Tiếng Việt | English

03/01/2020 - 09:41

Đừng để trẻ trở thành nạn nhân của ly hôn!

Sống nương tựa bên nội hoặc bên ngoại, thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, phải sống tự lập từ nhỏ,... là tình cảnh của những trẻ có cha mẹ ly hôn.

Phạm Quốc Bảo (hàng đầu, thứ 4, trái qua) nhận xe đạp do Agribank Chi nhánh Long An tài trợ

10 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng Phạm Quốc Bảo (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đã biết sống tự lập và chăm sóc bà nội bị bệnh tai biến. Hàng ngày, Bảo thức dậy từ lúc 5 giờ để dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm và cho nội ăn, sau đó bắt đầu đi học. Cha mẹ Bảo ly hôn lúc em vừa tròn 1 tuổi. Hiện tại, cha em đi làm ở Bình Dương, còn mẹ đã lập gia đình khác.

Bà nội của Bảo tâm sự: “Tôi biết Bảo rất khao khát tình thương của cha, mẹ. Nhiều lần, Bảo hỏi nguyên nhân cha mẹ ly hôn, tôi không biết trả lời sao cho cháu hiểu. Lúc đó, tôi chỉ mong có đủ sức khỏe chăm lo cho cháu. Thế nhưng, tôi đột ngột bị bệnh tai biến, từ đó Bảo phải chăm sóc ngược lại. Thời gian qua, cuộc sống của hai bà cháu nhờ vào tình thương của chính quyền địa phương và người dân xung quanh giúp đỡ”.

Chúng tôi gặp Bảo trong đợt tặng xe đạp cho học sinh nghèo do Agribank Chi nhánh Long An tài trợ. Tại đây, các em rất vui mừng, trong khi đó, Bảo chỉ lặng lẽ ngồi ở một góc với ánh mắt buồn rười rượi. Cô giáo của Bảo chia sẻ: “20 học sinh được nhận xe đạp, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, trong đó hoàn cảnh của Phạm Quốc Bảo là đáng thương nhất. Cha mẹ Bảo có cuộc sống riêng, không ai quan tâm, lo lắng cho em, hai bà cháu nương tựa nhau sống. Phải chi gia đình của em không tan vỡ thì chắc chắn cuộc sống của Bảo sẽ không vất vả như thế này”.

May mắn hơn Phạm Quốc Bảo, 3 anh em em Đặng Ngọc Thanh (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) được bà ngoại chăm sóc, lo lắng. Cách đây 10 năm, chị Nguyễn Ngọc Dung ly hôn chồng, dẫn 3 đứa con về nương tựa bên ngoại. Chồng không chí thú làm ăn, thường xuyên nhậu nhẹt, đánh đập vợ con nên chị Dung quyết định ly hôn. Bà Trần Thị Nhạn (mẹ chị Dung) chia sẻ: “Cứ vài ngày là con Dung bị chồng đánh bầm mặt, bỏ về nhà mẹ ruột. Thấy vậy, gia đình tôi cũng khuyên hai vợ chồng nhiều lần, thậm chí cho mượn vốn để làm ăn. Nhiều lần con gái tôi muốn ly hôn, gia đình đều khuyên răn vì sợ các cháu sống thiếu tình thương của cha mẹ, tuổi thơ không được trọn vẹn. Tuy nhiên, con rể vẫn “chứng nào tật ấy” nên gia đình tôi đồng ý cho con gái ly hôn, đồng thời chấp nhận nuôi cháu ngoại”.

Hiện tại, bà Nhạn đang nuôi ba đứa cháu ngoại

Hiện nay, gia đình bà Trần Thị Nhạn thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà vẫn cố gắng cho các cháu đi học. Chị Dung trải lòng: “Sau khi ly hôn, tôi bán cá ở chợ cũng có “đồng ra, đồng vào” chăm lo cho 3 đứa con. Hiện người con lớn Đặng Ngọc Thanh đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Đồng Tháp, còn Đặng Thị Mỹ Tiên và Đặng Hữu Luân đang học lớp 6. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, các con tôi đều chăm ngoan, học giỏi, tranh thủ thời gian làm việc nhà giúp bà và mẹ. Đây chính là động lực, niềm tin để tôi cố gắng chăm lo tốt cho các con”.

Có thể thấy, ly hôn là chuyện của người lớn nhưng ảnh hưởng rất lớn đến những đứa trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ trước khi quyết định ly hôn hãy nghĩ đến các con và đừng biến trẻ thành nạn nhân của những cuộc hôn nhân không trọn vẹn./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết