Dự án tỉnh lộ 173 có chiều dài gần 43 km (từ xã An Hiệp, H.Châu Thành đến xã Tân Xuân, H.Ba Tri, Bến Tre), tổng mức đầu tư gần 900 tỉ đồng từ ngân sách. Ban Quản lý dự án (QLDA) các công trình giao thông tỉnh Bến Tre là chủ đầu tư. Liên danh Công ty CP tập đoàn xây dựng Miền Trung và Công ty TNHH Trường Phát là đơn vị thi công.
Chỉ cần mưa nhỏ là mặt đường tỉnh lộ 173 xuất hiện nhiều vũng nước lớn
Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông
Dự án được chia làm 2 gói thầu, khởi công đầu năm 2019 và thông xe vào tháng 1.2021. Công trình được thiết kế thi công theo kỹ thuật láng nhựa mặt đường.
"Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn sử dụng thì lớp nhựa mặt đường bị bong tróc, nước mưa ứ đọng. Tuyến đường này phương tiện lưu thông khá nhiều, trong khi nhiều nơi lồi lõm cứ tồn tại, đường không có cống thoát nước, không có đèn đường… nên rất dễ bị đọng nước mưa, việc di chuyển tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho người đi đường", ông Huỳnh Văn Năm, một người dân ở H.Ba Tri, lo lắng.
"Có chỗ bong tróc rộng đến vài mét vuông, có chỗ bong tróc theo chiều dọc, chiều ngang. Chỗ nào bong tróc thì xe đến tưới nhựa rồi rải đá mi lên, chỉ vậy thôi, cho nên mặt đường sau khi khắc phục cũng gồ ghề nguy hiểm.
Mặt đường bị hư nhiều chỗ quá nên khi vá lại xong rồi trông chẳng khác gì chiếc áo rách tả tơi được khâu vá lại vậy", ông Dũng, người dân ở H.Châu Thành, bức xúc.
Ghi nhận thực tế, toàn tỉnh lộ 173 còn xuất hiện hiện tượng sụt lún, lởm chởm trên mặt đường. Vị trí lún có thể là giữa tim đường theo chiều dọc hoặc chiều ngang, phổ biến nhất là 2 bên làn đường…
Việc dặm vá bằng nhựa nóng phun trực tiếp xuống mặt đường rồi rải đá lên khiến mặt đường bị lồi lõm
Hiện tượng lún là bình thường!?
Ngoài các tồn tại trên, PV Thanh Niên cũng ghi nhận được phản ánh nhà thầu và chủ đầu tư còn nợ nguyên vật liệu gần 20 tỉ đồng chưa thanh toán, dù tuyến đường đã thông xe hơn 2 năm nay.
"Công ty chúng tôi nhận thấy có các dấu hiệu bất thường nên đã ngưng cung cấp vật liệu cho dự án tỉnh lộ 173 từ năm 2020. Nhưng sau đó, đại diện đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công thỏa thuận với chúng tôi bằng văn bản rằng trường hợp đơn vị thi công không trả, thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Do đó, doanh nghiệp chúng tôi mới đồng ý cung cấp tiếp vật liệu, nhưng đến nay đòi hoài không trả", bà L. (chủ công ty vật liệu xây dựng K.L ở Bến Tre) bức xúc.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lớn, Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Bến Tre, cho biết đơn vị đang giải quyết mâu thuẫn đối với các khoản nợ do nhà thầu để lại.
Về các tồn tại khác, ông Lớn cho rằng: "Chuyện lún trên tỉnh lộ 173 là bình thường, vì dự án này có đoạn thi công trên nền đường cũ, có đoạn mở đường mới hoàn toàn. Theo thiết kế tuyến, đường này không có giải pháp chống lún nên phải chấp nhận lún tự nhiên, lún là bình thường. Còn bong tróc mặt đường cũng là bình thường vì có điểm do xe quay đầu… Có bong tróc thì chúng tôi bảo trì vá lại. Nói chung, chúng tôi đã có giải trình với các đơn vị có liên quan hết rồi".
Ông Lớn cũng cho biết vừa qua UBND tỉnh Bến Tre đã chấp thuận chủ trương bàn giao dự án tỉnh lộ 173 cho Sở GTVT Bến Tre quản lý theo thẩm quyền. Bởi, thời gian bảo hành của dự án cũng sắp hết. "Sau khi UBND tỉnh cho chủ trương và thành lập hội đồng thẩm định, thẩm tra toàn bộ dự án và Ban của chúng tôi đã có giải trình đầy đủ, đã thống nhất giao lại cho Sở GTVT Bến Tre quản lý tuyến đường. Đã bàn giao rồi", ông Nguyễn Văn Lớn khẳng định.
Trong khi đó, ngày 24.5, trả lời Thanh Niên, ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở GTVT Bến Tre, khẳng định Sở GTVT Bến Tre thống nhất theo chủ trương của UBND tỉnh và đã tham gia hội đồng thẩm định, thẩm tra dự án tỉnh lộ 173 và chấp nhận quản lý tuyến đường này. Tuy nhiên, đến tháng 6.2023, Sở GTVT Bến Tre sẽ phúc tra lần cuối cùng và sẽ yêu cầu Ban QLDA các công trình giao thông làm rõ lần cuối cùng tất cả các vấn đề và ghi rõ nội dung các vấn đề đó vào văn bản trước khi nhận bàn giao./.
Theo Thanh niên