Thanh long xuất khẩu sang Úc
Đưa nông sản ra nước ngoài
Nhắc đến NS Long An có mặt trên thị trường thế giới, phải kể đến trái thanh long. Hiện toàn tỉnh có trên 10.300ha thanh long, sản lượng hàng năm đạt trên 200.000 tấn. Trái thanh long phần lớn cung cấp cho thị trường Trung Quốc (chiếm 80%), các thị trường khác: Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Australia,... chiếm khoảng 5%, còn lại tiêu thụ trong nước.
Huyện Châu Thành được nhiều người biết đến là nơi chuyên trồng thanh long với chất lượng đứng nhất, nhì cả nước. Thanh long Châu Thành có vỏ màu hồng ngọt, ngoe xanh mướt, vị ngọt, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hiện thanh long Châu Thành có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia,... Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An chia sẻ: “Để thanh long Châu Thành đến với thị trường thế giới, khi mới thành lập, HTX đã tìm đến Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) học tập kinh nghiệm trồng và phát triển cây thanh long theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP và Globalgap. Sản xuất khoa học là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, ngay từ đầu, HTX chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, các phương thức sản xuất an toàn được chú trọng, các tiêu chuẩn về an toàn lao động, môi trường cũng dần được hoàn thiện. Hàng năm, HTX xuất khẩu khoảng 10.000 tấn thanh long sang thị trường các nước trên thế giới”.
Ông Trần Văn Năm (xã Long Trì, huyện Châu Thành) nói: “Để sản xuất thanh long hiệu quả bền vững và ngày càng phát triển, tỉnh đang thực hiện Đề án Quy hoạch vùng trồng thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính. Vì vậy, nông dân trồng thanh long ngày càng quan tâm đầu tư giống, công nghệ và tham gia các HTX để sản xuất lớn, cùng nhau mở ra hướng đi lâu dài. Chúng tôi đang phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam để nghiên cứu loại giống tốt hơn, sạch bệnh hơn. Đặc biệt, hiện nay, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đang được nông dân ưu tiên thực hiện để xuất khẩu sang những thị trường khó tính”.
Ngoài thanh long, chuối cũng đang xâm nhập vào thị trường khó tính Nhật Bản. Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ) - Võ Quan Huy cho biết: “Với thương hiệu Fohla, sản phẩm chuối của Cty được bán tại các siêu thị Nhật. Hiện tổng sản lượng chuối ở Tây Ninh và Long An trên 4.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu sang Nhật 40%. Tôi kỳ vọng sẽ tăng số lượng chuối xuất khẩu sang Nhật lên 70%. Đối với người Nhật, khi chúng ta muốn xuất khẩu sang thị trường của họ thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn họ đề ra. Khi mua sản phẩm của mình, họ phải thử và lấy mẫu về kiểm nghiệm. Xuất chuối sang Nhật phải có tới 200 chỉ tiêu về hóa chất, quy trình sản xuất thì mới được chấp nhận. Ngoài thị trường Nhật, Cty còn xuất loại trái cây này sang Trung Quốc và Malaysia, đồng thời đang đàm phán để bán cho Hàn Quốc”.
Lúa gạo Long An đến với thị trường quốc tế
Bên cạnh đó, gạo cũng là mặt hàng được các nước trên thế giới ưa chuộng. Hiện tỉnh có 21 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo. Từ đầu năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo mua khoảng 815.000 tấn quy lúa, tăng 4% so cùng kỳ năm 2017. Giám đốc Cty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An (TP.Tân An) - Đặng Thị Liên cho biết: “Hiện nhu cầu thu mua gạo của một số nước khá cao. Bên cạnh đó, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đa số là gạo chất lượng cao, gạo thơm nên tạo được uy tín, niềm tin cho các đối tác. Hiện Cty chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Malaysia, Singapore,... Hàng năm, Cty xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn”. Còn Giám đốc Cty TNHH Việt Thanh (TP.Tân An) - Đặng Văn Thanh chia sẻ: “Ngoài Trung Quốc là thị trường chính nhập khẩu gạo của Việt Nam, Cty còn xuất khẩu sang Indonesia, Philippine,... Từ đầu năm 2018 đến nay, Cty xuất khẩu khoảng 100.000 tấn”.
Để xuất khẩu hiệu quả
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, muốn làm chủ trong xuất khẩu NS, chúng ta phải có số lượng sản phẩm lớn, chủ động được thời gian, kho bãi dự trữ,... Tức là ngoài việc bảo đảm về kỹ thuật sản xuất thì quản lý nhà nước cũng phải có chiến lược phù hợp, sản xuất phải kết hợp chế biến, thu hoạch phải có kho bãi bảo quản, dự trữ để giữ được lâu hơn. Đồng thời, cần tăng cường quảng bá và tận dụng tốt hơn nữa hình thức giao dịch thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ.
Chuối cũng là một trong những nông sản xuất khẩu của Long An
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho biết: “Thời gian gần đây vẫn tồn tại việc “giải cứu” hàng hóa NS. Để không còn phải “giải cứu”, cơ quan chức năng cần xây dựng quy hoạch vùng sản xuất từng loại sản phẩm trên cơ sở bám sát thị trường; theo dõi diễn biến thị trường để có thể kịp thời khuyến cáo người sản xuất như dự báo thời tiết dài hạn và ngắn hạn. Về phía người sản xuất, cần thay đổi tư duy sản xuất theo phong trào bằng hợp tác, liên kết, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng về thực hiện quy hoạch, quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời, ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tăng cường đầu tư vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ”./.
Huỳnh Phong