Tiếng Việt | English

08/04/2019 - 11:11

Đừng lạm dụng kháng sinh!

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh (TKS) cao nhất thế giới. Tại Long An cũng đã xuất hiện các trường hợp kháng KS, trong đó, có kháng tất cả các loại KS. Thông tin này khiến chúng ta cần nhìn nhận một cách đúng đắn về việc sử dụng KS của mình và người thân, gia đình.

Mua thuốc dễ như… mua rau!

Trong vai người có các triệu chứng: Ho, đau họng, sổ mũi, chúng tôi đến một số nhà thuốc Tây trên địa bàn tỉnh để mua thuốc. Không cần thăm khám, tất cả nhà thuốc đều đồng ý bán thuốc theo triệu chứng mà chúng tôi đã cung cấp, kèm theo vài câu hỏi: Muốn uống trong thời gian bao lâu? Muốn uống mấy lần trong ngày? Có đau bao tử không? Đó là cách mua, bán thuốc thường thấy nhất hiện nay. Mỗi nhà thuốc có một cách bán khác nhau về loại thuốc cũng như số lượng nhưng tất cả đều có KS. Tuy nhiên, cùng các triệu chứng đã nêu, mỗi nhà thuốc cung cấp một loại KS khác nhau với các chỉ định khác nhau, trong khi KS là loại thuốc chỉ được bán theo chỉ định của bác sĩ.

Lạm dụng KS không còn là vấn đề mới. Người dân có thói quen “tự chữa bệnh” bằng cách đến các nhà thuốc mua thuốc mỗi khi có triệu chứng bệnh. Các cơ sở bán thuốc lại “vô tư” bán KS một cách vô tội vạ cho người mua. Điều này dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng là tình trạng kháng KS ngày càng gia tăng.

Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế - Thạc sĩ Đoàn Thị Kim Liên cho biết: “Việc tự ý sử dụng hay nói khác hơn là lạm dụng KS không những gây ra tình trạng kháng thuốc mà còn có nhiều tác hại khác như gia tăng các biến cố có hại của thuốc không đáng có như dị ứng, sốc phản vệ, chảy máu đường tiêu hóa,... tăng tỷ lệ nhập viện cũng như tử vong và gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh và toàn xã hội”.

Kháng kháng sinh, đã đến hồi cảnh báo

Trường hợp của bệnh nhân Trần Văn Thanh (53 tuổi) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Long An vào tháng 01/2019 là một minh chứng cụ thể cho việc kháng KS. Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Long An, bệnh nhân Thanh nhập viện trong tình trạng ho, mệt, khò khè. Bệnh nhân có uống kháng sinh Ciprofloxacin tại nhà. Sau khi tiến hành khám, xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm trùng tiểu do Pseudomonas đa kháng, viêm phổi, nhiễm trùng vết loét, suy dinh dưỡng, di chứng chấn thương cột sống ngực. Sau khi tiến hành điều trị KS cấp cao không đáp ứng và có kết quả KS đồ: Đa kháng (kháng với tất cả kháng sinh), các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp tục điều trị.

Trưởng khoa Nội Phổi thận, Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ Ngô Hiền Sĩ cho biết: Tình trạng kháng KS luôn là vấn đề thời sự của ngành y tế và tất cả quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có tình trạng kháng TKS cao nhất thế giới. Điều này đáng báo động bởi đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân sẽ không được cứu sống khi vi khuẩn đã kháng tất cả các loại KS hiện nay. Điều đó làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong, tăng chi phí điều trị và thực sự trở thành một vấn đề nhức nhối của công tác chăm sóc sức khỏe.

Một nghiên cứu về tình hình kháng KS của vi khuẩn gây bệnh phân lập tại Bệnh viện Đa khoa Long An từ ngày 01/12/2017 đến 30/11/2018 cho thấy, tỷ lệ đề kháng KS của một số loại vi khuẩn được khảo sát trong nghiên cứu dao động từ 8,5-69,5%. Theo bác sĩ Hiền Sĩ, nguyên nhân gây ra tình trạng kháng KS chính là kê toa KS khi không cần thiết và bệnh nhân không tuân thủ điều trị, lạm dụng KS trong chăn nuôi, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám không tốt.

Thạc sĩ Đoàn Thị Kim Liên thông tin thêm, khi tự ý dùng KS chữa bệnh hoặc sử dụng toa thuốc của người khác sẽ làm cho bệnh không khỏi, đôi khi còn bị nhiều tác dụng phụ của thuốc. Vì mỗi bệnh hoặc mỗi người bệnh phù hợp với một loại KS khác nhau.

Có rất nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng KS một thời gian nhưng không khỏi mới đến bệnh viện khám. Điều này khiến các bác sĩ chẩn đoán bệnh khó khăn hơn. Mặt khác, việc sử dụng thuốc KS khi chưa có chỉ định của bác sĩ có nguy cơ dẫn đến cơ thể người bệnh phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng với KS và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại KS cực mạnh, khi bệnh nặng sẽ không có loại KS tốt hơn để dùng. Người bệnh thậm chí sẽ tử vong bởi những nhiễm khuẩn thông thường. Điều này còn nghiêm trọng hơn đối với trẻ em và người cao tuổi.

Đừng lạm dụng kháng sinh!

Để hạn chế tình trạng lạm dụng TKS, công tác quản lý mua, bán thuốc trên thị trường cần được siết chặt. Theo thông tin từ Sở Y tế, khó khăn lớn nhất trong quản lý việc mua, bán TKS là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, rất nhiều trường hợp cơ sở bán lẻ thuốc bán thuốc KS không cần kê toa của thầy thuốc sai quy định.

Người bệnh chỉ nên dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua hay sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện bệnh. (Ảnh minh họa: Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Long An)

Thời gian qua, nhằm tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản pháp quy quy định về hoạt động này. Trong đó, ngày 07/9/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4041/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của đề án là rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn; đồng thời, tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, đặc biệt là siết chặt việc mua TKS phải có đơn của bác sĩ. Thực hiện đề án này sẽ góp phần giảm tỷ lệ kê đơn thuốc không đúng quy định, giảm tỷ lệ mua TKS mà không có đơn thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Trên thực tế, những nỗ lực trên vẫn đang trong quá trình thực hiện, trong khi tình trạng mua, bán thuốc không theo toa vẫn diễn ra một cách thiếu kiểm soát, tỷ lệ kháng KS vẫn có chiều hướng tăng cao. Vì vậy, ý thức của người dân vẫn là điều quan trọng nhất để tự bảo vệ mình và cộng đồng trước “cơn ác mộng” kháng KS!

5 nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh an toàn:

1. Dùng kháng sinh không đúng làm giảm hiệu quả của thuốc.

2. Kháng sinh không giúp điều trị các bệnh do virus như cúm, cảm lạnh.

3. Dùng kháng sinh đúng để bảo đảm hiệu quả của thuốc: Đúng kháng sinh, đúng liều dùng, đúng đường dùng, đúng thời gian.

4. Không chia sẻ thuốc kháng sinh với người thân hoặc bạn bè.

5. Chỉ dùng kháng sinh khi có toa của bác sĩ. Ngừng kháng sinh sớm hoặc không đủ liều có thể gây ra đề kháng kháng sinh, bệnh dễ tái phát và nghiêm trọng hơn so với ban đầu./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết