Tiếng Việt | English

15/05/2017 - 19:08

Giá heo giảm, người nuôi tự “cứu mình”

Thương lái thu mua với giá rất thấp, nếu chờ tăng giá thì heo quá lứa càng khó bán hơn nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tự mổ thịt bán. Đây là giải pháp tự cứu lấy mình của người nuôi heo với hy vọng lấy lại được ít vốn đầu tư.

Tự giải cứu

Từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, người chăn nuôi heo lao đao vì giá xuống thấp kỷ lục. Thời gian qua, ở nhiều nơi, ngành chức năng tìm và bàn giải pháp “giải cứu” heo nhưng dường như chưa có chuyển biến tích cực. Chung cảnh ngộ này, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, thương lái thu mua heo hơi trên thị trường với giá thấp, từ 26.000-28.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo ở các chợ không giảm mà vẫn ở mức cao. Trước nghịch lý này, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tự giết mổ heo, mang ra chợ bán với giá trung bình từ 40.000-60.000 đồng/kg.

Giá heo giảm, người nuôi heo tự mổ thịt để bán

Gần 1 tháng nay, mỗi sáng, anh Trần Quốc Tú, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đều mang thịt heo ra ven đường 3/2 để bán. Nếu so với giá thịt heo của các sạp trong chợ, anh Tú bán thấp hơn khoảng 20.000 đồng/kg nhưng lại lời hơn so với bán heo hơi cho thương lái.

“Thịt đùi, tôi bán 60.000 đồng/kg. Các loại thịt còn lại bán giá từ 30.000-60.000 đồng/kg. Mỗi buổi sáng, tôi bán hơn 150kg thịt, kiếm được gần 7 triệu đồng” - anh Tú cho biết.

Cũng theo anh Tú, hiện tại, tổng đàn heo của gia đình là 200 con. Để đủ vốn chăn nuôi, anh vay ngân hàng và trả lãi hàng tháng. Vậy mà, hơn 1 tháng nay, heo hơi rớt giá, mỗi con (gần 100kg) xuất chuồng bán cho thương lái lỗ trên 1 triệu đồng nên không đủ tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Vì vậy, gia đình bàn nhau, tự mổ heo mang ra chợ bán.

“Mỗi ngày, tôi mổ thịt 2 con heo tại lò 8 Trưng ở xã Tân Phú. Tiền công mổ và kiểm dịch 2 con hết 460.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi huề vốn hoặc lời chút đỉnh để tích góp trả lãi ngân hàng mỗi tháng” - anh Tú nói thêm.

Mỗi ngày mổ thịt 2 con, tính đến nay, đàn heo đến lứa xuất chuồng của anh Tú tiêu thụ được gần 50 con. Theo dự tính của anh, gia đình tiếp tục tự mổ heo bán thịt chứ không trông chờ vì càng để lâu, heo càng quá lứa, khi bán giá còn “thê thảm” hơn.

Tương tự anh Tú, mỗi sáng, sau khi mang heo đến kiểm dịch và làm thịt tại lò giết mổ ở xã Phước Tân Hưng, ông Nguyễn Ngọc Linh, 69 tuổi, ngụ ấp Lộ Đá, xã An Lục Long, huyện Châu Thành lại chở thịt đến chợ Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa để bán.

Ông Linh bộc bạch: “Thương lái đến nhà hỏi mua 26.000 đồng/kg nhưng tôi không bán vì lỗ hơn 1 triệu đồng/tạ. Bây giờ, ở huyện Châu Thành cũng có nhiều hộ chăn nuôi tự mổ thịt heo đem bán như tôi. Còn ở chợ Cầu Voi, vào ngày cuối tuần cũng có gần 10 hộ dân tự mổ thịt heo mang đến đây bán”.

Đàn heo của ông Linh có trên 20 con. Từ khi heo rớt giá, ông không dùng thức ăn hỗn hợp cho heo mà chuyển sang dùng cám.

Ông Linh nói: “Dùng cám ít tốn chi phí hơn thức ăn hỗn hợp. Mỗi tháng, tôi mua cám “chịu” của đại lý nhưng giá heo rẻ thế này, không biết lấy tiền đâu để trả. Từ ngày mổ thịt heo đem ra chợ bán với giá từ 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại, tôi còn kiếm chút ít lời để trả nợ tiền thức ăn, chứ bán cho thương lái coi như thua lỗ nặng!”.

“Mấy chục năm nuôi heo, lần đầu tiên, tôi thấy giá cả thấp như thế! Mổ heo bán thịt cũng ngậm ngùi lắm, nhưng tự mình phải giải cứu trước tình trạng heo rớt giá thê thảm như hiện nay” - giọng ông Linh buồn bã.

Nghịch lý giá heo từ chuồng ra chợ 

Cập Nhật 18-04-2017

Gần đây, giá heo hơi giảm mạnh trong khi chi phí đầu vào khá cao khiến người chăn nuôi hòa vốn hoặc thua lỗ. Trong khi đó, tại các chợ, giá thịt heo gần như không giảm.

Hỗ trợ người chăn nuôi

Chợ Cầu Voi ở xã Nhị Thành nhỏ xíu, mỗi ngày có gần 10 hộ chăn nuôi tự mổ thịt heo mang đến bán với số lượng trên 10 con, mỗi con hơn 70kg thịt. Vậy mà, đến gần 10 giờ, các tiểu thương “tay ngang” này cũng bán hết thịt bởi khách hàng hiểu, thông cảm nỗi lo của người chăn nuôi heo nên mua ủng hộ.

Chị Hồ Thị Ả, ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa nói: “Thay vì lúc trước mua thịt ở sạp trong chợ thì từ khi các hộ chăn nuôi tự mổ thịt mang đến đây bán, tôi mua ủng hộ để giúp họ tiêu thụ được lượng thịt đã mổ và kiếm được chút ít tiền trang trải”.

Còn bà Trần Thị Bảy, ngụ khu A, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, mỗi ngày cũng chạy xe từ nhà đến đường 3/2 mua thịt heo ủng hộ anh Tú.

Bà Bảy chia sẻ: “Thịt ở đây có kiểm dịch, bán hết mỗi ngày, không để lại qua đêm nên mua cũng an tâm, giá cả lại rẻ hơn ở chợ. Thời gian gần đây, tôi xem thời sự, thấy heo giảm giá nên người mua phải tự mổ thịt heo để bán, mình không giúp được gì thì mua ủng hộ họ”.

Không chỉ có khách hàng mua ủng hộ, những người buôn bán ở chợ cũng giúp đỡ. Thấy khách hàng đến mua thịt heo rất đông, anh Trần Quốc Tú loay hoay không bán kịp nên bà Nguyễn Thị Phỉ - buôn bán quần áo gần đó cũng lại bán phụ anh. “Tôi buôn bán có lúc vắng khách nên qua phụ anh Tú bán buổi sáng” - bà Phỉ nói.

Long An: Tìm đầu ra cho heo thịt 

Cập Nhật 25-04-2017

Trước khó khăn trong tiêu thụ đàn heo thịt và giá heo hơi giảm liên tục khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng, UBND tỉnh Long An vừa tổ chức đoàn xúc tiến tiêu thụ heo thịt với Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản – Vissan.

Dù biết, việc người chăn nuôi tự mổ thịt heo bán đặt ra những vấn đề về an toàn thực phẩm vì khó quản lý giết mổ,... Thế nhưng, trước nghịch lý heo chuồng và thịt heo bán ở chợ quá chênh lệch về giá, người chăn nuôi lao đao vì giá heo thấp nhưng ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp “giải cứu” thì việc làm của họ cũng dễ hiểu, cảm thông và đồng cảm./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết