Tiếng Việt | English

16/10/2024 - 10:47

Đưa pháp luật vào cuộc sống

Thời gian qua, các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Long An đã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện nhiệm vụ PBGDPL theo từng lĩnh vực ngành được giao theo dõi, phụ trách bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Tuyên truyền pháp luật cho học sinh

Tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều kênh

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tập trung triển khai, quán triệt quyết định, kế hoạch về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Nhiều hình thức tuyên truyền được áp dụng như trực tiếp, lồng ghép sinh hoạt, qua hệ thống truyền thanh, báo chí,...

Từ năm 2023 đến hết tháng 6/2024, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp được gần 600 cuộc với hơn 60.000 lượt người dự; cấp huyện tuyên truyền trực tiếp khoảng 2.800 cuộc với gần 160.000 lượt người dự; cấp xã tuyên truyền 8.210 cuộc với hơn 290.000 lượt người dự; tổ chức 65 cuộc thi tuyên truyền ở các lĩnh vực với hơn 84.000 lượt người tham gia; phát hành hơn 177.000 tài liệu tuyên truyền các loại.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL góp phần thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình KT-XH, hoạt động của ngành, địa phương đến cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

"Qua công tác tuyên truyền, nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn về việc sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật được nâng lên. Người dân chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình" - Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung đánh giá.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Phan Thị Dạ Thảo, ngành Giáo dục và Đào tạo thường xuyên quan tâm, hướng dẫn các đơn vị triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường. Mặt khác, ngành quan tâm rà soát, củng cố mạng lưới báo cáo viên pháp luật; chọn cử cán bộ, giáo viên làm đầu mối tham mưu thực hiện công tác PBGDPL tại các đơn vị, cơ sở bảo đảm mỗi đơn vị, cơ sở có một tổ tuyên truyền, PBGDPL.

Hiện nay, toàn ngành Giáo dục của tỉnh có gần 600 tổ tuyên truyền, PBGDPL với gần 2.800 thành viên, hơn 3.500 tuyên truyền viên pháp luật và gần 1.500 công chức, viên chức kiêm nhiệm đầu mối PBGDPL tại các đơn vị.

Thông tin từ Sở Tư pháp, thời gian qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội”.

Theo bà Phan Thị Mỹ Dung, năm 2023, UBND tỉnh ban hành 63 quyết định và trình HĐND tỉnh thông qua 31 nghị quyết, trong đó có 3 dự thảo chính sách phải thực hiện hoạt động truyền thông theo quy định của Quyết định số 407. Ngoài ra, các cấp, các ngành, địa phương chủ động, kịp thời tổ chức truyền thông các chính sách, pháp luật của Trung ương đến các đối tượng theo quy định. Năm 2024, dự kiến các cơ quan, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 38 nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có 4 dự thảo chính sách phải thực hiện hoạt động truyền thông chính sách theo tinh thần của Quyết định số 407.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện truyền thông bằng các hình thức như qua báo chí, đăng tải toàn văn dự thảo lên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành để kịp thời lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh phối hợp thực hiện truyền thông chính sách thông qua tổ chức hội thảo, hội nghị, các buổi tọa đàm về pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật căn cứ nội dung, tính chất dự thảo chính sách và yêu cầu thực tiễn để chủ động, kịp thời tổ chức truyền thông hiệu quả. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản biện xã hội về dự thảo chính sách được các cơ quan thực hiện nghiêm túc; tiếp thu, không tiếp thu đều có báo cáo giải trình, nêu rõ lý do và gửi lại cơ quan có ý kiến góp ý để thống nhất trước khi gửi cơ quan tư pháp thẩm định văn bản.

Tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho công nhân, lao động

Tạo sự đồng thuận trong đời sống

Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) thường đọc báo, nghe đài phát thanh về các chủ trương, chính sách. Khi đến trụ sở UBND xã, ông thấy các dự thảo chính sách được niêm yết để người dân xem, góp ý. "Qua nhiều kênh khác nhau, các quy định pháp luật, chính sách, dự thảo được thông tin, phổ biến nhanh, kịp thời đến người dân góp ý hoặc nắm, biết để thực hiện" - ông Hoàng nói.

Theo bà Phan Thị Mỹ Dung, công tác PBGDPL là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, nhất là các luật mới có hiệu lực thi hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật sắp có hiệu lực để người dân, doanh nghiệp nắm, thực hiện đúng quy định. Người đứng đầu chính quyền địa phương phát huy trách nhiệm trong chủ động nắm tình hình dư luận xã hội để kịp thời tuyên truyền, PBGDPL; phòng ngừa vi phạm pháp luật; không để xảy ra điểm nóng, mất an ninh, trật tự mà người đứng đầu địa phương không nắm, không biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm đánh giá cao vai trò quan trọng của việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, người lao động và người dân, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.

“Tỉnh xác định tuyên truyền, PBGDPL đóng vai trò quan trọng trong điều hành, quản lý nhà nước. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ kịp thời đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiểu biết pháp luật, tạo sự đồng thuận trong đời sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy sự phát triển KT-XH nhanh, bền vững” - ông Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết