Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bến Lức
Sợ phiền phức, mang vạ
Khi xảy ra TNGT, ngoài những vấn đề pháp lý và bồi thường thiệt hại giữa các bên được làm rõ sau đó thì trước tiên, việc cứu giúp người bị tai nạn là vô cùng quan trọng. Nhiều nạn nhân bị TNGT được cứu sống nhờ người dân sơ cứu, đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Như trường hợp anh N.H.N. (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) từng bị TNGT, được người dân nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Thế nhưng, vẫn có những trường hợp, sau khi gây tai nạn, người sử dụng phương tiện giao thông lại mặc kệ nạn nhân, bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm. Mấy năm trước, trên Đường tỉnh 835B, đoạn qua ấp Long Hưng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, một đối tượng điều khiển ôtô tải cán trúng một người đàn ông trong đêm khuya nhưng lái xe bỏ trốn. Về nhà, đối tượng còn rửa xe để xóa dấu vết. Tuy nhiên, qua phân tích hình ảnh do camera ghi lại trên đường, công an nhanh chóng xác định phương tiện ôtô tải trong vụ việc và bắt giữ đối tượng điều khiển.
Hay vụ va chạm giao thông xảy ra vào khoảng 16 giờ ngày 12/9/2022 tại một đoạn đường qua ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa. Theo camera ghi lại, vào khoảng thời gian trên, đôi nam nữ thanh niên điều khiển xe máy lao từ trong hẻm ra đường chính, đụng phải người phụ nữ điều khiển xe máy đang lưu thông trên đường. Cú va chạm bất ngờ khiến người phụ nữ ngã văng xuống đường, bị thương. Sau khi gây tai nạn, đôi nam nữ không dừng xe hỗ trợ mà chỉ quay lại nhìn, bỏ mặc nạn nhân nằm giữa đường rồi phóng xe bỏ chạy.
Bên cạnh các trường hợp liên quan trực tiếp, cũng có những người nhìn thấy nạn nhân bị TNGT nhưng để mặc, không cứu giúp vì sợ liên lụy, phiền hà, hiểu lầm là người gây tai nạn,... Sự vô cảm cũng có thể là một trong những lý do dẫn đến nạn nhân trong vụ tai nạn bị thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong vì không được giúp đỡ, cứu chữa kịp thời.
Có thể bị phạt tù đến 7 năm
Gần đây, ngày 23/8/2023, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt 2 năm tù đối với tài xế Mai Văn Khởi (40 tuổi) về hành vi không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Theo cáo buộc, khoảng 0 giờ ngày 02/02/2023, Khởi lái xe container chở hàng từ Vĩnh Long đi TP.HCM. Đang chạy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đến địa phận xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Khởi phát hiện xe bị sự cố nên dừng lại ở làn đường sát dải phân cách để kiểm tra.
Cùng lúc, xe ôtô khách 16 chỗ chở nhiều người đưa dâu về nhà chồng ở tỉnh Đồng Nai. Do không chú ý quan sát và giữ khoảng cách, xe khách 16 chỗ tông mạnh vào đuôi container.
Tài xế Khởi đến kiểm tra, phát hiện phần đầu xe khách bị biến dạng nặng, những người trên xe la lớn, kêu cứu nhưng tài xế này bỏ mặc nạn nhân, cũng không trình báo công an mà lái xe rời khỏi hiện trường. Hậu quả, 4 người tử vong. Cơ quan điều tra đã trích xuất camera và bắt giam Khởi. Tại tòa, Khởi khai lúc đó do hoảng sợ, lo sẽ liên lụy trách nhiệm nên bỏ đi, không cứu giúp những người bị nạn.
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Long An), pháp luật đã quy định trách nhiệm phải cứu giúp người bị nạn hay bất cứ người nào khác khi họ đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Trách nhiệm hành chính khi không cứu giúp người bị TNGT được nêu rõ tại điểm a, khoản 7, Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị TNGT khi có yêu cầu.
Nếu không cứu giúp mà có hành vi “Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn” thì bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 10, Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 123/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa, không cứu giúp người bị nạn cũng có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; hay là người có nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì có thể bị phạt tù mức cao hơn từ 1-5 năm. Không cứu giúp mà hậu quả dẫn đến chết 2 người trở lên có thể bị phạt tù từ 3-7 năm./.
"Sự vô cảm cũng có thể là một trong những lý do dẫn đến nạn nhân trong vụ tai nạn bị thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong vì không được giúp đỡ, cứu chữa kịp thời”. |
Lê Đức