Tiếng Việt | English

01/02/2019 - 16:17

Đưa thư pháp vào cuộc sống

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

Ngoài viết thư pháp trên liễn giấy, bà đồ Bích Thủy còn có thể viết thư pháp lên dĩa, trái cây nhằm tăng tính ứng dụng của thư pháp Việt

Câu thơ của Vũ Đình Liên như nhắc nhở về phong tục xin chữ ông đồ đã có từ lâu. Đó được xem là một trong những thứ không thể thiếu trong những ngày Tết Cổ truyền: Bánh, mứt, dưa hành, câu đối đỏ,... Ngày nay, hình ảnh ông đồ không còn phổ biến nhưng tục xin chữ thì vẫn còn và có nhiều biến thể, ứng dụng linh hoạt.

Không chỉ là “mực tàu, giấy đỏ”

Là người say mê thư pháp, bà Trương Thị Bích Thủy, ngụ TP.Tân An, đã dành hơn 5 năm để học và viết thư pháp. Với bà, đó vừa là niềm vui, vừa là cách gìn giữ truyền thống của dân tộc, nhất là trong những ngày xuân về, tết đến. Năm nào cũng vậy, bà đồ Bích Thủy cùng những người bạn của mình bày gian hàng thư pháp ở chợ hoa hay đường hoa để phục vụ khách du xuân. Những chữ tài, lộc, phúc, thọ,... được viết tặng trên liễn giấy trang trí cầu kỳ cầu chúc cho người nhận chữ năm mới an khang, vạn điều như ý.

Tuy nhiên, liễn giấy đòi hỏi phải treo trong không gian phù hợp mới làm nổi bật được bức liễn cầu kỳ nhưng cũng khá mỏng manh. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều ông đồ tìm tòi ứng dụng thư pháp trên nhiều vật liệu khác nhau nhằm giúp người yêu chữ có thể lưu giữ được chữ thư pháp một cách dễ dàng, tiện lợi hơn. Chữ thư pháp trên dĩa trắng, đá, trái cây,... dần được nhiều người ưa chuộng. Bà Thủy chia sẻ, năm trước, bà đã bắt đầu học viết thư pháp lên dĩa, ban đầu chỉ để tặng bạn bè, người thân. Việc viết thư pháp lên dĩa giúp tiết kiệm không gian trưng bày, chất liệu gốm sứ bền hơn rất nhiều so với giấy nên tính ứng dụng của thư pháp trên dĩa cao hơn thư pháp viết trên liễn giấy.

Tuy nhiên, để viết được những nét chữ cầu kỳ, hoa mỹ lên mặt dĩa không phải chuyện dễ dàng. Bà Thủy nói: “Vì bề mặt dĩa khá trơn nên khi cầm bút rất khó làm chủ để uốn nắn nét chữ theo ý mình. Chính vì vậy, không phải ông đồ, bà đồ nào cũng có thể viết được thư pháp lên mặt dĩa, nó đòi hỏi luyện tập rất nhiều”. Năm 2018, bà Thủy viết hơn 100 chữ thư pháp lên mặt dĩa, chủ yếu là vào dịp Tết Nguyên đán với những chữ cầu chúc điều an lành, hạnh phúc cho gia đạo. Tết năm nay, bà lại tiếp tục thử nghiệm hình thức viết thư pháp mới: Viết lên trái cây. Gần 200 trái dừa được bà “hô biến” thành tác phẩm thư pháp độc đáo, hứa hẹn giúp mâm ngũ quả của các gia đình thêm phần rực rỡ và trang trọng.

… mà còn khắc thư pháp

Ông đồ Phú Thuận, ngụ TP.Tân An, chia sẻ: “Viết thư pháp lên trái cây cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật như viết lên dĩa. Loại màu viết cũng khác nên đòi hỏi ông đồ phải biết cách “tùy cơ ứng biến”. Thực ra, thư pháp ngày nay không chỉ viết trên giấy và dùng cọ, khi đã thuần thục thì người viết có thể sáng tạo trên nhiều vật liệu, chất liệu khác nhau, sao cho phù hợp với hoàn cảnh”. Cũng nhờ quan niệm đó mà thư pháp được ứng dụng ngày càng rộng rãi.

Không chỉ viết, vẽ, nhiều người còn chọn cách khắc thư pháp để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thư pháp hấp dẫn. Có kinh nghiệm gần 10 năm khắc thư pháp trên dưa hấu vào dịp tết, anh Đoàn Phúc Hậu, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, quan niệm rằng, thư pháp là hình thức viết chữ đẹp, thông qua chữ viết gửi gắm vào đó những nguyện vọng, cầu chúc tốt lành nên không nhất thiết phải mực tàu, giấy đỏ mới gọi là thư pháp. Bằng kinh nghiệm và kiến thức sẵn có về thư pháp cùng sự khéo tay, sáng tạo của mình, anh Hậu bắt đầu ứng dụng khắc chữ thư pháp lên dưa hấu tết từ năm 2010.

Anh Đoàn Phúc Hậu khắc chữ Phúc lên quả dưa

Quả dưa xanh qua bàn tay khéo léo của anh Hậu nhanh chóng khoác lên mình “áo mới”, chiếc áo truyền thống theo phong cách hiện đại. Và rất nhanh chóng, sự sáng tạo của anh được nhiều người đón nhận. Tết năm nào anh cũng khắc trên 100 cặp dưa chưng tết cho người có nhu cầu. Có năm, số lượng lên đến 500 cặp. Nét chữ mềm mại, uyển chuyển cùng trang trí bắt mắt tưởng chỉ có thể tạo ra bằng nét cọ giờ lại xuất hiện trên dưa nhờ dụng cụ điêu khắc “tự chế” của anh Hậu. Anh kể: “Ban đầu, khi chưa có kinh nghiệm, tôi thường khắc theo khuôn hoặc phác họa trước bằng bút để nét chữ được hoàn hảo. Tuy nhiên, về sau tôi thường điêu khắc trực tiếp, tùy vào cảm hứng và yêu cầu của người mua nên mỗi sản phẩm đều là những tác phẩm độc quyền”.

Dù là viết, vẽ hay điêu khắc trên bất cứ chất liệu nào thì chữ thư pháp vẫn giữ nguyên giá trị về cái đẹp và tính nhân văn vốn có. Chỉ khác là ông đồ ngày xưa, bằng sự khéo léo, linh hoạt của riêng mình đã giúp thư pháp có một bước tiến dài vào đời sống của người dân. Nhờ những ứng dụng hết sức đời thường đó mà thư pháp được giữ gìn, trở thành thú chơi tao nhã của nhiều lớp người trong xã hội./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết