Tiếng Việt | English

01/08/2015 - 10:52

Hành vi xấu xí của người Việt: Làm gì để chấn chỉnh?

Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO trao đổi với phóng viên VOV về chấn chỉnh những hành vi xấu xí của người Việt.

Dư luận đang xôn xao với câu chuyện Singapore từ chối nhập cảnh cho một số du khách Việt Nam và chuyện du khách Việt ăn cắp hàng hiệu tại Thụy Sĩ. Ngoài ra, thói cư xử thiếu văn hóa nơi công cộng như khạc nhổ, xa rác bừa bãi, trốn vé tàu xe… của người Việt khi ra nước ngoài đang gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh con người và đất nước Việt Nam.

Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Đại công quốc Luxembourg và Ủy ban châu Âu đã trao đổi thẳng thắn với phóng viên VOV về vấn đề này:

Mỗi lần nghe thông tin về những hành vi xấu của người Việt Nam qua truyền thông, tôi cũng như những người Việt Nam khác cảm thấy xấu hổ và buồn vì những “con sâu làm rầu nồi canh”, phẫn uất vì thấy công sức của mình và đồng nghiệp bỏ ra đã bị những hành vi xấu hủy hoại.

"Hãy hành động đẹp để tự hào là người Việt khi ra nước ngoài"

Tuy nhiên, trước những sự việc như vậy, chúng ta cũng không nên bị những thông tin từ truyền thông chi phối. Hành động đó ở nước nào cũng có, xã hội nào cũng có, chỉ là ít hay nhiều. Đại bộ phận người nước ngoài vẫn hiểu đó là hành vi cá nhân, không tiêu biểu và đại diện cho hình ảnh quốc gia.

Tuy nhiên, nếu tần suất sự việc diễn ra liên tục và diễn ra ở nhiều quốc gia, đồng thời những hành vi đó bị lan truyền bởi mạng xã hội, thì khi xem những thông tin đó hình ảnh, suy nghĩ đầu tiên ập vào tâm trí người nước ngoài sẽ là: Lại là Việt Nam à!

Thực tế ở một số quốc gia đã có viết những dòng cảnh báo về du khách Việt Nam. Điều này khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, và thấy buồn vì sự xúc phạm. Các cụ đã dạy “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, chúng ta đã làm gì sai để người ta có biện pháp như vậy. Nhưng mặt khác từ góc độ lợi ích dân tộc và bảo vệ nhân dân, các cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã có ý kiến với các nhà chức trách Singapore đề nghị thực hiện đúng thỏa thuận đã ký với các bên và thỏa thuận ASEAN.

Sau những sự kiện xảy ra, chúng ta cần tăng cường pháp trị. Chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa phương Đông, chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng dùng nhân trị, dùng giáo dục tuyên truyền là chính. Còn các nước phát triển người ta dùng đến pháp trị. Ngay cả Singapore, quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng.

Trước đây, một số người gốc luật đã chấn chỉnh được thói quen xấu này. Còn chúng ta thì suốt ngày ra rả phải coi trọng giáo dục, phải tha thứ nên đã dung túng cho những hành vi xấu. Cứ nói tới biện pháp mạnh là ầm ĩ phản đối.

Anh Peter Craig, người Canada: Không nên để cho hành vi xấu tái diễn.

Những hành vi xấu của người Việt ở nước ngoài dù chỉ là cá biệt nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Những người nghèo khổ vì quá đói mà lấy cắp đồ còn có thể thông cảm, nhưng những người có tiền đi du lịch nước ngoài không thể là người nghèo, vì thế, hành vi của họ thật đáng lên án.

Ở Canada ngay từ nhỏ, chúng tôi đã được giáo dục rằng ăn cắp là hành vi trái đạo đức và thường bị phạt nặng. Qua các phương tiện truyền thông tôi biết gần đây có khá nhiều người Việt Nam đi ra nước ngoài có những hành vi xấu. Nếu các bạn không có biện pháp chấn chỉnh thì những hành vi xấu sẽ tiếp tục tái diễn, khiến người nước ngoài thiếu thiện cảm về người Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Luyến (Đông Anh, Hà Nội): Cần phạt nặng những hành vi gây ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia.

Tôi đi du lịch Singapore cùng với một người bạn Anh cách đây 2 tháng. Mặc dù đi cùng nhau nhưng chỉ có tôi bị nhân viên hải quan Singapore giữ lại, trong khi người bạn Anh dễ dàng được nước bạn cho nhập cảnh. Tôi bị đưa vào phòng, trong đó đã có vài phụ nữ Việt. Tôi bị yêu cầu chụp ảnh, lăn dấu vân tay, sau đó họ hỏi tôi về kế hoạch ở Singapore, hỏi tên khách sạn tôi ở, xem vé máy bay khứ hồi, tiền mặt mang theo…

Cũng may tôi nói tiếng Anh ổn, nên sau khi kiểm tra thông tin, họ cho tôi nhập cảnh. Tuy nhiên, tôi có cảm giác như mình bị xúc phạm và chuyến du lịch của tôi thật nặng nề. Tôi rất buồn bởi chỉ vì một vài người có hành vi không đúng đắn ở nước bạn làm ảnh hưởng tới bao người Việt Nam khác. Theo tôi, những hành vi gây ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia cần xử phạt thật nặng.

Ông Giáp Văn Dương, TS ngành Vật lý Kỹ thuật Đại học Công nghệ Vienna (Áo): Khi ra nước ngoài, tên tuổi cá nhân gắn liền với thương hiệu quốc gia.

Khi chúng ta ra nước ngoài, tên tuổi chúng ta gắn liền với tên đất nước, gắn liền với thương hiệu quốc gia bởi khi có việc xấu xảy ra, họ sẽ nêu tên cô X, cô Y này là người Việt Nam. Nếu chuyện này cứ lặp đi lặp lại trên những phương tiện thông tin đại chúng sẽ gây hình ảnh xấu cho Việt Nam.

Sâu xa hơn, những việc xấu còn ảnh hưởng tới định hình đất nước, khi định hình đất nước không phải là về địa lý mà là văn hóa của dân tộc đó. Khi nhắc đến đất nước nào, chúng ta nghĩ ngay đến con người của đất nước đó. Người Việt Nam ra ngoài làm những việc xấu thì định hình về Việt Nam trong tâm thức người dân bản địa đó là những điều xấu, đó là sự đáng tiếc.

Câu chuyện người Việt bỏ trốn ở nước ngoài không còn là sự việc mang tính cá nhân, mà nó đòi hỏi được nhìn nhận một cách toàn diện và thấu đáo hơn từ phía Nhà nước. Rất khó có được lòng tin và thiện cảm của bạn bè quốc tế nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ chấn chỉnh người Việt bỏ trốn hay có hành vi không đẹp ở nước ngoài.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng: Cần nâng cao nhận thức của người dân.

Khi có sự việc gì xảy ra, chúng ta thường trách cứ cơ quan Nhà nước, cụ thể là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hay tổ chức các tour du lịch xuất ngoại mà đôi khi không nhận thấy tình trạng người Việt đi du lịch rồi tìm cách ở lại là bắt nguồn từ nhận thức, suy nghĩ, khát vọng đi tìm “miền đất hứa” của một bộ phận công dân.

Để những người này nhận thức đúng, cần nâng cao hiểu biết, khả năng nhận thức, năng lực phân tích tình hình cho họ, để họ tìm kiếm cơ hội vươn lên, làm giàu ngay ở trong nước.

Hồ Điệp/Báo Tiếng nói Việt Nam/Theo VOV.VN

 

Chia sẻ bài viết