Tiếng Việt | English

28/12/2021 - 08:26

Đưa người lao động đi làm việc nước ngoài còn nhiều khó khăn

Mục đích của Đề án (ĐA) Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2020 - 2025 nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho NLĐ, nhất là góp phần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao về phục vụ đất nước sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, ĐA vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được mục tiêu.

Công ty TNHH ESUHAI tham quan trường Cao đẳng Long An (Ảnh: Tư liệu)

Số lượng người đi làm việc nước ngoài còn khiêm tốn

Nhằm thực hiện tốt ĐA, thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho NLĐ đi làm việc nước ngoài như hỗ trợ vay vốn; thẩm định 12 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 9 DN phối hợp Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An tổ chức tư vấn, tuyên truyền 75 cuộc, gần 11.000 người tham gia; các cấp, các ngành tư vấn cho 15.000 phụ huynh, học sinh về hiệu quả, lợi ích của việc đi làm việc nước ngoài và các chính sách ưu đãi của tỉnh cho NLĐ có nguyện vọng đi làm việc nước ngoài; phối hợp Công ty TNHH ESUHAI tổ chức nhiều buổi hội thảo về chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chương trình đào tạo, tuyển chọn và phái cử người lao động tỉnh Long An sang Nhật Bản làm việc, trải nghiệm trở về phát triển quê hương,…

Long An có nhiều lợi thế trong thực hiện đề án, là 1 trong 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là 1 trong 8 tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó quy mô dân số 1.720.085 người, lực lượng lao động 1.070.448 người. Số người tham gia hoạt động kinh tế 1.016.570 người, chiếm 59,1% dân số. Lao động có việc làm 998.685 người. Nhu cầu giải quyết việc làm hàng năm khoảng 40.000 đến 43.000 lao động.

Theo mục tiêu của ĐA, từ năm 2021 - 2025, mỗi năm, tỉnh phấn đấu đưa 1.000 lao động trở lên đi làm việc nước ngoài. Riêng năm 2020, đưa 500 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, Long An có 417 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, thị trường Nhật là 376 lao động, thị trường Đài Loan là 38 lao động và các nước khác là 3 lao động. Với kết quả này, năm 2020, tỉnh chỉ đạt khoảng 67% kế hoạch và năm 2021 chỉ đạt 8% kế hoạch. Các địa phương có số người tham gia đi làm việc nước ngoài thấp như thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng,…

Với những kết quả trên cho thấy, ĐA không đạt mục tiêu đề ra, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có của địa phương. Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạnh Hóa - Võ Bảo Toàn cho biết: “Khi bắt đầu triển khai ĐA, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, do đó NLĐ rất ngại tham gia làm việc nước ngoài; công tác tư vấn của địa phương cũng hạn chế do thời gian dài thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Đây chính là những nguyên nhân chính làm cho địa phương có số người tham gia đi làm việc nước ngoài thấp”.

Hiện nay, Đề án Đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2020-2025 còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh:Tư liệu)

Còn nhiều khó khăn

Để tham gia làm việc ở nước ngoài, NLĐ phải đáp ứng nhiều điều kiện như trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, hiểu phong tục, tập quán nước tiếp nhận và trải qua thời gian học tập, nghiên cứu ít nhất 6 tháng nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức được điều này, cứ nghĩ đăng ký là được tham gia ngay.

Phó Giám đốc Công ty TNHH ESUHAI - Nguyễn Xuân Lanh khẳng định: “Hiện nay, công tác tuyên truyền, tư vấn của công ty gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết NLĐ đang lo ngại dịch Covid-19; đồng thời các địa phương đang tập trung nguồn lực cho phòng dịch nên chưa tạo điều kiện cho công ty tổ chức tư vấn. Chúng ta cần phải có bước chuẩn bị để tạo một nguồn nhân lực dồi dào đến khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ xuất cảnh ngay, còn nếu đợi hết dịch mới tiếp tục triển khai thì rất chậm”.

Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kết luận về nguyên nhân chủ yếu của việc thực hiện chính sách pháp luật về đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài còn hạn chế là hoạt động tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa tạo được sự quan tâm, nhất là đối tượng NLĐ có nhu cầu trực tiếp tham gia đi làm việc ở nước ngoài; vẫn còn một vài DN tuyển dụng NLĐ không thông qua các cơ quan quản lý nhà nước; NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nhưng tay nghề, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu khi đăng ký. Và một nguyên nhân khách quan khác là do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai các kế hoạch liên quan đến ĐA, chuẩn bị nguồn lao động để đến khi tình hình dịch Covid-19 tạm ổn sẽ đưa nguồn lao động này xuất cảnh làm việc; phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối tượng lao động về nội dung ĐA, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến trong các trường THPT, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học để các em có điều kiện tiếp cận thông tin và có định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp, việc làm tương lai; tư vấn, tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Hoa, giáo dục định hướng tại Trường Cao đẳng Long An để tạo điều kiện cho lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài giảm chi phí ăn ở, đi lại ban đầu trước khi được phỏng vấn, tuyển dụng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết