Tiếng Việt | English

29/07/2020 - 16:58

Đột phá xây dựng vùng lúa chất lượng cao

Đại hội Đảng bộ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định xây dựng vùng lúa chất lượng cao (CLC) là chương trình đột phá. Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện nhưng chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cơ giới hóa trong sản xuất

Thay đổi tập quán sản xuất

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Mộc Hóa xác định cơ cấu kinh tế của huyện là nông nghiệp, diện tích đất sản xuất hàng năm được duy trì trên 24.000ha. Huyện chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai, thực hiện Chương trình đột phá Xây dựng vùng lúa CLC với diện tích 5.575ha, trong đó gắn với sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) và Dự án Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững (VnSAT) trên địa bàn 3 xã: Bình Hòa Trung 1.026ha, Bình Hòa Đông 1.557ha và Bình Hòa Tây 2.992ha.

Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các ngành khoa học - kỹ thuật tổ chức trên 300 cuộc tập huấn với hơn 9.000 lượt người dân tham dự về kỹ thuật canh tác lúa, sản xuất lúa giống, biện pháp phòng trừ và quản lý dịch hại trên đồng ruộng, hội thảo đầu bờ và triển khai 56 lớp tập huấn với trên 5.000 lượt người dân tham dự thuộc Dự án VnSAT; tổ chức 2 lớp tuyên truyền về Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, với 485 lượt người dân tham dự.

Cùng với đó, huyện phối hợp Công ty (Cty) Bảo vệ thực vật An Giang xây dựng mô hình Cùng nông dân ra đồng và bao tiêu đầu ra nông sản cho nông dân; chủ động phối hợp các sở, ngành tỉnh, các doanh nghiệp để triển khai, thực hiện mô hình thí điểm mối liên kết 4 nhà bền vững. Những năm qua, đã có một số Cty, doanh nghiệp chủ động đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân như Cty Một thành viên Lương thực Vĩnh Hưng, Cty THHH Việt Thanh và Cty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam,...

Trong nhiệm kỳ, huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắp đặt 9 panô, cấp phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền, bản đồ của tỉnh về phát triển nông nghiệp ƯDCNC, dự án VnSAT cho 3 xã trong vùng quy hoạch. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã tạo chuyển biến về nhận thức trong các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân về tầm quan trọng của việc sản xuất an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế, nhất là sản xuất theo chuỗi để bảo đảm đầu ra cho nông sản.

Thực hiện chương trình đột phá xây dựng vùng lúa chất lượng cao, đến nay, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao trên 90% (chỉ tiêu 100%), giống lúa cấp thấp chiếm dưới 10%; 100% diện tích quy hoạch được đầu tư xây dựng hệ thống đê bao lửng khép kín, đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra; 100% hệ thống kênh, mương nội đồng được nạo vét bảo đảm phục vụ tưới tiêu; vùng quy hoạch tập trung từng bước hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp; 100% hộ dân trong vùng quy hoạch được chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch; 100% hộ dân trong vùng quy hoạch sử dụng giống lúa cấp xác nhận vào trong sản xuất.

Vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra

Thông tin từ UBND huyện Mộc Hóa, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã triển khai, thực hiện sản xuất lúa CLC, ƯDCNC, Dự án VnSAT được 7.004/5.575ha, đạt 126,6% so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2016, huyện thực hiện vùng lúa CLC với diện tích 1.270ha, đạt 101,6%; năm 2017, diện tích 1.066,3ha, đạt 50,8%; năm 2018, diện tích 2.154ha, đạt 75,57%; năm 2019, diện tích 1.342,2ha, đạt 31,2%; vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện triển khai, thực hiện với diện tích 2.024ha.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam cho biết, từ năm 2017 đến nay, huyện triển khai thực hiện Đề án ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Dự án VnSAT trên vùng lúa CLC với diện tích 3.292/2.500ha, đạt 131,7% so kế hoạch. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn bên ngoài mô hình từ 2,5-3 triệu đồng/ha, sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Ông Trần Văn Sửa, ngụ ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, cho hay: “Tham gia dự án, nông dân được hướng dẫn sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa, sạ hàng và sử dụng phân vi sinh giúp lúa ít sâu, bệnh, mang lại sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Song song đó, việc áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, từ đó lợi nhuận tăng lên so với trước đây”.

Để bảo đảm tưới tiêu và thoát nước trong mùa lũ, huyện đầu tư nạo vét, đào mới các công trình thủy lợi để hình thành các khu đê bao lửng gắn với đường giao thông nông thôn bảo đảm phương tiện cơ giới lưu thông an toàn. Vùng sản xuất lúa CLC, ƯDCNC, VnSAT, đê bao lửng cơ bản đã khép kín. Vùng sản xuất lúa CLC, ƯDCNC, VnSAT có 23 danh mục công trình do tỉnh đầu tư với nguồn vốn khoảng 125 tỉ đồng và 40 danh mục công trình do huyện đầu tư với nguồn vốn trên 40 tỉ đồng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện,đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 156 khu đê bao lửng với diện tích 23.018ha, trong đó có 108 khu đã khép kín với diện tích 18.108ha, 48 khu chưa khép kín với diện tích khoảng 4.910ha. Riêng địa bàn các xã trong vùng sản xuất lúa CLC hiện có 50 khu đê bao, trong đó có 48 khu đê bao đã được khép kín với diện tích 9.850ha và 2 khu đê bao chưa được khép kín với diện tích 691ha.

Hệ thống thủy lợi được nạo vét, khơi thông kết hợp xây dựng đê bao ngăn lũ giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn Cơ giới hóa trong sản xuất

Nhiều khó khăn phải tháo gỡ

Với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ huyện, Chương trình đột phá Xây dựng vùng lúa CLC đã đạt những kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy, công tác lãnh, chỉ đạo trong thực hiện chương trình có sự tập trung nhưng hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là sự liên kết trong tiêu thụ hàng hóa nông sản. Sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu tập trung và chưa gắn với thị trường tiêu thụ. Việc triển khai, thực hiện các dự án được phê duyệt chưa thật sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng các hạng mục công trình còn ít, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất chủ yếu là nạo vét kênh, mương kết hợp đê bao lửng, hệ thống điện, trạm bơm điện và hệ thống cống tuy được đầu tư nhưng vẫn còn chậm. Hệ thống đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển lúa gạo của các doanh nghiệp, chủ yếu là vận chuyển bằng đường thủy. Việc thi công các cống phục vụ trạm bơm điện trong vùng ƯDCNC chưa hoàn thiện, lưới điện 3 pha chưa được đầu tư như kế hoạch đề ra.

Hiện nay, các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nông sản trên địa bàn huyện còn ít nên sản phẩm lúa hàng hóa chủ yếu phải bán qua thương lái. Các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng đề án đa số mới thành lập hoặc hoạt động chưa hiệu quả, chưa trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp nông dân trong hợp tác sản xuất, kinh doanh. Sự phối hợp giữa “4 nhà”: Nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Nông dân vẫn còn tập quán sản xuất nhỏ, lẻ, tự phát. Sản lượng lúa hàng hóa chưa đủ lớn, chưa đồng nhất về chủng loại.

“Từ những khó khăn, thách thức trên, để thực hiện tốt chương trình sản xuất lúa CLC gắn với ƯDCNC, huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, hướng dẫn nông dân tham gia liên kết sản xuất. Củng cố hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đẩy nhanh thi công các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mời gọi thêm các doanh nghiệp có uy tín liên kết đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân” - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Lâm Hòa Xứng thông tin thêm.

5 năm qua, với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tham gia của nhân dân, Chương trình đột phá Xây dựng vùng lúa CLC cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.

Khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2015

Sáng ngày 28/7/2020, Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ huyện Mộc Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 149 đại biểu đại diện cho hơn 1.277 đảng viên trong Đảng bộ.

Phát biểu khai mạc ĐH, Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa - Dương Văn Tuấn đề nghị các đại biểu dự ĐH phân tích sâu tình hình, dự báo những thuận lợi, khó khăn, trên cơ sở đó xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, mang tính khách quan, khoa học, khả thi, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu huyện tập trung huy động nguồn lực, phát huy lợi thế về đất đai, xác định khâu đột phá trong lĩnh vực kinh tế để tập trung lãnh đạo thực hiện, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ về văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nội chính, giữ vững trật tự, an toàn xã hội../.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết