Tiếng Việt | English

01/08/2024 - 09:07

Giải pháp nào để nâng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ?

Nuôi con bằng sữa mẹ vừa thể hiện tình thương, vừa là trách nhiệm của cha mẹ đối với con. Làm gì để nâng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ là nội dung chia sẻ của Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Công đoàn Ngành Y tế, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Nguyễn Hoàng Uyên.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh

  • Phóng viên (PV): Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ của tỉnh hiện nay là bao nhiêu, thưa bà?

Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm khuẩn đe dọa đến tính mạng, hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh mạn tính ở trẻ nhỏ và mẹ. Tất cả những điều đó giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu còn thấp. Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2020 cho thấy, trung bình cả nước chỉ có 45,4% số trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trẻ bú mẹ đến 2 tuổi là 26%. Ở Long An, năm 2023, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu là 40,8%, trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi là 29,7%.

  • PV: Bà có thể cho biết vì sao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ của tỉnh vẫn chưa cao?

Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Có nhiều nguyên nhân làm cho tỷ lệ này chưa đạt như mong muốn. Theo tôi, nguyên nhân lớn nhất là những tuyên bố gây hiểu lầm khi tiếp thị sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cả trên thế giới và ở Việt Nam, đang làm suy yếu những nỗ lực trong việc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ.

Trong đó thường bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ. Sữa công thức cũng được giới thiệu như một giải pháp thuận tiện và tăng cường hỗ trợ cho các bà mẹ đi làm trở lại. Những tuyên bố tiếp thị này làm trầm trọng thêm những thách thức mà các bậc cha mẹ phải đối mặt, bằng cách làm gia tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Bên cạnh đó, lao động nữ hiện chiếm gần một nửa lực lượng lao động cả nước. Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng để giúp người mẹ có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi vẫn còn thấp. Một trong những nguyên nhân là do người mẹ chưa biết cách duy trì nguồn sữa khi đi làm để tránh bị mất sữa, chưa được hỗ trợ thời gian và phòng vắt sữa tại nơi làm việc để duy trì nuôi con bằng sữa mẹ.

  • PV: Bà cho biết các giải pháp để nâng cao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ?

Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Để nâng cao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ, cần tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp để không một bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau, nhất là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Làm được điều này cần có sự chung sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chứ không thể là trách nhiệm riêng của một ai. Cụ thể, phải bảo đảm an ninh lương thực, hướng dẫn người dân xây dựng mô hình vườn-ao-chuồng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm an toàn.

Quan tâm công tác dinh dưỡng học đường, bảo đảm tất cả giáo viên mầm non, cán bộ dinh dưỡng trường học được trang bị các kiến thức và kỹ năng về nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý theo độ tuổi, bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học.

Tăng cường truyền thông cho mọi người, đặc biệt là nam, nữ thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về kiến thức và kỹ năng nuôi con trong 1.000 ngày đầu đời, nghĩa là từ khi mang thai cho đến khi trẻ tròn 24 tháng tuổi, đặc biệt là nuôi con bằng sữa mẹ.

Các doanh nghiệp cũng cần chung tay góp sức bằng cách lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên.

Để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ, cần hạn chế quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ thông qua nỗ lực của cơ quan chức năng liên quan.

Với các bà mẹ, hãy cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Tôi tin rằng, với sự đồng lòng của toàn xã hội, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ của tỉnh sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.

  • PV: Xin cảm ơn bà!

 

Nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách giúp trẻ phát triển tối ưu 

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi mà không một loại dinh dưỡng nào thay thế được.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết