Tiếng Việt | English

24/06/2020 - 11:04

Gia đình - Thước đo hạnh phúc: Bài 2: Nỗ lực 'chữa lành những vết thương'

Gia đình luôn được xem là tổ ấm, nơi nuôi dưỡng mỗi chúng ta về cả thể chất lẫn tinh thần. Để một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc và khỏe mạnh thì gia đình phải thật sự hạnh phúc, tràn ngập tình yêu. Khi tất cả mọi gia đình đều là “nơi để trở về” thì xã hội sẽ vô cùng tốt đẹp.

Tất cả trẻ em khi sinh ra đều có quyền được sống, yêu thương và chăm sóc một cách tốt nhất. Chính vì thế, các cấp, các ngành trong tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), tiến tới xóa bỏ bạo lực, giúp trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, đầy tình yêu thương.

Các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, thông điệp phòng, chống bạo lực gia đình lồng ghép trong các cuộc họp
“Phải chi con là con của mẹ!”

Trẻ em luôn cần được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ. Nhưng những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi thì vẫn tồn tại. Đó là nỗi đau, nhức nhối của toàn xã hội. Nhiều trường hợp bạo hành, xâm hại thể chất, tinh thần do chính cha mẹ, người thân gây ra khiến các em rụt rè, mất tự tin, gặp phải vấn đề về tâm lý. 

Khi tâm hồn non trẻ bị tổn thương thì cách duy nhất để “chữa lành vết thương” chính là tình yêu thương và sự bao dung dành cho trẻ. Chị Nguyễn Thị Hồng Yến - Tổ trưởng Tổ Chăm sóc người già neo đơn và trẻ em ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (trung tâm), kể: “Ngày tạm biệt mọi người về với mẹ, Kim(*) cứ cúi mặt buồn buồn, thấy con cũng tội nghiệp. Mẹ tới đón con vui, nhưng lúc chia tay thì lặng lẽ. Con ở trung tâm hơn 1 năm, ngoan ngoãn và nghe lời lắm!”. Cách đây 2 năm, câu chuyện về bé gái 10 tuổi bị cha ruột xâm hại tại Cần Giuộc khiến dư luận xôn xao. Lúc đó, cô bé được đưa tới Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để bảo vệ khẩn cấp. Hơn 10 tuổi nhưng Kim không được đến trường, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bi kịch cho cô bé.

Ngày mới tới trung tâm, Kim có vẻ ngại ngùng nhưng em rất hồn nhiên, dường như không nhận biết một cách rõ ràng những bi kịch của mình. Chỉ có một điều em nhận ra chính là sự thiếu thốn tình yêu thương của người thân. Những ngày ở trung tâm, Kim được các cô chăm sóc cẩn thận từ bữa ăn, giấc ngủ và được đến trường. Các cô dạy Kim nói chuyện lễ phép, giúp đỡ người khác và hay trò chuyện cùng em. Trái tim non nớt dường như cảm nhận được tình yêu sau bao ngày thiếu thốn. Kim hay ôm các cô, thỉnh thoảng dụi đầu vào người cô Yến thỏ thẻ: “Phải chi con là con của mẹ Yến thì sướng biết mấy!”. Ước ao thật “trẻ con” mà cũng thật “xé lòng”. Những ngày ở trung tâm, được tới trường, Kim tỏ ra lanh lợi, có thành tích học tập tốt. Khi mẹ đến đón về, Kim được các cô chú tại trung tâm hỗ trợ chuyển hồ sơ về trường gần nhà tại tỉnh Cần Thơ để em có thể tiếp tục đến trường. Chị Yến kể, ngày chia tay, Kim không khóc nhưng con buồn, và cả các cô tại trung tâm cũng buồn.

Kim chỉ là một trong số những trường hợp các bé được “hồi sinh” bằng tình yêu thương tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Hiện tại, trung tâm nuôi dưỡng 3 bé, trong đó có 1 bé tự kỷ nặng; 1 bé gặp vấn đề về phát âm, giao tiếp đang sống cùng “bà ngoại” và cũng có những tiến bộ đáng kể trong việc học, giao tiếp hàng ngày; 1 bé sống cùng mẹ (có vấn đề về tâm thần). 

Nhìn đứa trẻ bụ bẫm, lanh lợi chạy tới, chạy lui trong khuôn viên trung tâm, bám theo gót chân các nhân viên chăm sóc tại đây, ít ai biết bé là con một bệnh nhân tâm thần. Mẹ con bé vào trung tâm khi bé mới tròn 1 tuổi. Thời điểm đó, mẹ bé chưa ổn định tâm lý như hiện tại. Mỗi khi bị kích động mạnh, không kiềm chế được cảm xúc, chị lại đánh con. Đến trung tâm, dù 2 mẹ con được sống cùng nhau nhưng mẹ phải điều trị, uống thuốc mỗi ngày. Bé được các cô nhân viên hỗ trợ chăm sóc, dạy bảo. Mỗi khi mẹ có dấu hiệu bất ổn, bé được tách mẹ để đảm bảo an toàn. Nhờ vậy, 2 năm nay, cô bé phát triển bình thường, lanh lợi. Ở trung tâm, bé vẫn có được tình yêu của mẹ lại được các cô quan tâm, yêu thương. Dáng đi lẫm chẫm, tiếng cười khanh khách của bé là nguồn vui của khu Người già và các nhân viên làm việc tại trung tâm.

Những tổn thương về tinh thần khi trẻ bị bạo hành hoặc sống trong môi trường bạo lực là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều duy nhất có thể làm lành những vết thương ấy chính là tình yêu. Tình yêu thương chân thành, dịu dàng sẽ là liều thuốc hữu hiệu giúp các em có cơ hội trở lại với cuộc sống ổn định, bình thường. 

Ở Trung tâm, bé vẫn có được tình yêu của mẹ, lại được các cô quan tâm, yêu thương

Tích cực phòng, chống bạo lực gia đình

Những con số về bạo lực, bạo hành trong gia đình có xu hướng giảm dần. Đó là một tín hiệu đáng mừng, kết quả đáng ghi nhận của chính quyền, đoàn thể trong công tác bình đẳng giới (BĐG), chống BLGĐ. Từ những việc làm nho nhỏ, một cách bền bỉ sẽ có tác động tích cực đến nhận thức mỗi người, từ đó góp phần xây dựng nên những gia đình hạnh phúc vẹn tròn thực sự, tạo nên nền tảng bền vững để dưỡng nuôi và giáo dục trẻ em. 

Thời gian qua, tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến người dân. Nhiều hội thi, liên hoan văn nghệ, thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống BLGĐ và BĐG được tổ chức hàng năm. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có 1.017 câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững với 11.636 người tham gia sinh hoạt hàng tháng (trong đó, gần 60% thành viên là nam giới). Thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống BLGĐ, đến nay, toàn tỉnh có 683 nhóm phòng, chống BLGĐ (4.494 thành viên) và 980 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. 

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy BĐG như giải quyết việc làm; đào tạo nghề; xóa mù chữ; chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ em; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế;… Các quyền cơ bản của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội được phát huy. Nhờ đó, công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, số vụ BLGĐ có xu hướng giảm.

Cũng như các địa phương khác, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ triển khai nhiều giải pháp phòng, chống BLGĐ, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân - Lê Đoàn Thành Triển cho biết: “Xã triển khai thực hiện và duy trì các mô hình CLB: Phòng, chống BLGĐ; Pháp luật; Gia đình hạnh phúc;… Nhìn chung, các CLB này hoạt động hiệu quả. 4/4 ấp đều có tổ hòa giải, kịp thời tư vấn, hòa giải để các gia đình hòa thuận trở lại. Qua đó, góp phần kéo giảm tình hình BLGĐ trên địa bàn, giúp phụ nữ yếu thế thoát khỏi bạo lực, trẻ em được yêu thương, chăm sóc tốt hơn”.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực của các cấp, các ngành, thông điệp về BĐG, mô hình CLB phòng, chống BLGĐ tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả. Những câu chuyện thương tâm về những trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại không còn tiếp diễn để các em sống được hồn nhiên, vô tư đúng với lứa tuổi của mình. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; giúp trẻ em được sống và lớn lên trong tình yêu thương./.

(còn tiếp)

Nhóm Phóng viên

(*) tên nhân vật đã được thay đổi

Chia sẻ bài viết