Bài 1: Giấc mơ được làm cha, mẹ
Những năm gần đây, vô sinh, hiếm muộn (VSHM) trở thành một thực trạng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại. Tình trạng này không chỉ tác động đến tâm lý và sức khỏe của các cặp đôi mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Những cặp đôi VSHM phải chịu đựng những cảm xúc khó nói thành lời và đối mặt với những áp lực vô hình từ xã hội cũng như sự kỳ vọng của người thân.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn
Mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn đều có những vấn đề riêng nên cách điều trị sẽ khác nhau
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Mỹ Linh - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Long An, vô sinh hay hiếm muộn theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tình trạng một cặp vợ chồng sống chung với nhau, có quan hệ tình dục thường xuyên và không áp dụng một biện pháp ngừa thai nào mà vẫn không có thai một cách tự nhiên sau thời gian 1 năm (với người vợ dưới 35 tuổi) và sau 6 tháng (với người vợ trên 35 tuổi).
Trên thực tế, mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn đều có những vấn đề riêng nên cách giải quyết có thể sẽ khác nhau. Vì vậy, khi gặp phải vấn đề này, cách tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được làm xét nghiệm, khám, tư vấn và điều trị phù hợp.
Vô sinh được chia thành 2 loại là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Trong đó, vô sinh nguyên phát thường gặp hơn vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là người vợ chưa có thai lần nào. Còn vô sinh thứ phát xảy ra ở cặp vợ chồng từng sinh con (hay mang thai, kể cả các lần sảy thai).
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, VSHM do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do người vợ, người chồng hoặc do cả hai.
Tần suất hiếm muộn do người vợ và do người chồng tương đương nhau. Trong đó, vô sinh nam có thể do số lượng tinh trùng ít, tinh trùng bị dị dạng nhiều, tỷ lệ tinh trùng di động thấp hay không có tinh trùng.
Điều này do nguyên nhân bất thường ở tinh hoàn; sử dụng thuốc làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng; hậu quả của những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; các bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu; viêm mào tinh hoàn do biến chứng quai bị; ảnh hưởng của tia phóng xạ, nghiện rượu, thuốc lá,...; tâm lý căng thẳng kéo dài;...
Vô sinh ở nữ giới thường do bệnh lý ở ống dẫn trứng (viêm nhiễm ở vùng chậu, viêm nhiễm tử cung, viêm tắc ống dẫn trứng); buồng trứng đa nang; chất lượng trứng kém, dự trữ buồng trứng thấp; các bệnh lý tử cung và buồng trứng (u xơ tử cung, polyp tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, lạc nội mạc trong cơ tử cung,...); các bệnh lý khác như gout, béo phì, đái tháo đường, bệnh thận, gan, tuyến giáp,...; tác dụng của một số loại thuốc điều trị; sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất độc hại, hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích;... gây tác động tiêu cực tới khả năng sinh sản. Đồng thời, tuổi tác cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như nữ giới sau 35 tuổi sẽ khó có thai hơn so với người trẻ tuổi.
Những áp lực vô hình
Khoảnh khắc được đón thiên thần nhỏ chào đời là điều mà mỗi cặp vợ chồng đều mong ước
Với những cặp đôi hiếm muộn, việc tìm ra nguyên nhân để có phương pháp điều trị thích hợp là một hành trình dài, đầy khó khăn, thử thách.
Chị T.T.Q.A. (SN 1983, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) chia sẻ: Tôi lập gia đình năm 34 tuổi, vợ chồng chung sống với nhau tận 4 năm vẫn chưa có con nên đi khám, tìm nguyên nhân hiếm muộn.
Qua xét nghiệm, nguyên nhân là tôi lớn tuổi nên dự trữ buồng trứng kém. Tôi mất rất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng đến nay vẫn chưa có con.
Cả hai bên gia đình đều hối thúc, chúng tôi rất áp lực, nhất là cảm giác mặc cảm khi nguyên nhân hiếm muộn từ phía tôi. Chúng tôi rất nản lòng, nhiều lần muốn bỏ cuộc trong hành trình tìm con.
Ngoài đau đớn về thể xác trong quá trình điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, các cặp đôi VSHM còn chịu áp lực tâm lý. Họ thường xuyên lo lắng, mối quan hệ vợ chồng cũng dần xa cách.
Bên cạnh đó, áp lực gia đình, xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các cặp đôi. Không có con đã là nỗi buồn nên khi nghe những câu hỏi không mong muốn từ người thân và bạn bè, các cặp đôi càng thêm căng thẳng.
Anh H.T. và chị K.N. (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) cưới nhau đã 8 năm nhưng vẫn chưa có tin vui. Anh chị đến TP.HCM khám, điều trị tại nhiều bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực VSHM nhưng đến nay, căn nhà nhỏ vẫn vắng tiếng cười trẻ thơ.
Anh H.T. bày tỏ: Tôi là con trai duy nhất trong gia đình nên lại càng áp lực chuyện có con. Những dịp lễ, tết hay đám tiệc, gặp bà con họ hàng hỏi thăm, vợ chồng tôi chỉ biết cười cho qua chuyện.
Vợ tôi từng mang thai 2 lần nhưng đều bị lưu ở những tuần đầu tiên. Chúng tôi từng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Đôi lúc nản lòng, tôi muốn chia tay để vợ có hạnh phúc mới nhưng cô ấy nhất quyết không đồng ý, vẫn muốn bên cạnh đồng hành cùng tôi.
Chị K.N. tiếp lời: Có lúc chúng tôi cảm thấy không còn hy vọng, không chỉ về việc có con mà còn về tương lai hôn nhân của mình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định gắn bó với nhau.
Tôi hiểu những áp lực mà chồng đang gánh chịu. Tôi cũng rất đau đớn khi mất con đến 2 lần. Với tôi, dù có con hay không thì tình nghĩa vợ chồng vẫn vậy. Tôi không muốn chuyện con cái làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Mỗi cặp đôi hiếm muộn mang một nỗi niềm, khó khăn riêng. Họ đều ước mơ được làm cha, làm mẹ. Do đó, quá trình điều trị VSHM cần có sự chung tay của gia đình, xã hội để họ có thêm động lực vượt qua khó khăn.
Trước hết, gia đình cần cảm thông, chia sẻ và động viên các cặp đôi. Thay vì tạo áp lực, gia đình nên đồng hành để các cặp đôi cảm thấy an tâm và mạnh mẽ hơn trong quá trình điều trị.
Khi được thấu hiểu và đồng hành, những người VSHM phần nào vơi đi nỗi buồn và không nản lòng trong hành trình tìm tiếng cười của những “thiên thần nhỏ”, để hạnh phúc gia đình thực sự vẹn tròn./.
(còn tiếp)
Thanh Hiểu - Phạm Ngân
Bài 2: Khi tổ ấm chưa vẹn