Tiếng Việt | English

04/02/2018 - 13:04

Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng

Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư,... là những vấn đề mà thời gian qua, Long An tập trung thực hiện.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Long An - Nguyễn Văn Tiều thông tin: Thời gian qua, để thu hút đầu tư, Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Hoạt động hỗ trợ DN cũng được thực hiện. Năm 2017 và tháng 01/2018, Long An tổ chức 6 cuộc đối thoại với DN Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; DN ở 7/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa và TP.Tân An). Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức chương trình khởi sự DN, ngày hội doanh nhân Việt Nam,... Từ các cuộc đối thoại, gặp gỡ, lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn mà DN đang gặp phải và chỉ đạo các ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền. Thông qua các hoạt động này, lòng tin từ DN với lãnh đạo tỉnh và môi trường đầu tư tại Long An tăng lên. Việc làm này nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh phát triển theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Long An thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh

Đặc biệt, Long An còn thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua công tác cải cách hành chính. Việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính được DN đồng tình. Hiện, tỉnh rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư từ 35 ngày làm việc xuống còn tối đa 20 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư từ 10 ngày làm việc xuống còn tối đa 7 ngày; các thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày làm việc xuống còn tối đa 2 ngày;...

Năm 2017, Long An có gần 1.353 DN mới thành lập với tổng số vốn đăng ký 15.230 tỉ đồng, tăng 15% số DN và tăng 22% vốn đăng ký mới so với năm 2016. Tổng số DN trên địa bàn tỉnh đến nay là hơn 9.700 DN, với số vốn đăng ký 227.572 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.445 dự án đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn đăng ký 165.675 tỉ đồng. Về đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh có 874 dự án FDI, vốn đầu tư với tổng số vốn 5.500 triệu USD, trong đó, có 537 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 3.341 triệu USD.

Doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất

Công ty TNHH Samduk Việt Nam là DN có vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập vào tháng 12-2016, là một trong những nhà máy sản xuất giày dép hiện đại tại Khu công nghiệp Long Hậu - Hòa Bình, tổng vốn đầu tư đến 25 triệu USD. Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH Samduk Việt Nam - Ann Bong Moon cho rằng: “Đầu tư sản xuất, kinh doanh vào tỉnh Long An là quyết định sáng suốt của công ty. Ban đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo và các ban, ngành tỉnh, công ty đạt thành công nhất định. Tôi cảm nhận, tại Long An, các thủ tục hành chính được sắp xếp hợp lý thông qua cơ chế một cửa nhằm giúp DN không mất nhiều thời gian”.

Công ty TNHH Samduk Việt Nam chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu, có trụ sở chính tại Hàn Quốc. Hiện, công ty sản xuất 10 mẫu giày dép của 3 quốc gia: Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 1,8 triệu đôi giày. Theo ông Ann Bong Moon, dự kiến, từ nay đến năm 2020, công ty phấn đấu nâng sản lượng lên 6,5 triệu đôi/năm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á và cả thị trường nội địa.

Công ty Cổ phần Thực phẩm An Long được thành lập và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm dầu thực vật từ tháng 02-2010 tại Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước. Với vị trí khá gần TP.HCM về đường bộ và nằm cạnh sông Vàm Cỏ Đông nên thời gian qua, công ty có nhiều thuận lợi trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài bằng tàu và thuận tiện cho khách hàng nhận sản phẩm về tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Chính vì vậy, sau 7 năm xây dựng thương hiệu và phát triển, đến nay, An Long có hơn 160 nhà phân phối trong nước, 606 điểm bán hàng của 14 hệ thống siêu thị và 4 nhà phân phối tại Campuchia. Hiện, An Long được đánh giá nằm trong top 3 công ty sản xuất dầu ăn tại Việt Nam.

Đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm An Long - Huỳnh Huy Hoàng chia sẻ: Công ty không ngừng phát triển ý tưởng mới để nâng cao chất lượng, phân khúc khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Theo đó, tổng sản lượng sản phẩm tiêu thụ năm 2017 đạt 150% so với năm 2016, doanh thu cũng tăng hơn 150%. Năm 2018, công ty tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để xứng đáng là DN Việt phục vụ tốt người tiêu dùng Việt và góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà, tăng đóng góp ngân sách địa phương.

Ðẩy mạnh quảng bá môi trường đầu tư

Giám đốc Sở KH&ĐT - Nguyễn Văn Tiều cho biết: Những năm qua, mục tiêu của tỉnh là thu hút các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Đó là các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, các dự án có hàm lượng công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng và tỷ trọng xuất khẩu lớn, các dự án tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của tỉnh và nhằm nâng cao tỷ lệ lấp đầy vào các khu, cụm công nghiệp.

Công nhân sản xuất tại nhà máy Công ty Cổ phần Thực phẩm An Long

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá thông qua nâng cấp trang web của Sở KH&ĐT; xây dựng trang web chuyên đề về xúc tiến đầu tư bằng tiếng Việt và các ngoại ngữ thông dụng (Anh, Hàn, Nhật); xây dựng bản đồ xúc tiến đầu tư tỉnh Long An; thực hiện việc quảng bá trực tuyến thông qua các diễn đàn DN, kênh thông tin DN, các kênh truyền thông quốc tế tại các quốc gia tiềm năng.

Đặc biệt, với vai trò tham mưu UBND tỉnh, Sở KH&ĐT tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và DN; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, bảo đảm khi các dự án đầu tư vào tỉnh sẽ có đầy đủ điều kiện để vận hành hiệu quả; củng cố các cơ sở giáo dục và đào tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề đáp ứng yêu cầu của các DN;...

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và DN; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, đảm bảo khi các dự án đầu tư vào tỉnh sẽ có đầy đủ điều kiện để vận hành hiệu quả; củng cố các cơ sở giáo dục và đào tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề đáp ứng yêu cầu của các DN;...

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Gia Hân

Chia sẻ bài viết