Tiếng Việt | English

03/03/2021 - 23:00

Giữ nghề đan đát

Không biết nghề đan đát ở ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hình thành từ bao giờ, những người làm nghề nơi đây chỉ biết từ nhỏ, họ đã tập tành đan đát theo cha mẹ và nghề này gắn bó với họ đến khi già.

Nghề đan đát ở ấp Bến Long ngày càng thưa dần

Về ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh các bụi tre, bụi trúc được trồng trước sân hoặc xung quanh nhà. Không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, tre, trúc còn có giá trị to lớn đối với cuộc sống của người dân ấp Bến Long khi trở thành nguyên liệu quan trọng, phát triển các làng nghề truyền thống. Theo đó, từ xa xưa, người dân ở đây đã sử dụng tre, trúc để sản xuất ra các dụng cụ, vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày, hình thành nên các làng nghề, nghề truyền thống như đan cần xé, rổ, rá, thúng, mủng, sàng, nia,...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Mỹ - Nguyễn Thị Bích Liễu cho biết: “Ở đây, hầu như nhà nào cũng trồng tre, trúc, ai cũng biết đan đát, trong đó có những nhà không làm nghề đan đát cũng trồng và bán lại. Các sản phẩm làm từ tre, trúc của ấp Bến Long nói riêng, người dân Tân Mỹ nói chung được rất nhiều người biết đến, có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước”.

Nguyên liệu đan đát chủ yếu từ tre, trúc. Tre, trúc khi được chặt xuống sẽ được cưa, cắt thành từng đoạn, tùy theo kích thước của sản phẩm muốn làm; tiếp theo cạo sơ lớp vỏ bên ngoài và chẻ nhỏ ra, cạo thêm phần phía trong làm nan. Các nan sau khi được đan sát nhau thành mê, các mê này sẽ được cắt bỏ phần dư để đưa đến công đoạn bắt vành. Nhìn chung, nghề đan đát không phức tạp, ai cũng làm được, chính vì vậy khi trẻ nhỏ đi học về hoặc những lúc rảnh rỗi, ông bà thường dạy con cháu mình cạo vỏ, đan đát những tấm mê, sau đó vót nan, bắt vành, nứt vành.

Nghề đan đát không gò bó thời gian, cũng không cần phải bỏ ra nhiều vốn, chủ yếu lấy công làm lời. Bà Huỳnh Thị Út, ngụ ấp Bến Long, nói: “Nhờ nghề đan đát này mà vợ chồng tôi có điều kiện nuôi các con khôn lớn. Giờ lớn tuổi, sức khỏe yếu, các con tôi không cho làm nữa. Thế nhưng, nghỉ làm được vài ngày là cảm thấy nhớ nghề, bởi đan đát là nghề truyền thống của gia đình nhiều năm qua, không thể nói bỏ là bỏ ngay được”.

Được biết, hiện nay, ấp Bến Long có 2 tổ đan đát, với hơn 160 thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là người già, thu nhập bình quân từ 100.000-200.000 đồng/người/ngày. Do thu nhập không cao nên người trẻ chọn đi làm ăn xa để có thu nhập tốt, còn người già vẫn gắn bó cuộc đời mình với nghề truyền thống của quê hương. Bà Phạm Thị Sang, ngụ ấp Bến Long, bộc bạch: “Học nghề đan đát không khó, cái khó là người học nghề có sống được với nghề hay không.

Thanh niên ở xóm này ai cũng biết đan nhưng đều bỏ đi nơi khác tìm việc làm tốt hơn, chỉ còn mấy ông, bà già hoặc mấy cô phụ nữ ở nhà tranh thủ bếp núc, chuyện nhà rồi mới đan để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giữ nghề truyền thống. Các sản phẩm làm từ nghề đan đát chủ yếu bán cho tiểu thương ở chợ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đến nay, nhiều sản phẩm làm ra vẫn không có thương lái đến lấy hàng. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của người làm nghề đan đát rất nhiều”.

Ngày xưa khi về đến đầu làng, chúng ta đã ngửi được mùi thơm của tre, trúc hay bắt gặp hình ảnh các ông bà, các chị tỉ mỉ bẻ vành, vót nan. Thế nhưng, theo năm tháng, hình ảnh này trở nên thưa dần. Để giữ nghề truyền thống đan đát ở ấp Bến Long, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần cho những giá trị truyền thống tồn tại đến mai sau./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết