Tiếng Việt | English

30/03/2016 - 14:22

Đừng để game online ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em

Game online đã tràn về các vùng nông thôn. Cũng như bao trẻ em thành thị, trẻ em nông thôn ngày càng bị “cuốn” vào thế giới ảo, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành và biết bao hệ lụy khác.

Ảnh hưởng đến sinh hoạt, học hành

Câu chuyện của cậu bé N.V.L. học sinh lớp 7, ở ấp Lộc Bình, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là một điển hình nhức nhối cho tình trạng nghiện game đối với trẻ em. Mẹ L kể: “Trước đây, khi còn là học sinh tiểu học, năm nào cháu cũng là học sinh giỏi. Đến năm lớp 6, cháu dần tụt hạng vì quá mê chơi game. Vốn rất nghiêm khắc, mỗi lần phát hiện L trốn học chơi game, ba nó đánh đòn dữ lắm, nhưng rồi nó vẫn không bỏ game được vì bị “nghiện”. Có lần, L cạy tủ trộm tiền của tôi đến hơn 1 triệu đồng để chơi game. Gia đình tôi rất khổ tâm, nhưng không biết dạy bảo cháu bằng cách nào!”.

Game trên điện thoại, máy tính bảng tràn về nông thôn

Chia sẻ về vấn đề này, anh Trần Lê Minh Hải, ngụ ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước cho biết: “Trước đây, tôi cứ tưởng chỉ có trẻ em ở thành phố mới mê các trò chơi ảo, nhưng thực tế hiện nay không phải vậy, game online tràn xuống tận các vùng thôn quê. Gần nhà tôi có một cậu bé lớp 9, vì mê game nên thường xuyên trốn học để đi chơi, khi sức học đuối dần thì em bỏ học. Bị cha mẹ đánh mắng, em còn ương bướng cãi lại và bỏ nhà đi bụi. Không chỉ có game online, chất lượng và nội dung thông tin trên các trang mạng xã hội luôn là vấn đề nhức nhối hiện nay. Sẽ không quá khó khăn nếu người dùng muốn tìm những tấm hình nhạy cảm hay những đoạn clip “nóng” trên Facebook, Youtube,... Với những tâm hồn thơ dại, khi tiếp xúc những thứ này sẽ tạo tâm lý tò mò, muốn thử cảm giác thật ở đời thường, từ đó dẫn đến rất nhiều hậu quả đáng tiếc”.

Thời buổi công nghệ số ngay càng phát triển, những thiết bị điện tử đáp ứng được nhiều nhu cầu thiết thực của con người. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh những thiết bị kỹ thuật số cũng mang lại nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng nghiện game ở trẻ em rất đáng báo động. Hiện nay, tại các vùng nông thôn, không khó để bắt gặp một đứa trẻ lên 5, lên 7 tuổi có thể sử dụng thành thạo các thiết bị máy tính bảng, smart phone,... với những cái click chuột hoặc vuốt màn hình điện thoại thoăn thoắt mà chưa chắc nhiều bậc cha mẹ sử dụng được. Một câu hỏi khó được đặt ra và dường như chưa có lời giải thỏa đáng của nhiều gia đình nông thôn là cha mẹ làm gì khi con trẻ nghiện game online?

Giải trí nhưng phải lành mạnh, phù hợp lứa tuổi

Thời gian qua, nhiều bậc cha mẹ vì muốn cho con ngoan ngoãn “ngồi im” để tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, làm việc riêng vô tình “khoán” cho trẻ một chiếc máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để chúng chơi game. Nhưng họ đâu thể kiểm soát hết được là trẻ đang xem gì, chơi trò gì trên những thiết bị điện tử đa năng như thế này. Hiện nay, có rất nhiều trò chơi bạo lực xuất hiện trên mạng và hậu quả của những trò chơi ấy ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn non nớt của trẻ em. Gần đây, có nhiều cuộc trả thù, thanh toán lẫn nhau do những mâu thuẫn nhỏ ngay trong trường học - đây là một trong những hệ lụy do các em xem quá nhiều phim ảnh không phù hợp lứa tuổi và chơi các game bạo lực.

Chị Nguyễn Thị Diễm Trang, nhân viên ngân hàng tại thị trấn Cần Giuộc cho biết: “Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh cần kiểm soát thời gian các em vào mạng, kiểm soát các cuộc giao du với những bạn bè mới của con em mình; cần dạy các em cách giao tiếp và kỹ năng sống hơn là giao phó các em cho nhà trường và các phương tiện kỹ thuật số như điện thoại thông minh, máy tính bảng”.

Còn anh Nguyễn Minh Tâm, ngụ ấp 2, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức cho biết: “Tôi thấy nhiều bậc cha mẹ hiện nay khá lơ là trong việc quản lý con trước các trò chơi hiện đại. Nếu bị ba mẹ la rầy, các em cũng chỉ rời khỏi máy tính một chút. Còn nếu cắt internet ở nhà rồi thì các em lại lén đi ra tiệm game online gần nhà để chơi”.

Ngồi “lì” ở những tiệm internet là hình ảnh thường thấy hiện nay đối với nhiều trẻ em.

Hiện nay, khi vào bất cứ tiệm internet nào, chúng ta cũng bắt gặp những đứa trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, mắt nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, có đứa miệng liên tục chửi thề. Những hình ảnh, âm thanh từ những vụ ẩu đả, chém giết trong game phát ra thật ghê rợn, chắc chắn điều đó sẽ tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của những đứa trẻ.

Cô Nguyễn Thị Thu, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước cho biết: “Tôi có đứa cháu ngoại mới 4 tuổi. Không biết con gái và con rể tôi tải trò chơi gì lên điện thoại mà cháu tôi mê lắm, suốt ngày cứ ôm điện thoại chơi game. Đến giờ ăn, cháu cũng không rời chiếc điện thoại, và hậu quả là cháu ngày càng chậm chạp, béo phì do ít vận động. Khi tôi ngồi chơi chung thì cháu cáu gắt, đuổi bà ngoại đi chỗ khác vì chỉ muốn ngồi một mình với cái điện thoại để tập trung... chơi game”.

Không thể phủ nhận những tiện ích do những sản phẩm kỹ thuật số tân tiến ngày nay mang lại cho con người. Tuy nhiên, “mặt trái” của nó cũng hiện diện làm tổn hại không ít đến mối liên hệ gia đình, nhất là ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của những đứa trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm đến con mình, thường xuyên định hướng cho trẻ vào những trò chơi lành mạnh, hữu ích, đừng để game online có nội dung xấu đi vào đầu óc con trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến việc học hành và sự phát triển nhân cách của trẻ trong tương lai./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết