàn làm phim may hơn 200 bộ áo dài và đồng phục, tìm kiếm, tỉ mỉ phục dựng hàng trăm chiếc xe đạp và cặp xách cũ theo phong cách thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

Điều này khiến nhiều người nhớ đến tại Lễ hội Áo dài của Festival Huế 2002, 12 nhà tạo mẫu chuyên nghiệp đã sử dụng 550 người mẫu không chuyên là các nữ sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ và THPT Hai Bà Trưng (Trường Nữ sinh Đồng Khánh xưa). Lễ hội Áo dài kỳ Festival Huế năm đó tuy chưa chuyên nghiệp như bây giờ nhưng đã làm cho du khách ngẩn ngơ trước vẻ quyến rũ của các cô gái xứ Huế trong những chiếc áo dài. 

Từ ngày 02 đến 08/3/2020, hưởng ứng chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Long An phát động phụ nữ trong tỉnh mặc áo dài. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Thị Hồng Phúc, đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương hội phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập hội, 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2020).

Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là niềm tự hào của Việt Nam, để rồi "thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi!"./.

Nguyễn Văn Toàn

Chia sẻ bài viết