Tiếng Việt | English

20/03/2019 - 10:19

Hạnh phúc là biết yêu thương và chia sẻ

Có ai đó nói rằng, “có tiền không mua được hạnh phúc”. Thực ra, hạnh phúc là điều hoàn toàn miễn phí. Người nắm giữ hạnh phúc là người có trái tim rộng mở, biết yêu thương, chia sẻ như những người mà chúng tôi đã gặp dưới đây!

Cả một cuộc đời sống vì người khác

Mới sáng sớm, trên tuyến đường bờ Đông kênh Cái thuộc ấp 6, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đã thấy bóng dáng một lão nông tỉ mỉ chặt tỉa cây dọc hai bên đường. Ông lão ngoài 70 tuổi, dáng người rắn rỏi, tay thoăn thoắt chặt gọn mấy nhánh tràm, bụi sậy mọc bên đường. Mấy chục năm nay, tuyến đường dài hơn 1km vào ấp 6 hầu như chỉ có mình ông chặt tỉa. Ông là cựu chiến binh Hồ Văn Thành.

Cây cầu Gò Bướm vừa được khánh thành đầu năm 2019 với kinh phí hơn 100 triệu đồng là công trình mang đậm “dấu ấn” cựu chiến binh Hồ Văn Thành

Hỏi đến ông Thành, trong ấp không ai là không biết, bởi ông “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để “xin tiền” làm hết công trình này đến công trình khác cho ấp. Hầu như tuyến đường, cây cầu, đường dây điện, công trình nước nào trong ấp cũng có “dấu ấn” của ông. Nếu không có người cựu chiến binh ấy, có thể những công trình kể trên vẫn chưa thể hoàn thành.

Dành cả thanh xuân ở chiến trường, hết đánh Mỹ rồi bảo vệ biên giới Tây Nam, sau chiến tranh, ông Thành về quê cùng vợ gầy dựng sự nghiệp. Được bầu làm bí thư chi bộ ấp từ ngày chi bộ mới thành lập, đến nay ngót nghét đã 20 năm, ông Thành chưa một lần phụ những người đã tín nhiệm mình. Đường vào ấp 6, xã An Thạnh khá heo hút, 2 bên ruộng lúa mênh mông, nhà dân thưa thớt, kênh, rạch chằng chịt. Cứ nghĩ ấp vùng sâu ấy đường sá sẽ khó khăn, nhưng đến nay đường rộng, được trải đá xanh, cầu bêtông chắc chắn, điện, nước về đến từng hộ gia đình. Để có được những công trình đó là cả một quá trình dài nỗ lực của người dân và đặc biệt là cựu chiến binh Hồ Văn Thành, bởi ông luôn là người khởi xướng làm các công trình.

Nhờ cái tình, cái lý và sự chân thành mà cựu chiến binh Hồ Văn Thành được người dân trong ấp tin tưởng, tín nhiệm. Cả cuộc đời ông, hầu như lúc nào cũng dành thời gian để cống hiến cho xã hội. Một tuyến đường được mở rộng, một cây cầu mới được xây xong, xe máy chạy đến từng nhà, ra từng bờ ruộng là ông Thành thấy vui. Niềm vui mang lại niềm vui cho người khác!

Hành trình 5 năm không phải là dài, nhưng đủ để Nguyễn Lâm Phúc Giang (thứ 3, trái qua) cùng câu lạc bộ làm được vô số công trình “nho nhỏ”, giúp đỡ nhiều người

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Gặp những người như cựu chiến binh Hồ Văn Thành, chúng tôi mới thấy câu nói “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” thật đúng. Và đúng với rất nhiều trường hợp, bởi có không ít người chọn cách sống vì người khác, lấy sự sẻ chia làm hạnh phúc cho mình. Cũng vì chọn phương châm sống như vậy, Nguyễn Lâm Phúc Giang được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên tình nguyện huyện Cần Giuộc. Giang gắn bó với CLB từ khi còn là học sinh lớp 10, đến nay khoảng 5 năm. CLB Thanh niên tình nguyện huyện Cần Giuộc được thành lập với mục đích thực hiện những công việc tình nguyện vì lợi ích cộng đồng và trang bị kỹ năng sống cho các bạn trẻ. Từ khi thành lập đến nay, CLB tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: Ra quân dọn vệ sinh, hỗ trợ ngày công làm đường giao thông nông thôn, tặng quà cho học sinh nghèo, thăm các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi,... Hành trình 5 năm không phải là dài nhưng đủ để Giang cùng CLB làm được vô số những công trình “nho nhỏ”, giúp đỡ nhiều người. Giang kể: “Ấn tượng nhất với em có lẽ là lần cùng các bạn tham gia trải đá trên tuyến đường thuộc xã Phước Vĩnh Đông. Chúng em phải vác trên vai những bao đá nặng đi bộ hàng kilômét. Lúc đó mới cảm nhận hết giá trị của lao động, đặc biệt là lao động chân tay. Sau ngày đó, em học được nhiều bài học để trưởng thành”. Bài học mà Giang nhắc đến chính là thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống, hiểu những vất vả của người dân vùng khó khăn và quan trọng hơn là bài học về tình thương, khi CLB được người dân đối xử như người thân trong nhà.

Hành trình 5 năm không phải là dài, nhưng đủ để Nguyễn Lâm Phúc Giang (thứ 2, trái qua, hàng ngồi) cùng câu lạc bộ làm được vô số công trình “nho nhỏ”, giúp đỡ nhiều người

Với sự nỗ lực và gắn bó của mình cùng CLB, Giang được bầu làm chủ nhiệm trong thời gian gần đây. Với vai trò mới, Giang kỳ vọng bản thân có thể cùng CLB viết tiếp hành trình một cách hoàn hảo nhất. Chàng trai trẻ dự kiến phát triển một số hoạt động mới để gây quỹ, đồng thời củng cố các chương trình cũ để nâng cao hiệu quả. Bởi mong muốn lớn nhất của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi trong CLB Thanh niên tình nguyện huyện Cần Giuộc chính là ngày càng nâng cao hiệu quả và tính lan tỏa của các chương trình. Càng nhiều người biết đến, nhiều mạnh thường quân ủng hộ thì sẽ càng vơi bớt khó khăn cho những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Nụ cười sẽ được nhân lên, hạnh phúc sẽ được tỏa lan ra từ đó. 

Cội nguồn hạnh phúc

Và dù cho hạnh phúc được lan tỏa từ đâu cũng không lớn lao và mạnh mẽ bằng hạnh phúc được gầy dựng từ gia đình. Chúng tôi đến thăm gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ Nguyễn Hữu Phương và nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Kiều Oanh, một nơi luôn đầy ắp tiếng cười.

Thời điểm này, gia đình anh chị đang tất bật chuẩn bị cho con gái đầu lòng sang Hà Lan học thạc sĩ. Chị Oanh cho biết, mặc dù đã tốt nghiệp đại học loại giỏi và đang có công việc ổn định, được đánh giá cao nhưng con gái chị vẫn quyết tâm nộp hồ sơ du học, vì muốn được thử thách mình ở một chân trời mới. Và cha mẹ luôn là điểm tựa, động lực cho con trong những quyết định quan trọng. Chị nói: “Ở gia đình tôi, cha mẹ vừa là người thân, vừa là bạn bè với con. Có điều gì con cũng chia sẻ, tâm sự để được cha mẹ tư vấn, hướng dẫn. Vợ chồng tôi luôn quan niệm phải tôn trọng và tạo mọi điều kiện cho con được phát huy sở trường, năng lực trong lĩnh vực mà mình yêu thích. Có lẽ đó cũng là động lực giúp cả 2 người con gái của chúng tôi mạnh dạn trong những quyết định lớn của mình. Con gái thứ 2 của tôi vừa sang Hàn Quốc du học theo diện học bổng được 1 tháng. Cùng một thời điểm, cả 2 con đều đi du học, gia đình cũng có chút trống vắng nhưng chúng tôi có cách để dù xa nhưng lại rất gần”. 

Mấy mươi năm bên nhau, anh Nguyễn Hữu Phương, chị Trần Thị Kiều Oanh cùng nhau vun đắp một gia đình vẹn tròn, hạnh phúc để làm nền tảng nuôi dạy các con và gia đình luôn thực sự là nơi “để trở về” với tất cả thành viên (gia đình dành thời gian đi du lịch cùng nhau trước khi các con lên đường du học)

Chị Oanh “bật mí” thêm, gia đình chị hầu như không có “khoảng riêng” vì mọi bí mật đều có cách để sẻ chia. Ngày các con còn nhỏ, công nghệ chưa phát triển, gia đình chị có quyển “nhật ký gia đình”, là nơi tất cả thành viên chia sẻ suy nghĩ, nỗi lòng của mình. Tất cả thành viên đều có thể viết và đọc quyển nhật ký ấy, nhờ vậy, mọi vướng mắc trong suy nghĩ đều được giải tỏa và mỗi thành viên đều có thể tự sửa mình để tốt hơn. Quyển nhật ký gia đình đã gắn liền với tuổi thơ các con của anh chị, đến khi công nghệ phát triển thì cha mẹ lại đồng hành cùng con trong việc khám phá thế giới Internet. Anh chị tham gia mạng xã hội, trở thành bạn bè của con, gia đình có nhóm trò chuyện riêng để các thành viên dù ở đâu cũng có thể chia sẻ những khoảnh khắc của mình với cả nhà. Nhờ vậy, dù các con đang đi học, đi làm xa, cả gia đình vẫn có thể trò chuyện với nhau mỗi ngày, rút ngắn khoảng cách về
địa lý.

Hạnh phúc thực sự không phải là điều gì quá khó tìm. Chỉ cần mỗi người chúng ta biết đủ, biết hài lòng và rộng lượng sẻ chia thì hạnh phúc sẽ đến, nhẹ nhàng và an yên. Tất cả những nhân vật mà chúng tôi đã gặp, dù họ là ai, làm việc gì thì đều có chung một điểm là nụ cười rất tươi và cuộc sống đầy ắp những niềm vui./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết