Tiếng Việt | English

07/01/2018 - 13:05

Hỗ trợ dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Chiều 6/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm phối hợp hỗ trợ công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.


Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá về tình hình dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hoạt động hỗ trợ cộng đồng duy trì, củng cố và phát triển tiếng Việt cho đồng bào xa Tổ quốc, nhất là thế hệ trẻ. 

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các cơ quan nâng cao hiệu quả công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó phát huy vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để đa dạng hóa các phương thức thúc đẩy hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của bà con Việt kiều, qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của kiều bào và duy trì sự liên kết thiêng liêng của đồng bào với cội nguồn dân tộc và gắn bó với quê hương, đất nước. 

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn hai bộ sách “Tiếng Việt vui” (dành cho thanh, thiếu niên) và “Quê Việt” (dành cho người lớn) và số hóa hai bộ sách này nhằm hỗ trợ bà con Việt kiều có tài liệu dạy và học tiếng Việt. 

Bộ cũng đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giảng dạy tiếng Việt hiện đại cho người Việt Nam ở nước ngoài; cử giáo viên tiếng Việt tới một số nước láng giềng để trực tiếp giảng dạy tại một số trường hữu nghị... 

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai việc xây dựng chương trình tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt 6 bậc; nâng cấp bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”; biên soạn một số tài liêu dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục tổ chức bồ dưỡng giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt; xây dựng cổng thông tin điện tử dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. 

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho rằng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nhu cầu lớn của cộng đồng và được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện. Trong thời gian qua, hoạt động này tuy đã có nhiều khởi sắc và lan rộng, nhưng cơ bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn với nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau. 

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ tích cực vận động tuyên truyền; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, giáo viên dạy tiếng Việt; tổ chức đào tạo tại Việt Nam cho con em Việt kiều thông qua hình thức tổ chức “Trại Hè Việt Nam"; vận động chính quyền nước sở tại hỗ trợ các cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào và từng bước đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục nước sở tại. 

Trước mắt trong năm 2018, Ủy ban sẽ tổ chức tập huấn giáo viên dạy tiếng Việt tại một số địa bàn; ổn định nguồn kinh phí cho giáo viên, tình nguyện viên và ưu tiên các địa bàn khó khăn như Campuchia, Lào...


Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tại tọa đàm, đại biểu kiều bào cùng các cán bộ, giảng viên đại học, chuyên gia ngôn ngữ, đại diện Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; phân tích những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. 

Các đại biểu nhất trí về tính cấp thiết của việc duy trì và đẩy mạnh hơn nữa việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. 

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, công tác này cần được phát triển hơn ở hình thức học online; nâng cao sức hấp dẫn và gắn văn hóa dân tộc vào tài liệu giáo khoa giảng dạy; đa dạng hóa các hoạt động cộng đồng có sử dụng tiếng Việt ngay tại nước sở tại và mở rộng đối tượng, chương trình “Trại Hè Việt Nam” cho bà con kiều bào, đề cao vai trò giáo dục tiếng Việt ngay trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết