Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả
Được thành lập từ năm 2018, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp nông dân và liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản. Từ vùng nguyên liệu hơn 10ha ban đầu, đến nay, diện tích của HTX đã phát triển lên hơn 50ha.
HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh xây dựng theo mô hình 3 trong 1 do Hội Nông dân Việt Nam tỉnh thí điểm xây dựng (gồm Chi tổ hội nghề nghiệp, Chi bộ nông dân và HTX Nông nghiệp). HTX hiện có 26 thành viên, chuyên cung ứng các mặt hàng nông sản như mướp hương, khổ qua, bí đỏ, bầu,...
Ông Châu Văn Xuân - thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, cho biết: “Tôi trồng hơn 0,2ha mướp hương và khổ qua, áp dụng hệ thống tưới tự động, sản xuất theo quy trình VietGAP nên năng suất ổn định”. Hàng ngày, ông Xuân thu hoạch trung bình 50kg mướp, khổ qua; thu nhập hơn 300.000 đồng/ngày.
Tất cả diện tích rau màu của Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) đều được trồng theo quy trình VietGAP (ảnh: HTX cung cấp)
Anh Nguyễn Văn Kiển (ấp 5, xã Mỹ Thạnh) là một trong những thành viên đầu tiên của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, hiện anh trồng 0,4ha rau màu theo quy trình VietGAP. Anh Kiển chia sẻ: “Tôi chủ yếu là trồng dưa leo và khổ qua. Vào HTX được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường nên tôi rất an tâm sản xuất”.
Hiện nay, HTX phân phối toàn bộ từ hạt giống, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học,... từ đầu vụ đến khi thu hoạch mới hoàn vốn. Trước hiệu quả của việc sản xuất rau theo quy trình VietGAP, ngày càng có nhiều nông dân trong và ngoài địa phương mong muốn tham gia vào HTX.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Thời gian qua, có rất nhiều nông dân muốn tham gia vào HTX. Tuy nhiên, HTX cần phải xem xét thật kỹ về quy trình sản xuất của nông dân. Và chỉ những nông dân nào sản xuất theo đúng quy trình VietGAP thì HTX mới kết nạp. Hiện nay, trung bình mỗi năm, HTX cung ứng hơn 1.000 tấn nông sản cho thị trường, chủ yếu là hệ thống siêu thị Co.op”.
Các sản phẩm rau, củ, quả đã qua sơ chế, đóng gói của Hợp tác tác Nông nghiệp Mỹ Thạnh (ảnh: HTX cung cấp)
Hình thành từ năm 2005, những năm đầu, HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) làm dịch vụ bơm tưới là chính. Hầu hết nông dân vẫn sản xuất theo phong tục, tập quán cũ, không áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả đem lại rất thấp.
Trước tình hình đó, HTX đề ra nhiều giải pháp nhằm phục vụ lợi ích chung. Cụ thể, các hộ thành viên sẽ xuống giống đồng loạt; đồng thời, các loại giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh,... phải theo một quy chuẩn nhất định để thống nhất, từ đó giúp nông dân nâng cao năng suất lúa.
Thông qua các lớp tập huấn sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo hướng hữu cơ,... các thành viên của HTX sản xuất thống nhất theo quy hoạch và có định hướng nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Bên cạnh việc duy trì dịch vụ bơm tưới nông nghiệp, HTX Nông nghiệp Gò Gòn còn tự tìm tòi và đưa vào khai thác thêm một số dịch vụ phục vụ sản xuất như bổ trợ làm đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản; sản xuất và cung ứng lúa giống,...
Thu hoạch lúa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn, huyện Tân Hưng
Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ: “Đặt ra tiêu chí cùng mua chung, bán chung, HTX luôn chủ động tìm kiếm doanh nghiệp liên kết để cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn tổ chức tư vấn về kỹ thuật trồng trọt, đồng hành cùng các thành viên trong việc áp dụng các mô hình mới mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhờ phát triển đồng bộ mà HTX đã hình thành được chuỗi sản xuất khép kín, quản lý được vùng nguyên liệu lớn trồng nhiều loại gạo chất lượng cao như ST24, OM 4900, Đài thơm 8, OM 7347,... Từ đó, bảo đảm cung ứng cho các công ty xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Văn Hải - thành viên HTX Nông nghiệp Gò Gòn, nói: “Tôi tham gia vào HTX từ năm 2007 và đang canh tác 4,5ha lúa. Hiện nay, đầu mỗi vụ HTX đều ký kết với công ty thu mua để bảo đảm đầu ra cho các thành viên. Do đó, nông dân chúng tôi an tâm đầu tư sản xuất hơn, không còn phải lo về vấn đề tiêu thụ lúa mỗi khi đến mùa thu hoạch”.
Còn tại huyện Thạnh Hóa, địa phương có vùng chuyên canh khoai mỡ với diện tích 3.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Thạnh An, Thủy Tây, Thủy Đông. Những năm gần đây, nhờ có sự ra đời của HTX Khoai mỡ Bến Kè mà người trồng khoai yên tâm hơn về đầu ra.
Anh Phan Thành Nhân - thành viên HTX Khoai mỡ Bến Kè, chia sẻ: “Nhờ thời tiết thuận lợi và biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên khoai mỡ ngày càng ít bị bệnh, củ to, tròn đều, đạt năng suất, bán được giá. Vụ vừa rồi, tôi trồng gần 2ha khoai mỡ, bán cho HTX với giá 14.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 120 triệu đồng”.
Giám đốc HTX Khoai mỡ Bến Kè - Phan Thành Dũng cho biết: Diện tích khoai mỡ của HTX gần 100ha và HTX thu mua khoai để giao cho các siêu thị, nhà cung cấp, công ty ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. “Để góp phần ổn định đầu ra và nâng cao chất lượng khoai mỡ của địa phương, thời gian qua, HTX tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân trồng theo hướng VietGAP; đồng thời, tích cực quảng bá, xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm” - ông Dũng cho biết thêm.
Tiếp tục củng cố, nâng chất
Thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.149 tổ hợp tác (THT) với hơn 20.760 thành viên. Nhìn chung, các THT bước đầu mang lại hiệu quả nhưng chưa cao do nhiều THT không có vốn góp, tài sản và người dân đa phần làm kinh tế hộ, việc thành lập THT hầu hết mang tính thời vụ, thiếu ổn định lâu dài, còn mang tính tự phát, hoạt động chủ yếu là học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất,...
Về HTX, toàn tỉnh có 287 HTX, trong đó có 221 HTX lĩnh vực nông nghiệp với 4.221 thành viên, trong đó 192 HTX đang hoạt động. Doanh thu bình quân một HTX ước đạt 1.200 triệu đồng; lợi nhuận bình quân một HTX ước đạt 80,7 triệu đồng. Các HTX nông nghiệp góp phần hỗ trợ kinh tế hộ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong HTX và lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,6 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà chất lượng khoai mỡ Thạnh Hóa ngày càng được nâng cao
Ngoài ra, toàn tỉnh có 5 liên hiệp HTX (trong đó có 2 liên hiệp HTX ngừng hoạt động) với tổng vốn điều lệ 4,2 tỉ đồng, 20 thành viên. Liên hiệp HTX phát triển theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho người lao động, an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh - Trần Hoài Bảo thông tin: Bên cạnh những kết quả đã đạt, quy mô hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, số HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả ít, lợi ích đem lại cho các thành viên chưa nhiều. Nguồn vốn để hoạt động kinh doanh còn thiếu. Hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX hạn chế, nhất là năng lực quản lý, lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các liên hiệp HTX còn yếu; hoạt động của các liên hiệp HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tổ chức.
“Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có chỉ đạo thống nhất nhằm tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế tập thể và HTX, tránh tình trạng phân tán nguồn lực, mỗi ngành làm một kiểu dẫn đến thực hiện không hiệu quả. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, mở rộng nguồn quỹ hỗ trợ HTX để các HTX còn khó khăn về nguồn vốn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, qua đó, củng cố và nâng chất hoạt động của HTX” - ông Trần Hoài Bảo thông tin thêm.
Thực tế cho thấy, hiệu quả của các HTX kiểu mới không chỉ thay đổi nhận thức, nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có tính tập trung, tiến tới làm chủ chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Đặc biệt là góp phần tích cực vào tiến trình phát triển KT-XH ở địa phương./.
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có chỉ đạo thống nhất nhằm tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế tập thể và HTX, tránh tình trạng phân tán nguồn lực, mỗi ngành làm một kiểu dẫn đến thực hiện không hiệu quả. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, mở rộng nguồn quỹ hỗ trợ HTX để các HTX còn khó khăn về nguồn vốn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, qua đó, củng cố và nâng chất hoạt động của HTX”.
Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh - Trần Hoài Bảo
|
Bùi Tùng