Tiếng Việt | English

15/06/2017 - 21:27

Giàn phơi quần áo thông minh

Đam mê sáng tạo và thích khám phá những điều mới lạ, Lê Tấn Dương - học sinh lớp 11A6, Trường THPT Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An luôn ấp ủ ước mơ làm ra một sản phẩm tiện lợi, có tính ứng dụng cao. Và thế là sản phẩn "Giàn phơi quần áo thông minh" ra đời.

Sản phẩm này giúp Dương đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp Quốc gia năm học 2016-2017.

Em Lê Tấn Dương và giàn phơi đồ thông minh đoạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2016-2017

Thực tế cuộc sống luôn là những chất liệu để hình thành ý tưởng cho sự sáng tạo. Với Dương cũng thế. Từ sự thay đổi thất thường về thời tiết, bà nội em phải thường xuyên thu và phơi quần áo khi mưa, nắng bất chợt. Từ đó, Dương nảy sinh sáng kiến thiết kế giàn phơi quần áo thông minh để giúp bà.

Có ý tưởng, Dương bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và hiện thực hóa ý tưởng ấy. Tuy nhiên, gia đình khó khăn, ba làm thợ hồ, Dương và người em phải đỡ đần công việc của gia đình. Nhà 4 người sống nhờ đồng lương làm thuê của ba; vì vậy, Dương cũng không có nhiều thời gian và kinh phí để sáng tạo.

Khó khăn là vậy nhưng Dương không nản lòng mà quyết tâm, kiên trì theo đuổi ước mơ. Cứ có thời gian rảnh, em tìm tòi, nghiên cứu. Từ sản phẩm đầu tay chưa ưng ý đến các sản phẩm tiếp theo cũng còn nhiều lỗi, Dương dần khắc phục những hạn chế ấy và thành công sau hơn 3 tháng nghiên cứu.

Dương cho biết: "Trong quá trình nghiên cứu, bạn bè và thầy cô giúp đỡ em rất nhiều. Cô giáo hướng dẫn không chỉ góp ý cho sản phẩm của em mà còn hỗ trợ kinh phí giúp em thuận lợi hiện thực hóa ước mơ". Sản phẩm của Dương có tổng chi phí khoảng 700.000 đồng.

Giàn phơi quần áo thông minh do Dương sáng tạo có 2 phần: Cố định và di chuyển. Trong đó, phần cố định là tủ chứa quần áo và mạch điện. Để điều khiển giàn phơi hoạt động, Dương sử dụng 3 mạch cảm biến chính: Cảm biến ánh sáng gắn trên nóc tủ chứa quần áo, cảm biến mưa (ngoài) gắn trên nóc tủ chứa quần áo, cảm biến mưa (trong) được gắn bên trong tủ chứa quần áo. Các cảm biến trên giúp điều khiển động cơ thu quần áo vào hoặc kéo quần áo ra tùy theo thời tiết.

Ngoài ra, bên trong giàn phơi còn có đèn và quạt. Riêng phần di chuyển có thanh giàn và động cơ giúp giàn kéo quần áo ra và thu quần áo vào.

Giàn phơi quần áo thông minh có nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Trong đó, cảm biến mưa giúp nhận diện trời nắng, mưa, sau đó truyền tới rơ-le tác động đến động cơ. Khi trời nắng, giàn tự động đẩy ra; khi trời mưa, giàn tự động thu vào. Ngoài ra, khi đồ tự động thu vào mà còn ướt, các giọt nước rơi xuống cảm biến mưa (trong), quạt sẽ quay giúp đối lưu không khí làm cho quần áo ráo nước.

Bên cạnh đó, cảm biến ánh sáng giúp nhận biết trời sáng, tối, sau đó truyền tới rơ-le tác động đến động cơ. Khi trời sáng, giàn tự động kéo ra, trời tối giàn tự động thu vào.

Để thuận tiện trong việc phơi và lấy đồ, đặc biệt là ban đêm, Dương lắp đèn bên trong và khi mở cửa, đèn tự động sáng. Tất cả các nguyên lý ấy hoạt động khi mở công tắc tổng. Nếu mất điện, giàn cũng tự chuyển sang nguồn dự phòng (ắc-quy), giúp giàn hoạt động bình thường.

Giàn phơi quần áo thông minh

Dương chia sẻ: "Giàn phơi quần áo thông minh là sản phẩm tiện lợi giúp người sử dụng thu gom quần áo, tránh mưa, tránh sương. Từ đó, chúng ta tiết kiệm được thời gian, an tâm phơi đồ khi thời tiết thay đổi, đặc biệt không còn lo lắng tình trạng quần áo bị ẩm, thâm kim và tránh được các loại vi khuẩn gây hại cho da".

Trải qua nhiều thất bại trong nghiên cứu, "quả ngọt" dành cho Dương là giải Nhì cấp tỉnh và Khuyến khích cấp Quốc gia cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2016-2017.

Không dừng ở thành công ấy, Dương ấp ủ ước mơ sáng tạo thêm những sản phẩm khác, có thể giúp ích cho mọi người. Vì với Dương, khoa học luôn là niềm đam mê bất tận./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết