Tiếng Việt | English

27/12/2024 - 13:37

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh vì chất lượng dân số

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là một trong những nội dung được ngành Dân số (DS) tỉnh Long An chú trọng thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng DS, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.

Nhiều hệ lụy được dự báo trước

MCBGTKS gây ảnh hưởng xấu đến cấu trúc DS trong tương lai, dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới. Từ đó, làm mất ổn định cấu trúc gia đình, tác động xấu đến KT-XH. Theo Chi cục trưởng Chi cục DS tỉnh - Đoàn Văn Ngà, nguyên nhân MCBGTKS là tâm lý mong muốn có con trai nối dõi tông đường “ăn sâu, bám rễ” vào tiềm thức của người dân và trở thành quan niệm lâu năm.

Quan niệm này ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Kinh tế phát triển nên nhiều gia đình muốn sinh đông con để “vui cửa, vui nhà”. Một trong những nguyên nhân nữa khiến tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch là lạm dụng những thành tựu y khoa để nhận biết giới tính thai nhi.

Tuyên truyền về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm nâng cao nhận thức người dân

Nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời, tình trạng MCBGTKS sẽ gây bất ổn về an toàn, trật tự tại cộng đồng, gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác. Nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn khi đến tuổi trưởng thành. Gia tăng MCBGTKS cũng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Phụ nữ có thể phải kết hôn sớm. Tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng sẽ dẫn tới phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ.

Từ những hệ lụy được dự báo trước, ngành DS tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát MCBGTKS. Theo đó, Chi cục DS tỉnh phối hợp các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh truyền thông về tình trạng MCBGTKS; thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” để bảo đảm duy trì mức sinh thay thế; bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ và trẻ em gái; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính toàn diện, chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được sống trong môi trường an toàn và phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ;... Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi cũng được tăng cường.

Từng bước thay đổi nhận thức của người dân

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để từng bước ổn định tỷ số giới tính khi sinh, trong đó lồng ghép với thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn. Tại huyện Cần Đước, giảm thiểu MCBGTKS và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là một trong những nội dung được chú trọng thực hiện.

Phó Trưởng phòng DS - Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Anh Dung thông tin: Hệ lụy của MCBGTKS được dự báo là rất lớn. Với mục tiêu kiểm soát MCBGTKS, khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên, chúng tôi đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, Phòng phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của MCBGTKS, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn,... nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân.

Không lựa chọn giới tính thai nhi góp phần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Để làm tốt công tác tuyên truyền, lực lượng cộng tác viên (CTV) DS - Gia đình và Trẻ em trên địa bàn huyện đóng vai trò quan trọng. Toàn huyện hiện có 340 CTV DS - Gia đình và Trẻ em. Đây là những “cánh tay nối dài” của ngành DS, kênh thông tin hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện pháp lệnh về DS, nội dung về chính sách DS. Ngoài tuyên truyền các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con tốt, áp dụng biện pháp tránh thai, đội ngũ CTV DS - Gia đình và Trẻ em còn chú trọng tuyên truyền nội dung không phân biệt giới tính, không lựa chọn giới tính thai nhi.

CTV DS, Gia đình và Trẻ em xã Tân Ân, huyện Cần Đước - Dương Thị Hậu cho biết: “Tôi bám sát địa bàn phụ trách để đưa thông tin, chính sách DS đến với người dân; đồng thời, rà soát, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái, có nguy cơ sinh con thứ 3 để tuyên truyền, vận động không sinh con thứ 3 và không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh”.

Qua tuyên truyền, vận động, người dân dần thay đổi quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, góp phần giảm thiểu MCBGTKS. Chị Trần Thị Trúc Vân (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Dù sinh con một bề là gái nhưng vợ chồng tôi không có ý định sinh thêm để kiếm con trai nối dõi. Chúng tôi quan niệm “con nào cũng là con”, quan trọng là phải nuôi dạy con tốt, trở thành người có ích cho xã hội”.

Giảm tình trạng MCBGTKS không phải việc làm “một sớm một chiều” mà cần có chiến lược “dài hơi”, kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp của ngành chức năng cũng chỉ mang tính can thiệp; cốt lõi vẫn phải là sự thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người dân, mỗi gia đình, nhất là các gia đình trẻ./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết