Tiếng Việt | English

18/10/2018 - 09:29

Kỷ niệm 150 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868-2018)

Hào khí người anh hùng làng chài - Kỳ 2:“Chi nài sắm dao tu nón gõ” (*)

Cách đây 150 năm, ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn), có một người dù “thất thế nhưng vẫn hiên ngang” bước lên đoạn đầu đài, đón nhận cái chết đầy dũng khí, để lại cho hậu thế 2 chiến công oanh liệt “Hỏa hồng Nhựt Tảo” và “Kiếm bạt Kiên Giang” đi vào lịch sử cùng câu nói bất hủ thể hiện ý chí chống ngoại xâm đến cùng của dân tộc Việt Nam: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Nguyễn Trung Trực theo tiếng gọi non sông tham gia vào đội quân đồn điền về ứng nghĩa chống giặc ở phòng tuyến Đại đồn Kỳ Hòa như một lẽ tự nhiên của người trai lớn lên giữa thời loạn. Thế nhưng, không như quan binh triều đình, dù “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung”, “chi nài sắm dao tu nón gõ”, ông chưa hề thất bại trước kẻ thù cho đến trước khi chấp nhận ra mặt để giặc bắt vì thế cùng lực kiệt bởi vận nước trong cơn nguy kịch lúc bấy giờ.

Chuyên gia tập kích

Sau khi quân Pháp chiếm Định Tường (12/4/1861), nhân dân 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ nổi lên chống giặc khắp nơi nên quân Pháp bố trí nhiều tàu tuần tiễu ngày đêm trên các sông, rạch bắn phá, khủng bố, tra xét gắt gao nhằm kiểm soát tình hình nổi dậy, trong đó có tiểu hạm L’Espérance tại vàm sông Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ). Đó là chiếc tàu kiểu Lorcha: “Là loại tàu hay ghe chài bản xứ người ta cho đậu ở nhiều sông, rạch để canh phòng thay thế cho pháo hạm. Thủy thủ đoàn là Pháp quân, do một sinh viên hải quân hay một trung úy chỉ huy. Người ta cho lính Tagal phụ theo lính thủy Pháp. Lính Tagal trở nên thủy binh ưu tú và lính bổn xứ được bố trí xung quanh tàu để canh phòng... Đây là những đồn nổi, không hơn không kém. Lâu nay, chiếc l’Amphytrite đậu ở Gò Công và Gia Thạnh và tiểu hạm L’Espérance ở Vàm Nhựt Tảo. Các tàu này giúp ích nhiều lắm và nhất là đỡ cho các pháo hạm của ta... Tàu được các ghe nhỏ túa ra canh chừng và do thám người An Nam hoạt động xung quanh chỗ tàu đậu” (Paulin Vial). Trên tàu có khoảng 45 người, bao gồm người Pháp, người Tagal và người Việt, có trang bị một khẩu đại bác cùng nhiều vũ khí đa năng. Trên bờ, quân Pháp lập một đồn ở chợ Nhựt Tảo (nay chợ này không còn) với 20 lính tập người Việt đóng giữ, sẵn sàng yểm trợ cho tàu. Tất cả được đặt dưới sự chỉ huy của viên Trung úy trẻ Parfait được đánh giá là tích cực, can đảm, từng được gắn nhiều huy chương vì thành tích quân sự. Tiểu hạm L’Espérance là một tàu gỗ có chỗ được bọc đồng, chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn, là một trong những tàu thuộc hàng bậc nhất của hải quân Pháp lúc bấy giờ, xét về trang bị, bố phòng và tương quan lực lượng, đây thực sự là một pháo đài nổi gần như bất khả xâm phạm, đầy thách thức đối với nghĩa quân.

Khách tham quan nhà trưng bày, tìm hiểu về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Thùy Hương

Trước tình hình đó, Nguyễn Trung Trực sau khi điều nghiên, xây dựng một kế hoạch tập kích táo bạo nhưng hoàn hảo, do ông chỉ huy cùng với 2 phó quản cơ là Huỳnh Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Quang và 59 dân binh. Ngoài ra, còn có sự phối hợp của những người trong bộ máy hành chính địa phương như 2 anh em cai tổng Hồ Quang Minh và hương thân Hồ Quang Chiêu của làng Nhựt Tảo. Sáng ngày 10-12-1861, Nguyễn Trung Trực nghi binh, cho một toán nghĩa quân kéo về kinh Ông Hóng (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ), gióng trống khua chiêng để phân tán lực lượng địch. Parfait là sĩ quan trẻ, háo thắng nên mắc mưu, liền chỉ huy một toán lính rời tàu xuống xuồng nhỏ kéo đi càn quét, để lại một số ít lính Pháp trên tàu. Huỳnh Khắc Nhượng và Nguyễn Văn Quang dẫn hai đội quân men theo bờ sông tiến sát chỗ tàu đậu, chờ lệnh. Đến trưa, Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân giả làm thuyền buôn (theo Đại Nam thực lục chính biên [Đệ tứ kỉ, Q.26]) tiến thẳng đến tàu Pháp, rồi bất ngờ tấn công vào giữa lúc lính tráng trên tàu đang nghỉ ngơi. Tên hạ sĩ quan Pháp phó chỉ huy tàu bị một ngọn giáo đâm thẳng vào ngực và rơi xuống nước khi cúi xuống định xét giấy tờ. Nguyễn Trung Trực là người đầu tiên lên tàu và 4 tên lính Pháp bị hạ gục ngay tức khắc. Nghĩa quân nhảy lên tàu hò hét vang trời để thị uy. Quân Pháp bị tấn công bất ngờ không kịp trở tay, một số nhảy xuống sông, một số chết ngay trong đợt tấn công đầu. Các đội quân của Huỳnh Khắc Nhượng và Nguyễn Văn Quang chỉ huy được lệnh xáp chiến, một phần tấn công vào đám lính mã tà trên bờ, một phần nhảy lên tàu dùng búa phá tàu nhưng không được bèn nổi lửa đốt tàu. Sau trận đánh, ta diệt 17 lính Pháp và Tagal, 20 tên lính tập trên đồn Nhựt Tảo cũng bị toán quân do hương thân Hồ Quang Chiêu chỉ huy phối hợp nghĩa quân hai phó quản cơ của Nguyễn Trung Trực diệt gọn. Khi Parfait quay trở lại, chỉ tìm được 3 tên lính Tagal trốn thoát nấp trong bụi rậm, không tìm được nghĩa quân nào.

Trận đốt tàu L’Espérance làm cho danh tiếng của Nguyễn Trung Trực vang lừng khắp nơi. Ông được đánh giá là vị chỉ huy chẳng những có võ nghệ cao cường mà trí lược hơn người, chỉ bằng vũ khí thô sơ và mưu trí đã tiêu diệt chiến hạm của Pháp được trang bị vũ khí hiện đại. Chính vì vậy mà quân Pháp cay cú đốt hàng loạt nhà, chặt phá cây cối của làng Nhựt Tảo để trả thù và dựng bia kỷ niệm thất bại ngay tại vàm Nhựt Tảo (bia này đã bị phá bỏ sau năm 1975). Triều đình (Tự Đức) đánh giá rất cao nên mới trợ cấp các gia đình bị thiệt hại và ban thưởng những người tham gia trận đánh. Sách Đại Nam thực lục chính biên (Đệ tứ kỉ, Q.26) ghi rằng: “Vua thưởng cho bọn Lịch, Quản cơ Nhượng, Quang cộng 20 người làm Cai đội, đều cho ngân tiền và thưởng chung cho binh đinh 1.000 quan tiền, 4 người bị chết cấp cho tiền tuất gấp 2 và ấm nhiêu cho con hay cháu gọi bằng chú bác ruột. Lại chẩn cấp cho những nhà thôn ấy bị Tây dương đốt cháy. Thự Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, lĩnh Tuần phủ Định Tường là Đỗ Thúc Tĩnh đều nói trận này là trận xuất sắc nhất, cho nên mới thưởng cho hậu”. Chiến thắng Nhựt Tảo trở thành nỗi ám ảnh của thực dân Pháp và niềm cổ vũ lớn lao cho nghĩa quân, Alfred Schreiner gọi “Đấy là khúc nhạc mở đầu cho một cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn lũy của người Pháp”.

Trước và sau trận đốt tàu ở Nhựt Tảo, cũng bằng chiến thuật tập kích, Nguyễn Trung Trực đã làm cho người Pháp khiếp sợ, mất ăn mất ngủ khi diệt Trung tá chỉ huy Bourdais và 30 lính Pháp ở Bảo Định (4/1961) và hàng loạt các cuộc tấn công tàu địch ở Rạch Tra (Đức Hòa), sông Tra (Gò Công), sông Vàm Cỏ Đông (Bến Lức). Paulin Vial kể: “Ba chiếc tiểu hạm (Iorcha) đậu trên sông Vaico Đông (tức Vàm Cỏ Đông) nhằm kiểm soát sự lưu thông đường thủy, bị tấn công hết sức dữ dội bởi những nhóm người đông đảo, do họ được cổ vũ bởi trận đốt tàu Espérance... Một trong ba chiếc đó, chiếc tiểu hạm số 3. Viên sĩ quan chỉ huy tàu này đã bị thương.” Và Georfes Taboulet thú nhận: “Cuộc nổi dậy bất ngờ bùng nổ vào ngày 16/12/1862 (trận Sông Tra), và chẳng mấy chốc lan rộng ra. Ba chiếc tuần tra và nhiều đồn bót bị đánh chiếm, như đồn Rạch Tra, gần Sài Gòn; trong trận đó, viên Đại úy Thouroude đã tử trận...”.

Đến trận lấy đồn Kiên Giang (16/6/1868) là một đồn lớn ngay trung tâm tỉnh, diệt Chủ tỉnh Chánh Phèn, 5 sĩ quan, 67 lính cả Pháp và quan chức người Việt làm việc cho Pháp, bắt sống 6 tên, thu trên 100 súng và một kho đạn, làm chủ tỉnh lỵ suốt một tuần cho thấy trình độ tập kích của Nguyễn Trung Trực phát triển đến mức cao, từ huấn luyện nghĩa quân, tổ chức lực lượng, chiến thuật táo bạo, thời điểm tấn công khiến địch hoàn toàn bị động,... đã làm cho người Pháp dù biện bạch chống chế cho thất bại này cũng phải thừa nhận: “Thảm họa Rạch Giá là một trong những biến cố đau thương...” (Paulin Vial), “một sự kiện bi thảm” (George Diirrwell).

Tài năng quân sự

Hai trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo” và “Kiếm bạt Kiên Giang” cho thấy tài năng quân sự của Nguyễn Trung Trực. Ở trận Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực nắm bắt tình hình địch rất kỹ với 2 điểm mấu chốt là sự lơ là phòng bị vào buổi trưa và đồn địch trên bờ hỗ trợ tàu L’Espérance để tìm cách khắc chế bằng cách tấn công 2 mục tiêu tàu địch và đồn địch cùng lúc để ngăn chặn sự ứng cứu lẫn nhau, kết hợp với nghi binh, thu hút nhằm phân tán lực lượng chủ yếu trên tàu. Trong cách đánh, Nguyễn Trung Trực chọn nghĩa quân can đảm, giỏi võ, lặn lội giỏi, rành địa thế, nắm biết quy luật con nước lớn ròng, sử dụng vũ khí và chiến đấu trên sông nước thành thạo, bảo đảm tự chiến đấu khi được tung vào trận... để bảo đảm thắng lợi. Những trận phục kích quân Pháp ở mặt trận Bảo Định, sông Tra, sông Bến Lức có thể được xem là rất tiêu biểu của chiến thuật du kích, quấy rối. Trận lấy đồn Kiên Giang là kết quả của việc quy tụ lực lượng (gồm tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, dân tộc, bộ máy chính quyền địch,...), điều nghiên tình hình, kết hợp binh - địch, vận chọn thời điểm tấn công (gần sáng), yếu tố bất ngờ... được kết hợp một cách hoàn hảo để tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng vang dội.

Tất cả các yếu tố đó cộng với tài năng chỉ huy thông minh và táo bạo của Nguyễn Trung Trực đã làm cho trận đốt tàu L’Espérance trở thành một trong những trận thủy chiến kết hợp với hỏa công tiêu biểu mà không phải ai cũng làm được trong lịch sử. Trận đốt tàu L’Espérance trên Vàm Nhựt Tảo dù là trận đánh có quy mô nhỏ nhưng xét trên nhiều phương diện tương quan lực lượng, hoàn cảnh lịch sử, sự khác biệt và ưu thế về phương tiện chiến tranh, vũ khí..., đó là biểu hiện của tư duy quân sự, thông minh, sáng tạo và tinh thần quả cảm chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam có thể vượt lên tất cả, vì vậy mang tầm vóc vĩ đại, cùng với Bạch Đằng, Rạch Gầm Xoài Mút,... đi vào lịch sử chống ngoại xâm. Việc người Pháp xây “Đài chiến sĩ” trong khuôn viên Dinh tỉnh trưởng (nay là Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang) có nội dung “Tưởng niệm tử sĩ trận đại chiến 1914-1918 và trận đột kích 1868” cho thấy trận tập kích đồn Kiên Giang của Nguyễn Trung Trực là trận đánh lớn, không thua kém gì một trận đánh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đó là một đánh giá khách quan về tầm vóc của Nguyễn Trung Trực.

Từ “Hỏa hồng Nhựt Tảo” đến “Kiếm bạt Kiên Giang”, Nguyễn Trung Trực bằng tài năng quân sự thiên bẩm đã thể hiện và minh chứng sinh động tinh hoa và tư tưởng quân sự Việt Nam “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Điều đó chỉ có ở một dân tộc có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Tinh thần đó sẽ bùng lên mạnh mẽ một khi vận nước lâm nguy để “giữ gìn ngọn rau tấc đất” dù “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung” mà Nguyễn Trung Trực là một hình ảnh tiêu biểu và sống động về người anh hùng nông dân áo vải./.

(*) Lời trong bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

ThS. Nguyễn Tấn Quốc

Kỳ cuối: Trở thành huyền thoại

Chia sẻ bài viết