Tiếng Việt | English

14/07/2018 - 11:33

Giá dịch vụ y tế giảm, người dân có thực sự được hưởng lợi

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 30/5, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và có hiệu lực thi hành từ 15/7.

Theo Thông tư 15, có 70 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm trung bình từ 5-24%, thậm chí có những dịch vụ giảm đến 50%.

Trong bối cảnh vật giá leo thang mỗi ngày, việc các dịch vụ y tế có xu hướng giảm được xem là tín hiệu vui đối với người dân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm giá này chưa thực chất và người dân chưa thực sự được hưởng lợi. 

Nhiều dịch vụ khám chữa bệnh giảm sâu 

70 dịch vụ được điều chỉnh giảm trung bình từ 5-24% theo Thông tư 15, trong đó sáu giá khám bệnh của năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã giảm bình quân 17%; 34 giá ngày giường bệnh của năm hạng bệnh viện và các loại giường giảm trung bình 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm giảm 24%.

Với thông tư mới này, giá khám bệnh cũng sẽ giảm 15-20%. Ngoài ra, 40 dịch vụ kỹ thuật cũng được điều chỉnh giảm, chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như siêu âm, X-quang, MRI, CT scanner...

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ kỹ thuật giảm giá rất mạnh, lên đến 50% như phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu đồng xuống còn 3,6 triệu đồng, xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert giảm đến 6 lần, nội soi tai mũi họng giảm hơn 2 lần từ 206.000 đồng/lần xuống còn 100.000 đồng/lần. 

Lý giải về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, việc giảm giá một số dịch vụ y tế nhằm đảm bảo cân đối quỹ Bảo hiểm y tế. Đồng thời, góp phần tăng năng lực và công suất của các bệnh viện tuyến dưới khi thời gian gần đây Nhà nước đã có sự đầu tư tương xứng đối với các bệnh viện này. Bên cạnh đó, việc triển khai đấu thầu tập trung giúp cho một số vật tư y tế, hóa chất, thuốc giảm giá đáng kể, do đó việc điều chỉnh giá một số dịch vụ kỹ thuật là rất cần thiết. 

Trước đó, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện khảo sát, tổng hợp giá của các dịch vụ y tế từ nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh và tuyến huyện. Qua đó, đã có sự phân loại định mức, xây dựng giá dựa trên các hạng bệnh viện. “Khi tính toán chi phí, xây dựng định mức, chúng tôi đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm quá mức trung bình. Chúng tôi cũng đã loại ra những giá cao và thấp hơn giá trung bình 25%, thế nên các mức giá trong Thông tư đa số sẽ phù hợp với đa số các bệnh viện. Tuy nhiên còn một số điểm chưa phù hợp và Bộ Y tế sẽ có những sự điều chỉnh tiếp theo trong thời gian tới,” ông Nguyễn Nam Liên cho hay. 

Người dân có thật sự hưởng lợi? 

“Khi giá dịch vụ khám chữa bệnh giảm, điều này đồng nghĩa với việc số tiền mà người dân phải đồng chi trả cùng Bảo hiểm y tế cũng giảm theo,” ông Nguyễn Nam Liên khẳng định khi phổ biến Thông tư 15 tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/7. Tuy nhiên, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định Bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, cho biết dù người dân tham gia Bảo hiểm y tế sẽ đỡ được một phần chi trả khi giá dịch vụ y tế giảm nhưng số lượng khám tại mỗi bàn khám lại điều chỉnh tăng sẽ khiến người bệnh bị thiệt thòi. 

Trước đây, Thông tư 37 quy định một bàn khám ở bệnh viện hạng đặc biệt là 40 lượt khám/ngày, nay Thông tư 15 tăng lên 65 lượt khám/ngày. Như vậy, thời gian khám cho bệnh nhân sẽ giảm xuống. 

Quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế quy định rất rõ thời gian khám bệnh cần phải đảm bảo trong khoảng từ 10-12 phút. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định mới, một bàn khám khám 65 lượt/ngày, như xậy mỗi bệnh nhân chỉ còn 7 phút, chưa tính đến thời gian "chết" giữa hai lượt khám.

“Với mỗi lượt khám bệnh chỉ giảm từ 4.800-5.900 đồng nhưng thời gian khám rút ngắn đáng kể, tôi tin không có người dân nào hài lòng cả, họ quan tâm đến chất lượng khám bệnh nhiều hơn. Chưa hết, Thông tư 15 cũng không quy định về định mức tối đa. Do đó, có thể mỗi bàn khám sẽ đội lên cả trăm bệnh nhân. Vậy thời gian thực tế để bệnh nhân được thăm khám còn lại được bao nhiêu? chất lượng khám bệnh có được đảm bảo?” ông Dương Tuấn Đức đặt ra thắc mắc. 

Người dân có thẻ BHYT làm thủ tục khám, chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Bên cạnh đó, ông Dương Tuấn Đức cho rằng, trong Thông tư 15, một số dịch vụ kỹ thuật thoạt nhìn thấy giảm nhưng thực chất lại không giảm mà chỉ là đã bỏ ra một số chi phí vật tư đi kèm mà thôi. Ví dụ, như thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh. Trước đây, thuốc cản quang được kết cấu vào giá chung của kỹ thuật chụp CT, PET-CT, MRI nhưng nay trong kết cấu của các kỹ thuật này không bao gồm thuốc cản quang nên thực chất không hề giảm giá. Hoặc, một số dịch vụ kỹ thuật giảm sâu đến 50% là do trong định mức tính giá trước đây đã... tính nhầm. 

Ông Dương Tuấn Đức nêu ví dụ cụ thể, trong Thông tư 37, kỹ thuật nội soi tai mũi họng chỉ sử dụng hai ống nội soi nhưng khi xây dựng giá đã tính đến ba ống nội soi. Bên cạnh đó, việc tính giá còn kết cấu luôn giá của bộ dụng cụ khám tai mũi họng dù phần dụng cụ này bệnh nhân không hề sử dụng. Những phần này bệnh viện không sử dụng đến khi thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng vẫn kết cấu vào giá và khiến cho chi phí đội lên. Chính vì thế, Thông tư 15 chỉ là điều chỉnh lại giá đúng với thực tế vật tư sử dụng. 

Ngoài ra, nhiều dịch vụ kỹ thuật trong Thông tư 15 vẫn còn chưa hợp lý và đương nhiên phần thiệt thòi vẫn thuộc về người dân. Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kiến nghị Bộ Y tế sớm công bố cơ cấu giá của từng dịch vụ kỹ thuật cụ thể. Điều này có thể giúp cho người bệnh kiểm soát được việc họ phải trả thêm những khoản nào khi khám chữa bệnh và việc trả thêm đó có hợp lý hay không.

“Như hiện nay, khi người dân đi khám chữa bệnh hoàn toàn không hề hay biết bệnh viện có thu thêm các chi phí nằm ngoài cơ cấu giá hay không. Như vậy, quyền lợi của họ vẫn chưa thực sự được đảm bảo,” ông Dương Tuấn Đức nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết