Tiếng Việt | English

05/03/2018 - 11:07

Dứt tình sui gia sau khoản tranh chấp tiền tỉ

Đầu tháng 02/2018, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành, tỉnh Long An thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Nguyên đơn là cha mẹ vợ, còn bị đơn là con rể với khoản tiền tranh chấp hơn 6,5 tỉ đồng. Cha mẹ vợ cho rằng, mình vay mượn số tiền này cho vợ chồng con rể làm ăn, còn chàng rể một mực khẳng định, số tiền vay nợ thấp hơn rất nhiều; có nhiều khoản vay, anh không hề hay biết. Thắng - thua chưa biết ra sao nhưng sau phiên tòa, chắc chắn tình nghĩa sui gia chẳng còn.

Giúp con vay vốn làm ăn

Người bị kiện là anh Trần Quốc C. (SN 1980), ngụ ấp Mỹ Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành. Theo anh C., năm 2002, anh tìm hiểu và kết hôn với chị Phạm Thị Minh L., ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Thời điểm ấy, anh đang theo làm các công trình cầu, đường nhưng thấy người dân Châu Thành làm giàu từ cây thanh long nên anh bàn với vợ, sau đó xin nghỉ việc để làm kinh tế. Năm 2015, vợ chồng anh C. thành lập Công ty TNHH Cường Thịnh Phát, tọa lạc ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, mua bán và xây dựng kho chứa thanh long.

Anh C. thất thần trong giờ giải lao giữa phiên tòa

Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực thu mua thanh long nên sau hơn 1 năm hoạt động, vợ chồng anh thua lỗ, phải nợ khách hàng và một phần vốn vay ngân hàng. Khó có khả năng trả nợ, anh bàn với vợ dừng kinh doanh để lo trả nợ, nhưng chị L. quyết tâm duy trì hoạt động của công ty. Lúc này, cha mẹ vợ của anh C. - ông Phạm Hoàng M. và bà Nguyễn Thị M. cùng vợ anh đứng ra quản lý công ty, tuy nhiên, hiệu quả vẫn không như mong muốn. Theo anh C., trong quá trình quản lý công ty, ba mẹ vợ có vay mượn cho vợ chồng anh một khoản tiền để duy trì hoạt động kinh doanh. Mặt khác, mẹ ruột của anh C. - bà Châu Thị H. cũng lấy tiền của gia đình để trả giúp vợ chồng anh khoản nợ gần 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi bà H. đang xác minh các khoản nợ của vợ chồng anh C. trong quá trình kinh doanh thì ngày 23/10/2017, ba mẹ vợ lại đứng đơn khởi kiện vợ chồng anh C. về số tiền hơn 6,5 tỉ đồng mà ông bà cho rằng, đã vay mượn giúp con và yêu cầu tòa án buộc vợ chồng anh phải trả 1 lần.

Tình nghĩa rạn nứt

Theo vợ chồng ông M., tháng 6/2015, ông bà vay ngân hàng 2 lần, tổng cộng 3,5 tỉ đồng, đem về đưa trực tiếp cho vợ chồng anh C. toàn bộ số tiền này. Trong khi đó, anh C. lại cho rằng, bản thân hoàn toàn không nhờ cha mẹ vợ vay số tiền lớn như vậy. Ngoài ra, ông M. còn cho biết, có vay một người quen tên Nguyễn Phước Thảo ở Tiền Giang số tiền 1,75 tỉ đồng và gia đình ông Phước ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, 1,3 tỉ đồng giao cho vợ chồng anh C. Tuy nhiên, anh C. khẳng định, anh chỉ nhận của ba mẹ vợ số tiền 400 triệu đồng vay từ phía ông Thảo chứ không phải 1,75 tỉ đồng như ba mẹ vợ anh cáo buộc. Nói về các giấy vay nợ, anh khẳng định, có nhiều giấy vay nợ do vợ anh ký, còn anh không hề hay biết. Trong biên nhận mượn tiền ngày 03/5/2016, chị L. ghi tổng cộng 8 lần vay lên đến 1,75 tỉ đồng, lãi suất 3%/tháng. Nhưng, một điều rất lạ, biên nhận này chỉ có mình vợ anh ký tên, còn chủ nợ chẳng xác nhận vào khi bỏ ra tiền tỉ để cho vay.

Trong phiên tòa xét xử tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa mẹ con anh C. và vợ chồng ông M. Sui gia, con rể - cha mẹ vợ tuy ngồi gần nhưng chẳng ai chào hỏi nhau một lời. Cảm thấy chua xót, bà H. - mẹ ruột anh C., thở dài, nói: “Giờ thì còn sui với gia gì nữa!”. Mới ngày nào còn xưng cha - con thân mật, vậy mà bây giờ, giữa phiên tòa, khi trả lời câu hỏi của thẩm phán, cả hai đều xưng với nhau là “ông - tôi” như 2 người xa lạ, chẳng còn chút tình nghĩa dù trên danh nghĩa vẫn là “cha vợ - con rể”. Một số người dự phiên tòa đều lắc đầu ngao ngán khi thấy cảnh cha vợ - con rể đưa nhau ra tòa, buồn thay cho tình nghĩa sui gia! Căng thẳng hơn, khi đối chất, trong khi ông M. khẳng định, vợ chồng ông vay mượn cho vợ chồng con rể số tiền ấy, còn con rể một mực từ chối và cho rằng, bản thân mình có vay nhưng số tiền không lên đến con số gần 7 tỉ đồng. Cuối cùng, phiên tòa buộc phải tạm hoãn để các bên bổ sung chứng cứ.

Chưa biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao nhưng sau phiên tòa, liệu rằng, tình nghĩa sui gia, tình cảm vợ chồng có còn chăng?...

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết