Tiếng Việt | English

02/03/2017 - 09:18

MTTQVN tỉnh Long An:

Hiệu quả hoạt động giám sát từng bước được nâng lên

Năm 2016, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An tổ chức nhiều cuộc giám sát, trong đó có giám sát việc thực hiện Chương trình phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP).

Đối với giám sát việc thực hiện Chương trình phát triển KH&CN, đoàn làm việc tại UBND TP.Tân An và Trung tâm Khuyến nông tỉnh.


Đoàn giám sát thực hiện Chương trình phát triển khoa học và công nghệ làm việc với UBND TP.Tân An

Qua giám sát cho thấy, việc tổ chức thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN bám sát tình hình thực tế; sau khi nghiệm thu được chuyển giao, triển khai nhân rộng, mang lại lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, mức độ đóng góp của KH&CN vào phát triển KT-XH của tỉnh chưa cao, xã hội hóa các hoạt động KH&CN chưa đạt kết quả mong muốn.

Đồng thời, đoàn cũng kiến nghị cơ quan thẩm quyền quan tâm hơn nữa việc thực hiện các chính sách nhằm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từng bước chuyển sang nuôi các loại thủy sản thích hợp với những vùng bị xâm nhập mặn; thu hút đầu tư chế biến thủy sản, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, khuyến khích ứng dụng công nghệ khí sinh học, áp dụng quy trình quản lý VietGAHP trong chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế hợp tác.

Trong giám sát về ATTP, đoàn làm việc với UBND các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và khảo sát thực tế tại một số công ty.

Đoàn nhận định, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP từ huyện đến các xã, thị trấn được củng cố, kiện toàn; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP; các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tổ chức tốt việc tuyên truyền cho người lao động về chính sách, pháp luật về ATTP; cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, chế biến đáp ứng yêu cầu ATTP.


Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, đoàn giám sát cũng kiến nghị UBND các cấp quan tâm củng cố tổ chức ban chỉ đạo liên ngành về ATTP; ban hành quy chế hoạt động, phân công từng thành viên; tăng cường tuyên truyền luật, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trong nhân dân, nhất là ở các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, trong đó có dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất về ATTP;...

Năm 2017, công tác giám sát cần chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật về hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm ATTP. Đối với MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, ưu tiên lựa chọn những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, bức xúc để phối hợp giám sát.

Đồng thời, tập trung phối hợp tổ chức giám sát một số nội dung: Việc thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình do nhân dân đóng góp xây dựng, do Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho địa phương; chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai; những vấn đề phát sinh tại địa bàn dân cư ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường, đời sống người dân,...

Việc thành lập đoàn giám sát cần chú ý huy động sự tham gia của thành viên các ban HĐND, hội đồng tư vấn, các cá nhân tiêu biểu am hiểu pháp luật liên quan đến nội dung giám sát. Kết thúc giám sát, đoàn giám sát xây dựng văn bản báo cáo kết quả giám sát; ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp huyện, xã ban hành văn bản thông báo về kết quả giám sát, gửi văn bản kiến nghị cho cơ quan, tổ chức được giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan./.

Quang Diệu

Chia sẻ bài viết