Tiếng Việt | English

23/01/2025 - 08:52

Gia đình hiện đại giữ nếp Tết xưa

Tết Nguyên đán, ngày lễ lớn nhất trong năm của dân tộc ta, không chỉ đơn thuần là dịp để đón chào năm mới mà còn là thời gian để gia đình sum họp, tri ân tổ tiên và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống ngày càng hối hả, nhiều gia đình trẻ vẫn nỗ lực gìn giữ những phong tục đón Tết Cổ truyền của dân tộc, mang đến không khí ấm áp và gắn kết trong những ngày đầu năm mới.

Với chị Liêu Kim Yến (phường 2, TP.Tân An), tết không chỉ là thời gian sum vầy mà còn là dịp để gìn giữ văn hóa, truyền thống và tình cảm giữa các thành viên trong gia đình

Đối với nhiều gia đình trẻ, tết không chỉ đơn thuần là một kỳ nghỉ mà còn là dịp để kết nối tình cảm giữa các thành viên. Với gia đình chị Liêu Kim Yến (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An), vào những ngày giáp tết, không khí trong gia đình chị lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Gia đình chị gồm 3 thế hệ sống cùng nhau, các thành viên rất đoàn kết, yêu thương nhau.

Chị Yến cho biết, việc chuẩn bị tết bắt đầu từ giữa tháng Chạp. Mẹ chị bắt đầu mua nguyên liệu làm bánh mứt, còn chị và các thành viên khác phụ trách vệ sinh, trang trí nhà cửa.

Đêm giao thừa, cả gia đình quây quần bên mâm cơm cuối năm và chào đón năm mới. Ba mẹ chị thường nhắc nhở con cháu về ý nghĩa của ngày tết, về lòng biết ơn ông bà, tổ tiên và tình yêu thương giữa các thế hệ.

Mùng một tết, gia đình chị Yến lại cùng nhau chúc tết họ hàng, bạn bè. Những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc được gửi gắm trong từng câu nói, tạo nên không khí ấm áp, gần gũi. Với chị, tết không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi, giải trí mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình ngồi lại bên nhau, chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm trong năm qua.

Chị Yến thường kể về truyền thống gia đình để các con hiểu hơn về nguồn cội và giá trị của tình thân. Với chị, tết không chỉ là thời gian để sum vầy mà còn là dịp để gìn giữ văn hóa, truyền thống và tình cảm giữa các thế hệ.

Tương tự chị Yến, gia đình chị Trần Thị Xuân Lân, anh Dương Hoàng Giang (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) cũng duy trì các phong tục truyền thống của Tết Cổ truyền. Mỗi dịp tết đến, gia đình chị lại tất bật chuẩn bị cho hành trình về quê ở xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh.

Từ sáng sớm, vợ chồng chị cùng các con đã háo hức chuẩn bị đồ đạc, bánh trái mang về cho ông bà. Chị Xuân Lân cho biết, anh chị duy trì về quê sum họp ngày xuân để các con thêm quý trọng tình cảm gia đình.

“Mỗi năm, tôi đều nhắc nhở các con về nguồn cội, tổ tiên cũng như tầm quan trọng của việc giữ gìn các phong tục, tập quán của dân tộc” - chị Xuân Lân chia sẻ.

Gia đình chị Trần Thị Xuân Lân (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) duy trì về quê sum họp ngày xuân để các con thêm quý trọng tình cảm gia đình

Những ngày tết, gia đình chị Xuân Lân cũng không quên thăm bà con họ hàng. Chị cùng chồng và các con đi chúc tết, gửi lời hỏi thăm và nhận lại những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc từ người thân.

Với chị, về quê dịp tết là hành trình trở về với nguồn cội. Những khoảnh khắc sum họp, ấm áp bên người thân luôn là điều quý giá và đáng trân trọng.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là trách nhiệm của mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Chị Yến, chị Xuân Lân và rất nhiều gia đình trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ, duy trì các giá trị văn hóa cho thế hệ sau.

Họ thường xuyên chia sẻ những câu chuyện, phong tục, tập quán từ ông bà, cha mẹ để con cái không chỉ hiểu được ý nghĩa của ngày tết mà còn cảm nhận được sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình.

Nhờ đó, Tết Nguyên đán sẽ mãi là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người Việt Nam, nhắc nhở chúng ta về cội nguồn và những giá trị tốt đẹp mà tổ tiên để lại./.

Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết