Tiếng Việt | English

10/02/2022 - 08:59

Hiệu quả từ vùng lúa đạt chuẩn châu Âu

Được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ chi phí đầu vào, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT), tăng năng suất, lợi nhuận,... là những hiệu quả của vùng lúa đạt chuẩn châu Âu mang lại cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tuyên Bình Tây (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).

Nông dân thường chịu cảnh “được mùa - mất giá” hoặc "được giá - mất mùa". Nguyên nhân do còn sản xuất theo hướng nhỏ, lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - Nhà nước và doanh nghiệp,... Xác định được vấn đề này, thời gian qua, tỉnh tích cực chuyển giao KHKT, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất, xây dựng các vùng lúa nguyên liệu, góp phần cho tỉnh hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng lúa chất lượng cao và hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ông Trần Văn Sửu (xã Tuyên Bình Tây) cho biết: “Tuyên Bình Tây là vùng trũng của huyện Vĩnh Hưng. Khi nước lũ rút đến đâu, người dân gieo sạ đến đó, không tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng giống lúa cũng không thống nhất. Điều này làm cho việc áp dụng KHKT không đồng bộ, lúa dễ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Hơn hết, đến mùa thu hoạch, do sản xuất nhỏ, lẻ nên thương lái thường ép giá. Còn từ khi liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, nông dân xuống giống đồng loạt, sử dụng một loại giống và sản xuất theo quy trình của Tập đoàn Lộc Trời đặt ra nên năng suất, lợi nhuận tăng”.

Khi tham gia liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời, nông dân sẽ được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm

Nhận thấy được lợi ích từ việc liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, năm 2020, HTX Nông nghiệp Tuyên Bình Tây được thành lập với 12 thành viên tham gia. Tại đây, HTX ký kết với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng vùng lúa đạt chuẩn châu Âu. Ông Trần Văn Thượng (đại diện HTX Nông nghiệp Tuyên Bình Tây) khẳng định: “Hiện nay, HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng vùng lúa đạt chuẩn châu Âu với diện tích 47ha. Khi tham gia HTX, thành viên được hưởng các lợi ích như hỗ trợ lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu đầu ra, với giá cao hoặc bằng hơn so với ngoài mô hình. Qua thời gian thực hiện, bình quân nông dân thu về lợi nhuận từ 20 - 22 triệu đồng/ha/vụ”.

Liên kết với Tập đoàn Lộc Trời không chỉ tăng năng suất, lợi nhuận mà còn tiếp cận được các tiến bộ KHKT, góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng KHKT. Đây được xem là "chìa khóa" quan trọng để nâng cao giá trị của ngành lúa gạo Việt. Theo đó, khi tham gia mô hình, Tập đoàn Lộc Trời sẽ hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch như sử dụng máy sạ hàng, thiết bị bay không người lái,...

Ông Trương Văn Đây (Giám đốc vùng Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời khu vực Long An, Bến Tre, Tiền Giang) cho biết: “Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Tập đoàn Lộc Trời phối hợp các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường xây dựng hơn 850ha lúa đạt chuẩn châu Âu. Đây là một trong những nội dung ghi nhớ được Tập đoàn Lộc Trời ký kết với UBND tỉnh. Khi tham gia mô hình, nông dân phải tuân thủ đúng quy trình của Viện Nghiên cứu Tập đoàn Lộc Trời phát hành. Theo đó, lúa sẽ vượt qua được gần 500 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và được thị trường châu Âu chấp nhận”.

Năm 2022, ngành Nông nghiệp đặt ra chỉ tiêu sản lượng lúa đạt 2,7 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao đạt 60%. Do đó, việc nông dân liên kết với Tập đoàn Lộc Trời là một trong những giải pháp quan trọng giúp ngành Nông nghiệp đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhất là hướng đến nâng cao giá trị ngành lúa gạo Việt./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết