Tiếng Việt | English

28/12/2021 - 00:30

Hiệu quả từ mô hình Hội quán nông nghiệp

Thời gian qua, nhiều hội quán nông nghiệp được thành lập và hoạt động hiệu quả. Theo đó, nông dân tham gia hội quán sẽ cùng liên kết để hỗ trợ nhau trong canh tác, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Mô hình hội quán giúp nông sản có đầu ra ổn định hơn

Mô hình hội quán ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An được ra đời sau những chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Tháp, nơi hình thành mô hình hội quán nông nghiệp đầu tiên. Hội quán là mô hình kinh tế có quy mô nhỏ, tập hợp những nông dân cùng canh tác một loại nông sản trên tinh thần tự nguyện để cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất.

Hiện nay, việc sản xuất chạy theo số lượng đã không còn phù hợp, thay vào đó là sản xuất chú trọng vào chất lượng, do đó, ngoài việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, nông dân còn quan tâm đến liên kết, hợp tác hình thành vùng sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Chẳng hạn, đối với Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) - hội quán đầu tiên của tỉnh,

sau hơn 2 năm thành lập, nông dân tham gia hội quán đã thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nhỏ, lẻ sang mô hình kinh tế tập thể. Từ đó, góp phần giúp trái thanh long Châu Thành ngày càng vươn xa hơn, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Theo Chủ nhiệm hội quán Cầu Đôi - Trương Minh Trung, hội quán hiện có hơn 80 thành viên, sản xuất thanh long theo hướng sạch và có chứng nhận VietGAP. Hội quán đang liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ tiêu thụ sản phẩm với giá cố định, theo đó, thanh long ruột trắng, giá bán dao động từ 15.000 - 19.500 đồng/kg, ruột đỏ từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Ông Trương Minh Trung cho biết thêm: “Từ khi được thành lập, tại các cuộc họp của hội quán, lãnh đạo địa phương đến dự, vừa lắng nghe phản ánh của nông dân, vừa tuyên truyền những quy định, chính sách mới. Điều này tạo nên sự gần gũi và việc tuyên truyền các chính sách hiệu quả hơn”.

Mô hình hội quán là nơi nông dân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất

Chủ nhiệm hội quán Đồng Tre (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) - Nguyễn Văn Ửng chia sẻ: “Hội quán được UBND xã cho phép sử dụng 3.000m2 đất công để xây dựng trụ sở. Nhờ đó, các thành viên có nơi để sinh hoạt, chia sẻ thông tin, họp bàn chuyện đời sống, chuyện đổi cách sản xuất, kinh doanh”.

Được biết, Hội quán Đồng Tre hiện nay có 43 thành viên, đều sản xuất theo hướng sạch và được bao tiêu đầu ra nông sản với giá ổn định. Ông Nguyễn Văn Sự - thành viên Hội quán Đồng Tre, bộc bạch: “Từ khi có hội quán, nông dân được tiếp cận nhiều phương thức sản xuất mới, an toàn hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội để gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhau. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm”.

Phó Chủ tịch UBND xã An Lục Long, huyện Châu Thành - Đoàn Bảo An cho biết: “Đặc trưng của mô hình hội quán là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân. Với những kết quả khả quan đã đạt trong thời gian qua, UBND xã tin rằng, mô hình này sẽ góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là phát triển sản phẩm thanh long”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết