Hàng ngàn hécta cây trồng bị ảnh hưởng
Hiện nay, do ảnh hưởng của kỳ triều cường rằm tháng Giêng kết hợp gió chướng mạnh nên độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh (sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra) dao động ở mức từ 0,30-18,2g/l và tiếp tục tăng từ 0,40-2,00g/l. Theo kết quả kiểm tra, khảo sát và báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, sâu vào nội đồng trong khi diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 của huyện Tân Trụ và các xã phía Nam huyện Thủ Thừa còn khá lớn. Trong đó, có hơn 3.700ha lúa của huyện Tân Trụ và 1.000ha lúa ở các xã phía Nam huyện Thủ Thừa bị ảnh hưởng.
Người dân thường xuyên kiểm tra mặn, chủ động bơm nước phục vụ cây trồng
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Trước tình hình trên, sở chủ động phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cân đối nguồn nước, độ mặn cho phép để có chỉ đạo vận hành công tác mở - đóng các cống Rạch Chanh, Bắc Đông nhằm xả nguồn nước ngọt, đẩy ranh mặn nhỏ hơn 1,5g/l vượt qua các cống Châu Phê, Ông Dặm,... tạo điều kiện bơm nước ngọt vào nội đồng vùng Tân Trụ; phối hợp UBND huyện Tân Trụ, Thủ Thừa đóng - mở các cống đầu mối hoặc thuê các máy bơm đặt tại các cống đầu mối có nguồn nước ngọt, độ mặn nhỏ hơn 1,5g/l và các trạm bơm dã chiến cấp 1, cấp 2,... trên địa bàn 2 huyện để tranh thủ bơm tích nguồn nước ngọt tối đa vào nội đồng phục vụ sản xuất tại địa phương.
Năm nay cảnh báo sớm, địa phương vào cuộc sớm nên người dân chủ động phòng, chống hạn, mặn xâm nhập. Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt kênh thủy lợi vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện Tân Trụ còn rất ít nước. Do đó, thời gian qua, ngành chức năng huyện điều tiết nước ngọt, nhiều hộ dân tranh thủ bơm nước từ các kênh vào ruộng cứu lúa, tưới thanh long. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ xã Đức Tân, cho hay: Trước tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt có thể ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình, do đó, tôi chủ động tích trữ nước ngọt trong ao diện tích khoảng 100m2 của gia đình. Theo ông Tuấn, cây thanh long chịu nước mặn tương đối tốt nhưng không có nước ngọt thì cũng sẽ ngừng phát triển và chết. Hiện nay, người dân sản xuất cây giống phải chủ động trữ nước vì không biết nước mặn xâm nhập bất kỳ lúc nào.
Riêng cây lúa, nhiều hộ dân lo lắng sẽ thiếu nước ngọt, bị mặn xâm nhập. Gia đình ông Nguyễn Văn Tồn (xã Đức Tân) xuống giống 0,5ha lúa được 30 ngày hiện như “ngồi trên đống lửa” vì nước trong ruộng khô dần. “Tình trạng này không biết cầm cự được bao lâu. Hy vọng ngành chức năng sớm đưa ra giải pháp giúp người dân. Thời điểm gieo sạ, chúng tôi không nghĩ nước khô nhanh đến vậy” - ông Tồn lo lắng.
Tại huyện Thủ Thừa, hạn, xâm nhập mặn cũng đe dọa hàng ngàn hécta cây trồng. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi cho biết: “Trước mùa vụ, ngành khuyến cáo người dân khu vực bị ảnh hưởng mặn xâm nhập không nên gieo sạ, nông dân đã tuân thủ nên không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, hơn 1.000ha lúa đang trong giai đoạn cần nước để trổ bông. Nếu thiếu nước, nguy cơ giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Do đó, tuần qua, huyện tăng cường bơm nước”.
Ở xã Bình An, thị trấn Thủ Thừa, tại vị trí các cống ngăn mặn, các đơn vị được hợp đồng đang tích cực bơm nước cho ruộng lúa, cung cấp nước tưới cho hoa màu và cây ăn trái. Bên cạnh đó, sự chủ động của người dân phần nào giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Theo ông Trần Thanh Minh, ngụ xã Bình An, tranh thủ những ngày mặn giảm, ông đã nạo vét nhiều mương, ao trữ nước ngọt. “Thời gian độ mặn lên từ 7-10 ngày, sau đó giảm nên việc trữ nước ngọt trong mương sẽ đủ nước cho cây trồng trong thời gian mặn xâm nhập. Ở đây, đa số người dân đều có kinh nghiệm ứng phó khi bị xâm nhập mặn” - ông Minh nói.
Hệ thống kênh thủy lợi nội đồng được các địa phương quan tâm cải tạo phục vụ sản xuất
Cũng như ông Minh, ông Nguyễn Văn Việt, ngụ xã Bình An, nói: “Năm nay, theo dự báo, nước mặn sẽ xâm nhập gay gắt hơn năm 2016. Do đó, địa phương khuyến cáo người dân chủ động ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng. Địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất, hạn chế thiệt hại về hoa màu, cây ăn trái, lúa,... cho nông dân”.
“Hiện gia đình tôi có gần 1ha lúa sắp trổ bông. Do có sự chuẩn bị từ trước nên dù mặn xâm nhập, tôi vẫn an tâm. Tôi mong thời gian tới, người dân chủ động trong phòng, chống hạn, mặn, không lơ là, ỷ lại vào ngành chức năng” - ông Việt nói thêm.
Chủ động ứng phó
Trước tình hình hạn, mặn diễn biến ngày càng gay gắt, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: Sở đề nghị Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình chất lượng nước trên website Phòng, chống thiên tai của tỉnh; đồng thời, phối hợp Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An theo dõi độ mặn thường xuyên và xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ, tránh tình trạng nước mặn xâm nhập nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Các địa phương tập trung đầu tư công trình cấp nước, ngăn mặn. Ảnh: Kim Thoa
Sở cũng đề nghị UBND các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ và TP.Tân An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước trên website Phòng, chống thiên tai của tỉnh, kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các đài truyền thanh huyện, xã về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và nội đồng; khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng khi nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn. Đề nghị UBND các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Đức Hòa, Đức Huệ rà soát, kịp thời đắp các đập tạm ngăn mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối để bơm nước vào nội đồng khi chất lượng nước đảm bảo (độ mặn nhỏ hơn 1,5g/l) để kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt đến từng hộ, ấp, xã, huyện, tỉnh ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang, thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, như bồn trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi./.
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dòng chảy tháng 02/2020 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng có khả năng ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn tháng 02 trên Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt khu vực cửa sông Cửu Long từ ngày 08 đến 16/02/2020. Cụ thể, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất với ranh 4g/l trong thời kỳ này tại sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây): Phạm vi ảnh hưởng từ 95-100km, sâu hơn cùng kỳ tháng 02 năm 2016 từ 4-6km. |
Huỳnh Phong