Tiếng Việt | English

29/12/2016 - 09:32

Đưa khoa học và công nghệ vào đời sống

Thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN), lực lượng cán bộ khoa học trong tỉnh Long An đóng góp đắc lực vào các dự án, chương trình ở địa phương. Việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN thời gian qua từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả.


Cán bộ khoa học hướng dẫn kỹ thuật chọn cá bố mẹ

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Phó Giám đốc Sở KH&CN - Lê Quốc Dũng nhận định, hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh hiện nay tập trung ở nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược và khoa học nông nghiệp. Các đề tài nghiên cứu đạt nhiều kết quả tích cực, có thể ứng dựng vào sản xuất, đời sống, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Năm 2016, có 29 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở được triển khai thực hiện. Đến nay, nghiệm thu 10 đề tài cấp tỉnh và 8 đề tài cấp cơ sở. Sở KH&CN chuyển giao kết quả nghiên cứu 25 mô hình để áp dụng trên toàn tỉnh, chủ yếu là trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Sở KH&CN còn thực hiện 1 đề tài cấp Nhà nước. Đề tài này đang được thực hiện với Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An”. Bộ KH&CN còn phê duyệt triển khai thêm 1 đề tài mới: Ứng dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học từ hèm rượu, cám gạo, phân trùn quế (Perionyx excavatus) phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Long An.


Kỹ thuật chăm sóc ong vú và lấy mật

Kỹ sư Phạm Thanh Dung (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, thuộc Sở KH&CN) chia sẻ, người dân vùng Đồng Tháp Mười gắn bó với nghề nuôi cá lóc. Có không ít người thành công nhưng cũng lắm người thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là người dân vẫn chưa tự tạo ra được cá giống mà phải đi mua. Nguồn cá giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng không tốt nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế.

Với mong muốn xây dựng mô hình sản xuất giống cá lóc quy mô nông hộ, giúp hộ nuôi nắm vững quy trình kỹ thuật, chủ động sản xuất và cung cấp con giống với chất lượng tốt, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN cùng kỹ sư Phạm Thanh Dung triển khai đề tài khoa học: “Xây dựng mô hình sản xuất giống cá lóc quy mô nông hộ tại huyện Tân Thạnh”.

Đề tài được thực hiện từ tháng 12/2015. Cán bộ khoa học chuyển giao, hướng dẫn 4 hộ dân tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh nắm vững quy trình kỹ thuật, chủ động sản xuất và cung cấp con giống chất lượng tốt cho người nuôi cá lóc thương phẩm trong vùng. Đến nay, Ban Chủ nhiệm đề tài xây dựng được 1 mô hình nuôi vỗ béo cá bố mẹ và 3 mô hình sinh sản cá lóc nhân tạo ở 4 hộ dân tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh. Các hộ dân tham gia mô hình rất hài lòng với quy trình kỹ thuật nuôi sinh sản cá lóc mà Ban Chủ nhiệm đề tài đưa ra. Những lứa cá đầu tiên đã nở, phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất, chất lượng cao trong thời gian tới.


Tôm thẻ chân trắng được nuôi thực hành

Đi vào đời sống

Ong dú có kích thước nhỏ, thoạt nhìn giống ruồi nhưng có khả năng thụ phấn cho cây trồng tốt. Ong dú có tính hiền, không đốt người như nhiều loài ong khác. Mật ong dú có ưu thế về mặt dược học, mỹ phẩm nên giá trị kinh tế khá cao. Theo Trưởng trạm Thú y huyện Mộc Hóa - Hồ Nhật Luân, chủ nhiệm đề tài “Thử nghiệm mô hình nuôi ong dú quy mô gia đình tại huyện Mộc Hóa”, loài ong này đang có xu hướng được nuôi ở hộ gia đình. Việc nuôi ong dú góp phần làm phong phú vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Đây là đề tài khoa học cấp cơ sở, được thực hiện từ tháng 8-2015 đến tháng 7-2017. Trong quá trình xây dựng và thực hiện đề tài, Ban Chủ nhiệm giao 18 thùng ong (đàn ong) cho 3 hộ dân ở xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa. Các hộ dân được thông tin về mô hình thử nghiệm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Qua hơn 1 năm thử nghiệm đề tài, 18 đàn ong sinh trưởng tốt, không hao hụt, bình quân mỗi đàn ong tăng trọng trên dưới 1kg. Ông Huỳnh Quốc Bảo, ngụ ấp Cả Đá, xã Tân Thành là 1 trong 3 hộ nuôi thử nghiệm. Ban đầu, Ban Chủ nhiệm đề tài giao ông 6 thùng ong với tổng trọng lượng 5,5kg. Đến nay, sau hơn 1 năm nuôi, đàn ong tăng đạt bình quân 1,176kg trên mỗi thùng và đủ điều kiện tách đàn”. Ngoài ra, ông Bảo còn thu hoạch trên 7kg mật ong.

Theo ông Hồ Nhật Luân, giá trị mỗi đàn ong khoảng 2 triệu đồng, mỗi kilôgam mật ong có giá trị khoảng 1,5 triệu đồng. Sau hơn 1 năm thử nghiệm cho thấy, việc nuôi ong dú có thể nhân rộng trên vùng Đồng Tháp Mười bởi người nuôi nhanh lấy lại vốn, giá trị kinh tế mật ong cao. Đặc biệt, nuôi ong dú không tốn thức ăn vì ong kiếm phấn hoa hòa cùng nước dãi để chuyển hóa thành mật. Trong quá trình nuôi có lợi cho vùng trồng hoa màu trong vòng bán kính gần.


Tôm thẻ chân trắng được nuôi thực hành

Đề tài khoa học “Ảnh hưởng mật độ nuôi đến sinh trưởng và tỷ lệ sống tôm thẻ chân trắng tại huyện Cần Đước” do kỹ sư Ngô Hồng Điệp - Trạm Khuyến nông huyện Cần Đước làm chủ nhiệm đề tài cũng được thực hiện từ tháng 1 đến hết tháng 8-2016. Mục tiêu nhằm xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp điều kiện của huyện Cần Đước. Đề tài được thực hiện nhằm khuyến cáo người nuôi tôm thẻ chân trắng cần tuân thủ mật độ thả tôm bình quân 55 con/m2. Khi thực hiện đề tài, cán bộ khuyến nông tập huấn cho nông dân các xã vùng hạ trong huyện chủ động phòng bệnh là chính, kiểm tra và chọn giống, cách cho tôm ăn,... nhằm đạt hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, nhiều đề tài khoa học khác kết quả nghiệm thu có khả năng ứng dụng trong sản xuất: Khoai mỡ Bến Kè; sơ chế, bảo quản chanh không hạt; mô hình thâm canh cây bắp lai trên nền đất lúa; giống lúa chịu phèn, năng suất cao, chất lượng tốt,... góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Một số mô hình như nuôi rắn ri voi thương phẩm, nuôi lươn thương phẩm, nuôi cá lăng đỏ, cá lóc,... giúp tận dụng các nguồn giống tự nhiên, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giảm thiểu dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Theo ông Lê Quốc Dũng, thời gian tới, đối với các đề tài nghiên cứu khoa học, ngành tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN đến năm 2020 với việc đề ra kế hoạch và giải pháp cụ thể cho từng năm, bảo đảm hoạt động KH&CN ngày càng đi vào sản xuất, đời sống của người dân, từng bước đưa KH&CN trở thành nền tảng quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà,... ./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết