Tiếng Việt | English

31/10/2018 - 00:00

EC áp thẻ vàng: Cơ hội để Việt Nam phát triển nghề cá bền vững

Tập kết thủy sản tại Cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Sau một năm quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp từ Trung ương tới địa phương, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Quyết tâm của Việt Nam là khắc phục được "thẻ vàng" của EC, từ đó hình thành nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm với đại dương; tiến đến xây dựng ngành kinh tế thuỷ sản phát triển bền vững."

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc EC áp dụng "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi nhận thức và hướng tới nghề cá phát triển bền vững; chấn chỉnh lại việc quản lý tài nguyên biển một cách bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Thuỷ sản (sửa đổi); trong đó các khuyến nghị của EC đã được luật hóa.

Bên cạnh đó, các văn bản dưới Luật cũng đã được ban hành với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Liên minh châu Âu (EU); từ đó tăng tính khả khi của các văn bản dưới Luật, sớm đi vào cuộc sống.

Đánh giá về kết quả thực hiện khắc phục "thẻ vàng," Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Nguyễn Ngọc Oai cho hay, hiện đơn vị đang chỉ đạo các địa phương ven biển khẩn trương hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (Movimar) cho tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 24m trở lên. 

"Việt Nam cũng cam kết đến tháng 4/2019 sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đánh bắt xa bờ," ông Oai nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký kết quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc kiểm soát các tàu cá hoạt động trên biển, đồng thời, tích cực tham gia, phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc chống khai thác bất hợp pháp.

Theo ông Oai, nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp, đến nay, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt; việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có bước tiến bộ… 

Là địa phương được chọn làm thí điểm trong việc triển khai khắc phục "thẻ vàng", chống khai thác bất hợp pháp (IUU) không khai báo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, với 9/15 huyện thị ven biển, toàn tỉnh có nhiều tàu thuyền khai thác. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng các kế hoạch, thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm của các tàu cá. 

Tuy nhiên, ông Mai Anh Nhịn cho rằng, việc xử lý các tàu cá vi phạm gặp nhiều khó khăn là do thuyền trưởng của tàu cá vi phạm thì bị bắt ở nước ngoài, còn chủ tàu lại ở nhà nhưng không vi phạm. Do đó, việc xử lý triệt để này gặp khó khăn. 

 

Cá ngừ dọc dưa được chuyển về nhà máy để chế biến tại cảng cá Quy Nhơn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về màu sơn của các loại tàu... Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm tàu cá. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, thanh tra các vi phạm; xử lý được phương tiện khai thác trái phép khi về bờ; rút giấy phép khai thác, kiểm tra chặt chẽ tàu thuyền xuất bến...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để có thể triển khai một cách đồng bộ. Đồng thời, sớm ban hành các nghị định, thông tư dưới Luật; Bộ Công an hỗ trợ địa phương điều tra, xử lý các đối tượng môi giới khai thác trái phép tại nước ngoài... 

Cũng là tỉnh được lựa chọn thực hiện thí điểm khắc phục "thẻ vàng", thời gian qua Bình Định đã có nhiều nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, tỉnh này cũng gặp không ít khó khăn trong triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, ông Phan Trọng Hổ nói, từ nay đến 1/1/2019, thời điểm mà phái đoàn của EC sẽ tiếp tục kiểm tra đối với các cảng cá của Việt Nam. Do vậy, nếu không triển khai quyết liệt việc ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, không quản lý, không khai báo thì sẽ khó khắc phục "thẻ vàng," hoặc có thể nặng hơn là sẽ bị phạt "thẻ đỏ."

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã yêu cầu các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định triển khai ngay và quyết liệt hơn nữa các giải pháp để khắc phục "thẻ vàng" của EC.

Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, các cảng cá thành lập ngay các tổ liên ngành hoạt động 24/24h, quản lý tất cả các tàu thuyền xuất, cập bến tại các cảng trên địa bàn; phải ký kết không xâm phạm vùng biển nước khác trước khi xuất bến; cấm tắt máy định vị tầm xa...

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền mạnh đến các chủ tàu, thuyền trưởng và những người liên quan đến khai thác hải sản xa bờ về Luật Thủy sản, về IUU...; xử phạt thật nặng và cấm hoạt động tất cả những lĩnh vực liên quan đến nghề cá đối với những chủ tàu, thuyền trưởng xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản.

Việc EC áp dụng "thẻ vàng" đối với thuỷ sản Việt Nam cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sang EU. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc ách tắc trong quy trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản gặp khó, do thiếu nguyên liệu sản xuất. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. 

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp sang thị trường EU giảm từ 20-30% so với cùng kỳ. Chưa hết, gần như 100% lô hàng xuất khẩu sang EU đều bị kiểm tra khiến doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí và hệ luỵ... 

Chế biến sản phẩm cá ngừ đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đến nay, theo thống kê của VASEP, cả nước có 62 doanh nghiệp chính thức ký cam kết chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp và thực hiện các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp để xuất khẩu các mặt hàng hải sản vào thị trường châu Âu.

Theo các chuyên gia, mặc dù EC đưa ra nhiều khuyến nghị để Việt Nam khắc phục "thẻ vàng" về IUU, tuy nhiên chủ yếu vẫn là các yêu cầu liên quan đến quản lý tàu cá đánh bắt trên biển và quản lý các tàu cập cảng để truy xuất nguồn gốc hải sản rõ ràng. 

Đây cũng là những vấn đề mà các địa phương, doanh nghiệp có kiến nghị cần phải tháo gỡ trong thời gian sớm nhất và đang tập trung khắc phục khó khăn. 

Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị các địa phương ven biển, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thu hồi tất cả các thiết bị Movimar và tiến hành lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên theo hướng dẫn của Bộ.

Đồng thời, nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm bờ tự động báo vị trí tàu về trạm bờ; xử lý nghiêm tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy 24/24 giờ khi hoạt động khai thác hải sản trên biển để cơ quan quản lý theo dõi, giám sát. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển được phân công quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.

Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định về khai thác IUU tại các cảng cá, khu vực có nghề cá trọng điểm. Thực hiện kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền các cấp, sở, ban ngành và lực lượng liên quan để tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài...

"Chúng ta cần coi sự kiện "thẻ vàng" là động lực để thay đổi nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Từ đó, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng nghề cá, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm... nâng cao chất lượng, hình thành nghề khai thác thuỷ sản bền vững. Đồng thời, tiến đến xây dựng ngành kinh tế thuỷ sản phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết