Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đang tạo nên nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế. Trong tương lai, một số ngành nghề ở Việt Nam sẽ biến mất thay vào đó sẽ xuất hiện thêm những ngành nghề mới, việc làm mới đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, trình độ cao mới có thể đáp ứng được. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực bắt buộc phải đổi mới để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Doanh nghiệp và nhà trường chủ động kết nối
Theo nhận định của PGS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực và cơ cấu năng lực của người tốt nghiệp. Một số ngành công nghiệp truyền thống sẽ cần ít nhân lực hơn và những ngành công nghiệp mới nổi cần nhiều nhân lực hơn. Do đó, năng lực của sinh viên cũng cần thay đổi rất nhiều, trong đó có năng lực hội nhập quốc tế, thích ứng thay đổi của công nghệ...
Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo nên các nhà máy thông minh, lúc này, con người chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.
Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho CMCN 4.0
Ông Scott Russell, Chủ tịch Tập đoàn SAP (chuyên phát triển các phần mềm ứng dụng trong doanh nghiệp) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, khi con người là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển dịch số, việc trang bị cho giới trẻ các kỹ năng công nghệ số cần thiết để sáng tạo có mục đích sẽ giúp thế giới vận hành tốt hơn, và cải thiện cuộc sống của mọi người.
Là đơn vị trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận CMCN 4.0, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn EDX - ông Nguyễn Đình Hùng nêu quan điểm, trên thực tế, “cơn khát” nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp sẽ khó được giải tỏa, nếu không có sự thấu hiểu, liên kết giữa cơ sở đào tạo và chính bản thân doanh nghiệp. Để tận dụng tốt nhất nguồn lực đào tạo ra phù hợp với mình, thì các doanh nghiệp – nhà trường phải chủ động tìm đến nhau, hợp tác cùng có lợi.
“Kết nối cung - cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực là rất quan trọng, điều này giúp cho các trường hiểu và nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp về kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực của ứng viên dự tuyển vào doanh nghiệp, từ đó giúp các trường xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng ngay được đòi hỏi của công việc”, ông Hùng phân tích.
Sinh viên cần được trải nhiệm thực tế
Trước đòi hỏi lớn về nguồn nhân lực cho CMCN 4.0, việc cải cách hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm cấp thiết. Điều này bắt buộc các trường đại học cần phải đẩy mạnh liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp phải thực hiện việc giáo dục kép phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Tiên phong trong việc đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Hùng cho biết, hiện nay Tập đoàn EDX đã liên kết đào tạo với 3 trường đại học uy tín, đó là Trường Đại học Đông Đô Hà Nội, Trường Đại học Hải Phòng, Trường đại học Công nghệ thông tin truyền thông Thái Nguyên.
Khi liên kết với doanh nghiệp, sinh viên vẫn bảo đảm học tập các môn đại cương theo đúng giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, song điểm đổi mới trong khóa học của Tập đoàn EDX đó là chú trọng đặc biệt vào phần thực hành, gia tăng trải nghiệm của sinh viên. Theo đó, bên cạnh việc được nghe các giảng viên từ các trường đại học về dạy, sinh viên sẽ được tương tác trực tiếp với các doanh nhân, để học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng làm việc.
“Giáo trình của Tập đoàn EDX sẽ hướng tới 70% thực hành và 30% lý thuyết. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn các em mở công ty, bắt đầu từ việc chọn tên công ty, đặt vốn bao nhiêu, triển khai mô hình tổ chức công ty như thế nào; khi có công ty rồi thì các em phải xây dựng hồ sơ cty, website, tài liệu công ty… Tất cả các bước này sẽ được tiến hành một cách thực tế chứ không dừng lại ở dạng mô hình. Từng việc cụ thể sẽ được EDX hướng dẫn chi tiết và cùng các em giải quyết”, ông Hùng cho biết.
Sinh viên có cách tiếp cận kiến thức mới trước xu hướng và đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao của CMCN 4.0
Cũng theo ông Hùng, hiện nay Tập đoàn EDX đang liên kết với các doanh nghiệp hướng sinh viên vào kinh doanh thương mại điện tử. Việc khởi nghiệp trong trường đại học như là một bài tập, từ đó các sinh viên sẽ có những trải nhiệm thực tế, đây mới là bài học lớn nhất.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Tập đoàn SAP Scott Russell cho rằng, các trường đại học cũng cần tự chuyển dịch số hóa để thấy được sự thay đổi về nhận thức, thay đổi về kỳ vọng của sinh viên đối với nhà trường. Cùng với đó, các trường đại học cần cung cấp không chỉ là đội ngũ giảng viên giỏi, lớp học cũng như những giáo trình hiện đại nhất.
Đặc biệt, bản thân các trường đại học cũng cần chuyển đổi và thay đổi cách tương tác với sinh viên. Họ cần phải đánh giá năng lực, dự báo kết quả, cũng như tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên dựa trên việc phân tích những thông tin/số liệu thu thập được.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp không nên chỉ là người đặt hàng của ngành giáo dục, nên là người đầu tư, chủ nhân của hệ thống giáo dục.
Khi đó, doanh nghiệp dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo; tham gia xây dựng giáo trình, tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành. Quan trọng nhất là cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo để sau đó sẽ là nơi tiếp nhận và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN