Mỗi chuyến xe buýt về bến, ông Nguyễn Văn Hải (bìa phải) và những người chạy "xe ôm" chung lại hy vọng kiếm được "cuốc" xe
“Xe ôm” truyền thống giữa thời công nghệ
Buổi sáng tại Bến xe Long An, không khí khá tất bật, mọi người tranh thủ cho kịp chuyến xe. Các bác tài “xe ôm” chia thành từng nhóm nhỏ, cười nói rôm rả, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ canh giờ xe buýt về bến. Đây là nguồn khách hàng chính của những người chạy “xe ôm” tại bến xe.
Không như những năm trước, mấy năm trở lại đây, lượng khách hàng này ít hơn. Người trẻ thường đặt xe công nghệ thay vì đi “xe ôm” truyền thống nên có khi cả ngày, các bác tài “xe ôm” chỉ kiếm được vài “cuốc”. Khi có người hỏi về công việc, ông Nguyễn Văn Hải - tài xế “xe ôm” tại Bến xe Long An, thở dài: “Hồi trước, tầm 5 giờ sáng ra bến là có khách gọi, buổi sáng kiếm được 150.000-200.000 đồng là chuyện bình thường. Tầm chiều tối thì đông khách hơn, nhất là những ngày đầu tuần và cuối tuần, lúc đó làm cực mà vui lắm, ngày kiếm chừng 500.000 đồng khỏe ru, còn giờ thì...”.
Ông Hải thở dài, bỏ lửng câu nói. Ông chạy xe ở bến này được hơn 10 năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy vắng khách như bây giờ. Mỗi chuyến xe buýt về bến, khách xuống xe thường có người nhà rước, không thì đặt xe công nghệ nên “cánh” tài xế “xe ôm” ế khách, có khi cả ngày ông không có cuốc xe nào. “Giờ mỗi ngày chạy được 100.000 đồng là mừng lắm rồi! Cũng muốn đổi qua chạy xe công nghệ nhưng lớn tuổi, sử dụng các thiết bị không quen nên tôi và mấy ông bạn vẫn cứ chạy “xe ôm” truyền thống” - ông Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hải thường ra bến xe thật sớm để đón khách nhưng cũng chỉ có vài khách quen
Cùng tâm trạng với ông Hải, ông Nguyễn Văn Dũng (phường 1, TP.Tân An) cho biết: “Tôi ở một mình, không vợ, con, thuê căn phòng trọ 600.000 đồng/tháng,sống bằng nghề chạy “xe ôm”. Nghề này trước kia cũng “có ăn” lắm, sau này thì khó khăn rồi, ai cũng có xe riêng hoặc sử dụng xe công nghệ, ít người đi “xe ôm” truyền thống”. Sau đợt dịch Covid-19, ông Dũng có đăng ký chạy xe công nghệ nhưng thấy khó tiếp cận với thiết bị số nên quay lại nghề cũ. Ông thường đón khách bên ngoài bến xe vì nếu đăng ký vào bến phải đóng phí. Đón khách trong bến đã khó, ngoài bến càng vắng khách hơn nên có khi cả ngày ông không được "cuốc" xe nào.
Các bác tài “xe ôm” truyền thống có những điểm tập kết riêng, thường là ở đầu chợ, ngã ba, ngã tư đường, nơi có đông người qua lại. Những lúc ế khách quá, họ chạy xe rảo quanh vài vòng tìm khách nhưng giữa thời buổi công nghệ này, việc tìm khách “bị động" như thế không dễ.
“Xe ôm” đã quá quen thuộc với người Việt từ nhiều thập kỷ trước và trở thành nghề nuôi sống biết bao gia đình lúc đó nhưng giờ đây, những người theo nghề khá chật vật. Khó khăn nhất mà “cánh” “xe ôm” truyền thống đang phải đối mặt là sự cạnh tranh từ xe công nghệ.
Xe công nghệ và những tiện ích
Ngày nay, theo sự phát triển, mô hình xe công nghệ ra đời đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Xe công nghệ hoạt động dựa trên nền tảng các ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, người dùng có thể đặt xe mọi lúc, mọi nơi. Điểm khác biệt lớn nhất là tài xế xe công nghệ không phải tự tìm nguồn khách hàng mà qua các ứng dụng trực tuyến, khách hàng sẽ tìm đến họ. Khác với các dịch vụ vận tải truyền thống, giá cước của xe công nghệ được hiển thị trước khi bắt đầu hành trình, giúp người dùng tránh bị “chặt chém”, lại còn thường nhận được những mã giảm giá (voucher) giúp tiết kiệm tối ưu chi phí đi lại.
Trên các ứng dụng xe công nghệ, thông tin tài xế lẫn khách hàng đều được hiển thị rõ ràng, khách hàng từ đó có thể biết tên tài xế, hình ảnh, biển số xe và cả đánh giá từ những khách hàng trước đó. Việc này giúp người dùng cảm thấy an toàn hơn khi sử dụng dịch vụ và dễ dàng lựa chọn những tài xế “5 sao”.
Khi sử dụng xe công nghệ, khách hàng biết trước được giá tiền cho hành trình và có thể tham khảo nhận xét về tài xế từ đánh giá của những khách hàng trước
Nhờ vào những tính năng tiện ích, an toàn và sự linh hoạt, xe công nghệ dần thay thế các phương tiện vận tải truyền thống, trở thành lựa chọn của nhiều người trong thời đại số chỉ với một cái chạm tay. Chị Huỳnh Hoàng Anh (phường 2, TP.Tân An) thường sử dụng xe công nghệ. “Tiện lắm, những lúc không thể tự chạy xe, tôi thường đặt xe công nghệ hay những ngày bận việc không thể đón con, tôi cũng đặt xe công nghệ chở con về” - chị Hoàng Anh cho biết. Còn anh Nguyễn Thanh Hiếu (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) thì từ khi biết đến xe công nghệ, mỗi lần đi dự tiệc hay tiếp khách có uống rượu, bia đều chủ động đi xe công nghệ, vừa tiện lợi, vừa bảo đảm an toàn cho mình và người khác.
Để lái xe công nghệ, tài xế phải đăng ký với công ty chủ quản và được cấp tài khoản, chịu sự quản lý, giám sát và phải chia % thu nhập với công ty. Anh La Phan Công Thuận - tài xế Xanh SM, đang làm việc tại TP.Tân An, cho biết: “Lúc trước, tôi lái xe công nghệ ở TP.HCM. Từ khi Xanh SM có mặt ở Long An, tôi về quê làm cho gần nhà. Ban đầu cũng ít người biết đến nhưng giờ lượng khách ổn định hơn nên thu nhập cũng kha khá".
Mặc dù xe công nghệ có phần lấn át “xe ôm” truyền thống nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các bác tài “xe ôm” truyền thống vẫn theo nghề. Khách hàng của họ thường là “mối” quen hoặc ở vùng nông thôn, xe công nghệ chưa tiếp cận. Vì vậy, để tồn tại trong cuộc cạnh tranh này, nhiều tài xế “xe ôm” truyền thống bắt đầu linh hoạt, thích nghi bằng cách chuyển sang sử dụng ứng dụng công nghệ. Cuộc cạnh tranh giữa xe ôm truyền thống và xe công nghệ không chỉ là cuộc đấu về phương tiện mà còn là sự thích ứng với thời đại công nghệ số./.
Phương Thảo