Tiếng Việt | English

27/06/2024 - 14:00

Đừng để người trẻ trở thành nạn nhân của thuốc lá!

Trong khi số lượng người hút thuốc lá truyền thống đang giảm dần do nhận thức về những tác hại của nó thì số người sử dụng thuốc lá thế hệ mới lại gia tăng, nhất là trong giới trẻ. Làm gì để ngăn ngừa người trẻ sử dụng loại thuốc lá độc hại này là nội dung chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ (BS) Chuyên khoa II - Huỳnh Hữu Dũng.

  • Phóng viên (PV): BS có thể chia sẻ về tình trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở giới trẻ hiện nay?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái từ 13-15 tuổi đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh, thiếu niên (TTN) hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ cao trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, nhất là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN).

Theo báo cáo Thực trạng sử dụng TLĐT, TLNN trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023, học sinh từ lớp 6-12 hiện sử dụng TLĐT là 7%. Còn theo báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới và Điều tra về sử dụng thuốc lá mới ở nhóm học sinh THCS và THPT ở 11 tỉnh, thành phố, sử dụng TLĐT trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

Chính vì vậy, năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5).

Sử dụng thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới đều gây hại lớn cho sức khỏe

  • PV: Theo lời quảng cáo thì thuốc lá thế hệ mới ít có tác hại đến sức khỏe con người hơn thuốc lá truyền thống. BS nghĩ sao về điều này?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Điều này hoàn toàn sai sự thật. Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gây hại đối với sức khỏe con người, môi trường, nền kinh tế,... Với thành phần có chứa chất nicotine, thuốc lá, nhất là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã nhanh chóng gây nghiện trong giới trẻ. Thực tế cho thấy, tại các quốc gia cho phép các sản phẩm TLĐT, TLNN, mặc dù có quy định quản lý chặt nhưng đã không có kết quả trong việc ngăn chặn giới trẻ sử dụng các sản phẩm này.

  • PV: Cụ thể, những tác hại đó là gì, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện cao, gây hại lớn đến sự phát triển não bộ của TTN, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của TTN với những hậu quả ngắn hạn và lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.

Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi TTN dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kỳ thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

  • PV: Điều gì khiến thuốc lá thế hệ mới nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: TLĐT và các dạng thuốc lá thế hệ mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotine, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng về y tế, kinh tế, an ninh, trật tự mà còn ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và mức độ lan nhanh trong cộng đồng, cùng với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, TLĐT, TLNN sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất
gây nghiện khác.

Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng TLĐT với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Điều tra ở Mỹ có 30,6% TTN lớp 6-12 sử dụng TLĐT đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis vào dung dịch điện tử.

Thuốc lá điện tử dưới hình dáng đồ chơi trẻ em

  • PV: Trên thực tế, tại các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều người ngộ độc do sử dụng thuốc lá thế hệ mới. BS có thể chia sẻ cụ thể hơn về tình trạng này?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc TLĐT, trong đó nhiều trường hợp là học sinh, TTN bị ngộ độc chất ma túy trộn trong TLĐT. Chất nicotine, hóa chất hương liệu và việc trộn ma túy vào TLĐT khiến sản phẩm này rất độc hại. Các ca ngộ độc TLĐT vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác để lại di chứng nặng nề về sức khỏe.

Theo báo cáo tổng hợp của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh, gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và Trung tâm Y tế tuyến huyện cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN, trong đó có nhiều bệnh nhân là trẻ em, vị thành niên. Cụ thể, nhóm dưới 16 tuổi nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN là 27 người; nhóm từ 16-18 tuổi là 44 người; từ 19-24 tuổi là 58 người; từ 25-44 tuổi là 138 người; từ 45-64 tuổi là 580 người; từ 65 tuổi trở lên là 580 người. Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc TLĐT trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ hơn 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.

PV: BS cho biết những giải pháp nào để bảo vệ mọi người, nhất là trẻ em khỏi tác hại của thuốc lá thế hệ mới?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Việt Nam chưa cho phép lưu hành thuốc lá thế hệ mới như TLĐT, TLNN, shisha nhưng trên thực tế vẫn có nhiều người sử dụng và đang gia tăng trong giới trẻ. Người sử dụng thuốc lá thế hệ mới thường mua trên các trang bán hàng online, hàng xách tay của những người đi về từ những nước cho phép lưu hành thuốc lá thế hệ mới, hàng buôn lậu, những điểm bán trá hình,...

Để bảo vệ trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi chính phủ các nước tăng cường các biện pháp thực thi cấm toàn diện các hoạt động quảng cáo thuốc lá và nicotine trên các nền tảng số, mạng xã hội và các phương tiện giải trí, hướng đến cấm hoàn toàn các hoạt động trách nhiệm xã hội của công ty thuốc lá; đồng thời, tăng cường bảo vệ trẻ em, nâng cao nhận thức của trẻ em, TTN và cộng đồng về tác hại của thuốc lá, TLĐT, TLNN, shisha và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác. Bên cạnh đó là thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách hiệu quả như thực hiện môi trường không thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, Internet.

  • PV: Xin cảm ơn BS!

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng thuốc lá, TLĐT, TLNN, nhất là trong TTN để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của các sản phẩm độc hại này; đồng thời, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Bộ Y tế đề xuất Nhà nước cần phải có chế tài cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá thế hệ  mới phù hợp xu hướng trên thế giới đối với phần lớn các quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Vụ Pháp chế xây dựng văn bản liên quan và dự thảo trình Chính phủ để trình Quốc hội nhằm sớm có biện pháp quản lý TLĐT. Dự kiến, nội dung sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2024./.

 

Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá   

Tổ chức Y tế thế giới đã phát động bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết