Thông qua mô hình “Đôi tay vàng” các học sinh vừa được tự tay làm ra những sản phẩm len như nón, móc khóa,... mang lại thu nhập, vừa góp phần hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Gian hàng “Xuân Yêu Thương”
Tết đến xuân về, ai ai cũng háo hức sắm sửa cho bản thân và gia đình những món đồ mới nhưng với chị Lê Thị Thùy Trang (ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) thì đây là dịp để chị gieo yêu thương bằng những món đồ handmade do chính tay mình làm ra. Là nhân viên văn phòng, tranh thủ “dồn” hết các ngày nghỉ phép năm vào dịp này, chị Trang cùng những cô chú trong xóm mở một gian hàng “Xuân Yêu Thương” nhằm gây quỹ hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Với phương châm sống “cho đi là còn mãi”, những việc làm thiện nguyện đã được chị duy trì từ năm 2019 đến nay. Trong khoảng 5 năm qua, chị thường xuyên đồng hành cùng Câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện Châu Thành (huyện Châu Thành) trên những chặng đường “trao gửi yêu thương”. Chị Trang tâm sự: “Với mong muốn mọi người đều có một cái tết trọn vẹn, tôi và các cô chú trong xóm tự tay làm các sản phẩm để bán vào dịp tết, lấy tiền giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Vậy là, chị Trang và những cô chú quanh xóm bắt đầu bán những món đồ handmade do mình làm ra. Sản phẩm chị bán gồm giỏ quà tết, nước ngọt, dừa vẽ thư pháp,... và rất nhiều phụ kiện trang trí tết khác. Chị Trang chia sẻ, số vốn ban đầu để khởi động gian hàng này lên đến 100 triệu đồng. Chị đã khảo sát nên giá sản phẩm bán ra của gian hàng chị thấp hơn so với thị trường.
Dù có lợi nhuận hay không, chị vẫn quyết định trao quà tết cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, gian hàng của chị đã trao 15 phần quà cho 15 hộ có hoàn cảnh có khăn tại địa phương, mỗi phần trị giá 300.000 đồng.
“Các cô chú ở đây phần lớn làm nông, không khéo tay nên các sản phẩm cho ra chưa thật sự chuyên nghiệp, tuy nhiên ai cũng hỗ trợ cho gian hàng nhiệt tình và không ai lấy tiền công cả. Hy vọng mọi người nhìn chúng bằng tấm lòng bao dung, nhân ái,...” - chị Trang chia sẻ.
Hơn cả, một món quà, những sản phẩm handmade tại gian hàng “Xuân Yêu Thương” vừa là món quà tết, cũng là sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Gian hàng nhỏ của chị Trang và những cô chú hàng xóm như một điểm sáng ấm áp, tô điểm thêm cho bức tranh mùa xuân thêm rực rỡ.
Chung tay giúp đỡ bạn bè
Trường THCS Nguyễn Văn Chính (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) từ lâu đã được biết đến là ngôi trường có bề dày thành tích về công tác Đội. Tại trường có nhiều mô hình hay, ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc. Nổi bật có mô hình Đôi tay vàng được ra mắt trong năm học 2021 - 2022. Thông qua mô hình, các bạn học sinh sẽ được hướng dẫn đan len làm ra các sản phẩm như nón, móc khóa, giỏ xách, ví cầm tay,...
Sau khi thành phẩm, các sản phẩm handmade này sẽ được trưng bày tại một gian hàng trong khuôn viên trường để bán lại cho các bạn học sinh khác. Tùy theo độ phức tạp, kích thước mà mỗi sản phẩm có giá dao động từ 15.000 - 300.000 đồng.
Điều ý nghĩa của mô hình này là sau khi bán ra sẽ trích 10% lợi nhuận hỗ trợ học sinh vượt khó, học giỏi của trường. Được biết, trung bình mỗi năm, từ mô hình Đôi tay vàng đã trích ra được khoảng 2 triệu đồng hỗ trợ cho các em học sinh.
Toàn bộ lợi nhuận chị Lê Thị Thùy Trang đều dùng cho các hoạt động thiện nguyện
Tham gia câu lạc bộ hơn 1 năm nay, em Trần Thủy Tiên - học sinh lớp 8A2 Trường THCS Nguyễn Văn Chính, chia sẻ: “Em rất thích đan len vì nó giúp em giải tỏa căng thẳng sau giờ học và thỏa sức sáng tạo. Khi biết ở trường có mô hình Đôi tay vàng, em vô cùng hào hứng và tham gia ngay. Em được một chị lớp trên dạy những bước cơ bản trước rồi tự tìm tòi thêm trên mạng. Em mong muốn góp sức mình để giúp đỡ những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.
Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Văn Chính - Huỳnh Thị Tiểu Muội cho biết, thông qua mô hình Đôi tay vàng sẽ góp phần giáo dục đội viên, học sinh có thể tận dụng đôi tay khéo léo của mình tạo ra sản phẩm thật sự có ý nghĩa, hữu ích cho cuộc sống; hạn chế tình trạng học sinh sử dụng điện thoại chơi game, mạng xã hội, xao lãng việc học. Đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” khi có thể chia sẻ lợi nhuận từ việc bán ra các sản phẩm giúp đỡ học sinh khó khăn, yếu thế của liên đội./.
Khánh Duy