Tiếng Việt | English

11/11/2022 - 18:29

G20 thành lập Cơ quan hợp tác toàn cầu ứng phó với COVID-19

Cơ quan hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) được thành lập nhằm tích hợp hợp tác giữa các bên liên quan nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 17/9. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Diễn đàn y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thiết lập Cơ quan hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) để tích hợp hợp tác giữa các bên liên quan nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Ngày 10/11, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết trong đại dịch vừa qua, thế giới gặp khó khăn trong việc thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, phân phối các công cụ chẩn đoán, thuốc men và vaccine do có quá nhiều cơ quan khác nhau tham gia.

Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tập hợp tất cả các cơ quan này vào diễn đàn ACT-A không chính thức.

ACT-A quy tụ một số cơ quan và tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Bill and Melinda Gates, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI), Quỹ Toàn cầu, WHO và các cơ quan liên quan khác.

Bộ trưởng Budi cho rằng ACT-A là một tổ chức toàn diện và đã thành công trong việc khắc phục các vấn đề của thế giới, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng cơ quan này sẽ giúp tăng cường hợp tác toàn cầu giữa các chính phủ, nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp, xã hội dân sự, các tổ chức y tế và từ thiện toàn cầu nhằm tăng tốc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng ngừa COVID-19.

Trước đó, hoạt động ngoại giao thành lập ACT-A đã được thảo luận tại Nhóm công tác y tế (HWG) lần thứ ba của G20 diễn ra vào ngày 22-23/8 tại Bali.

Cuộc họp đã đạt được một số thỏa thuận và cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế - yếu tố được coi là quan trọng đối với việc tăng năng lực nghiên cứu và sản xuất trong thời kỳ đại dịch.

Theo Bộ trưởng Budi, quan hệ đối tác với khu vực tư nhân cũng là yếu tố cần thiết đối với việc chuyển giao công nghệ và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp cần chủ động đóng góp cho công tác này. Một nỗ lực khác cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là việc mở rộng sản xuất và nghiên cứu vaccine, các phương pháp điều trị và chẩn đoán (VTD).

Ông Budi cho biết các tổ chức quốc tế đã thiết lập các nền tảng và mạng lưới cho phép tiếp cận tốt hơn với VTD để ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

HWG lần thứ ba cũng nhất trí về sự cần thiết tăng cường đầu tư và phối hợp giữa lĩnh vực tài chính và lĩnh vực y tế nhằm hỗ trợ cho VTD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết