Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống KT - XH của cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang phải gánh chịu tác động rất lớn, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Hầu hết các DN đều lâm vào tình cảnh khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng; bị gián đoạn, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất; doanh thu giảm mạnh và buộc phải cho nhiều lao động nghỉ việc, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng hoạt động.
Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh ở mức 4-5%, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể để mở cửa trở lại trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 thứ tư vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa phương có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế của tỉnh.
Với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh đã dự kiến các kịch bản, giải pháp cụ thể để sẵn sàng cho trạng thái “bình thường mới”. Tỉnh đang đi từng bước và thận trọng trong khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trước tiên là khôi phục sản xuất của DN đang hoạt động “3 tại chỗ”, kế đến là DN tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh nay tái sản xuất trở lại; DN kinh doanh hàng hóa thiết yếu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau ngày 15/10/2021, tùy theo tình hình dịch bệnh, tỉnh sẽ mở rộng đối tượng DN và nới lỏng các điều kiện hoạt động.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là thiếu hụt nguồn lao động khi hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi. Bởi, dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài, buộc nhiều lao động phải tìm công việc khác để làm hoặc rời các khu, cụm công nghiệp để về quê tránh dịch. Trước tình hình này, để giúp DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, tỉnh đang tập trung nhân lực tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cho công nhân, lao động trên địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân, lao động thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, qua đó, giúp tạo “lá chắn” bảo vệ an toàn để công nhân, lao động an tâm trở lại làm việc.
Không những vậy, nhằm hạn chế nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và tác động nặng nề đến người lao động (NLĐ), ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ kết dư quỹ với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỉ đồng. Đây là tin vui đối với NLĐ và người sử dụng lao động!
Ngoài gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, công nhân, lao động mất việc, tạm ngưng công việc nhưng không thể về quê cũng được quan tâm, chăm lo kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhiều DN dù khó khăn vẫn cố gắng bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Tất cả hoạt động chăm lo này vừa tạo động lực, niềm tin, vừa “giữ chân” công nhân, lao động.
Và khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần khôi phục, NLĐ lại sẵn sàng quay trở lại với công việc, tiếp tục chọn “đất lành” để gắn bó lâu dài. Khi đó, NLĐ vừa có thu nhập trang trải cuộc sống sau chuỗi ngày gặp nhiều khó khăn, vừa giúp DN nhanh chóng phục hồi, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Với sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh, công nhân, lao động hãy an tâm trở lại nhà máy, DN làm việc, góp sức cùng DN, tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn này./.
Thanh Tuyền