Tiếng Việt | English

04/06/2018 - 11:34

Hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn nhiều bất cập

Hiện nay, hạ tầng tại một số khu, cụm công nghiệp (K,CCN) còn hạn chế, chậm triển khai thi công hoặc xây dựng dang dở, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Đầu tư dang dở, hạ tầng xuống cấp

Toàn tỉnh Long An hiện có 16 KCN đang hoạt động, tổng diện tích quy hoạch 3.862ha (chiếm 37,8% tổng diện tích đất của 28 KCN). Trong đó, diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê 2.703ha với tỷ lệ lấp đầy 77,68% (2.099ha). Ngoài ra, có 17 CCN đang hoạt động, tổng diện tích quy hoạch 901ha (chiếm 26,8% tổng diện tích đất 32 CCN trước đây và chiếm 29% diện tích đất 62 CCN được quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh). Trong đó, tổng diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê là 677,9ha với tỷ lệ lấp đầy 86,29% (584ha).

Ngoài đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tỉnh cũng rất quan tâm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư phát triển hạ tầng xã hội tại các K,CCN nhằm thu hút đầu tư, nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Nổi bật, với hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, có nhà trẻ, siêu thị, phòng khám sức khỏe, khu vui chơi, lưu trú,... KCN Long Hậu (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) mang đến không gian sống và làm việc thoáng mát, thoải mái cho công nhân, người lao động. “Không dừng lại ở đó, thời gian tới, KCN tiếp tục triển khai dự án Long Hậu 3 và chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa tiện tích, tạo môi trường phát triển bền vững cho các doanh nghiệp” - Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh Công ty (Cty) Cổ phần Long Hậu - Bùi Lê Anh Hiếu
cho biết.

Hạ tầng Khu công nghiệp Thuận Đạo được đầu tư hoàn chỉnh

Tại KCN Thuận Đạo (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) và KCN Thuận Đạo mở rộng (xã Long Định, huyện Cần Đước), chủ đầu tư (Cty Cổ phần KCN Đồng Tâm) cũng quan tâm hoàn thiện hạ tầng, trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Với phương châm “Nhà đầu tư đến đâu, hạ tầng hoàn chỉnh đến đó”, hiện nay, KCN Thuận Đạo đã lấp đầy với diện tích 113ha, hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện 100%. KCN Thuận Đạo mở rộng có diện tích 189ha, phấn đấu hoàn thiện 95% hạ tầng đến cuối năm 2018. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải tập trung được trang bị trạm quan trắc nước thải tự động và hố ga bên ngoài doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, giám sát của Ban Quản lý KCN và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh một số chủ đầu tư thực hiện tốt hạ tầng, nhiều K,CCN trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo giấy chứng nhận đầu tư như hệ thống chiếu sáng, xử lý nước thải, cây xanh, thảm cỏ, đường giao thông nội bộ,... Hệ thống hạ tầng bên ngoài K,CCN cũng chậm được đầu tư, nhất là đường giao thông. Trong đó, tuyến Đường tỉnh 825 (đoạn qua KCN Đức Hòa 1 - Hạnh Phúc) xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa nâng cấp, sửa chữa kịp thời, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu của doanh nghiệp.

KCN Xuyên Á (xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa), CCN Hoàng Gia (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) hình thành đã lâu nhưng hệ thống hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, một số nơi xuống cấp, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Hải Sơn (chủ đầu tư mới của KCN Xuyên Á) - Nguyễn Quang Hiến thông tin: “Hiện nay, các tuyến đường giao thông nội bộ, nhất là tuyến đường số: 1, 2, 5 và 7, hệ thống thoát nước mưa, nước thải xuống cấp nghiêm trọng. Từ khi tuyến Đường tỉnh 824 được nâng cấp thì các tuyến đường trong KCN thấp hơn, gây ngập úng cục bộ vào mùa mưa nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của công nhân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”.

Tuyến đường chính vào Cụm công nghiệp Hoàng Gia hư hỏng nhiều năm nay nhưng chưa được sửa chữa. Ảnh: An Kỳ

Tại CCN Hoàng Gia, các tuyến đường nội bộ đầy những “ổ gà, ổ voi” nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa; một số doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động xả nước thải trực tiếp ra môi trường do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Giám đốc Cty TNHH Hoàng Gia Long An (chủ đầu tư hạ tầng CCN Hoàng Gia) - Bùi Thị Kim Hoa cho biết, do gặp khó khăn về tài chính nên đến nay, hệ thống đường giao thông vẫn chưa được xây dựng. Riêng hệ thống xử lý nước thải tập trung được xây dựng xong, đang chờ lắp đặt thiết bị và vận hành. Để tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng, Cty hợp tác với Cty TNHH Công nghiệp Nam Sài Gòn xây dựng hệ thống cấp, thoát nước mưa và nước thải, cấp phối các tuyến đường còn lại trong CCN.

Một số dự án chậm triển khai thi công

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, những năm qua, việc thu hút đầu tư phát triển các KCN còn một số khó khăn như cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như đầu tư sản xuất, kinh doanh trong KCN. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Mặt khác, một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nên chậm triển khai thi công hoặc xây dựng hạ tầng dang dở, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều cho biết, trong các dự án hạ tầng KCN chậm triển khai có KCN DNN-Tân Phú do vướng tranh chấp, hiện tòa án đang xử lý; KCN Quốc tế Trường Hải đang được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để bổ sung hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư; KCN Thế Kỷ và 7 KCN thành phần trong KCN Đức Hòa III vừa chuyển nhượng chủ đầu tư;... Các K,CCN chậm triển khai thi công hạ tầng vì nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư như KCN: Nam Thuận, An Nhựt Tân, Phước Đông; CCN: Tân Mỹ, Thịnh Hưng, Phát Hải;...

Tuyến đường chính vào Khu công nghiệp Xuyên Á xuống cấp nghiêm trọng

Còn theo Sở Công Thương, do khó khăn về vốn đầu tư, kinh phí hỗ trợ, việc di dời các doanh nghiệp vào CCN còn nhiều bất cập. Phần lớn CCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, vì vậy vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, nhiều quy định của Nhà nước còn chồng chéo, gây khó khăn trong công tác quản lý. Sự thiếu đồng bộ trong việc thực hiện các quy hoạch như thiếu điện, nước, lao động, đường giao thông, cảng,... tác động không nhỏ đến thu hút đầu tư vào CCN trên địa bàn.

Nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, những năm qua, tỉnh huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ để phục vụ phát triển công nghiệp. Trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh thông qua việc đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các K,CCN với nhau, kết nối với TP.HCM và kết nối đến Cảng Quốc tế Long An. Qua đó, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Hạ tầng trong K,CCN yếu kém, chưa được quan tâm xây dựng là lực cản trong thu hút đầu tư. Do đó, việc hoàn thiện hạ tầng là điều kiện tiên quyết và vô cùng cấp thiết để các K,CCN phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết