Tiếng Việt | English

14/06/2021 - 09:00

Đồng lòng, đoàn kết là "sức mạnh" để chiến thắng dịch bệnh

Trong lúc tình hình dịch Covid-19 đang xảy ra phức tạp trong và ngoài tỉnh thì ý thức, trách nhiệm và hành động của người dân chính là vắc-xin hiệu quả nhất để đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh. Đó cũng là sự thể hiện lòng yêu nước của mỗi công dân.

Y, bác sĩ là những người ở tuyến đầu chống dịch (Ảnh Internet)

Có những "hy sinh" cao cả

Là người Việt Nam, chắc hẳn ai cũng  thuộc lòng lời dạy "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào" ngay từ khi còn ngồi trong mái trường tiểu học. Lớn lên, lại càng hiểu rằng, sự cống hiến, đóng góp cho dân tộc, đất nước là điều rất cao quý và thiêng liêng. Lý tưởng và niềm tự hào của mỗi con người, không chỉ cho lợi ích riêng của bản thân, gia đình mà còn nhân lên khi được dấn thân, đóng góp để xây dựng Tổ quốc, đất nước.

Trong chiến tranh, bao lớp người đã ngã xuống để đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập, tự do. Trong thời bình, biết bao người ra sức học tập, lao động, cống hiến xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Trong thiên tai, lũ lụt, bao trái tim luôn hướng về đồng bào, nơi hoạn nạn để giúp đỡ, ở đó có những cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu dân.

Truyền thống đoàn kết, sẻ chia, vì nhân dân phục vụ và bản chất tốt đẹp của chế độ ta lại càng thể hiện rõ hơn trong phòng, chống dịch Covid-19. Từ năm 2020 đến nay, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm và chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Yêu cầu đặt ra là không được lơ là, chủ quan. Nhiều biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao được triển khai đồng bộ từ các cấp, các ngành, tại cộng đồng, từ nội địa ra biên giới.

Ở trong các khu cách ly, các y, bác sĩ, nhân viên, tình nguyện viên ngày đêm ra sức làm việc, phục vụ, chấp nhận gian khó, vất vả, hiểm nguy và xa gia đình. Ở các chốt kiểm soát dịch tại các địa phương, biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đã thức trắng đêm để ngăn dịch xâm nhập vào địa bàn.

Ngoài đường biên giới xa xôi, lâu rồi những người lính biên phòng không thể về nhà thăm gia đình, vợ con vì đang kiên cường thực hiện nhiệm vụ, vượt qua điều kiện khắc nghiệt nắng cháy, mưa giông của biên giới, vững chắc tay súng bảo vệ biên cương và bám chốt 24/24  ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch lây lan.

Những câu hỏi của những đứa trẻ "Mẹ ơi, sao lâu rồi ba không về?, "Bố ơi an nghỉ, con không về được vì phải chống dịch ở biên giới" và những hình ảnh y, bác sĩ ở tâm dịch Bắc Giang ngã quỵ, ngất xỉu vì làm việc kiệt sức, mất ngủ làm chúng ta xúc động, rưng rưng khóe mắt.

Chúng ta thấy rằng, "cuộc chiến" chống dịch Covid-19 vô cùng gian nan, khẩn trương và có cả những sự hy sinh. Dù vậy, họ vẫn kiên cường bám trụ, không kêu ca mà cố gắng, nỗ lực hết mình. Mong ước của họ là góp sức mình để cuộc sống này được an toàn, trở lại nhịp sống bình thường, trẻ em đến trường học tập an toàn, đất nước tiếp tục phát triển bền vững,...

Còn nhiều và rất nhiều những sự hy sinh, gian khó khác của các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch không thể kể hết. Với phương châm "chống dịch như chống giặc", công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả quan trọng. "Cuộc chiến" này nhận được sự đồng lòng, trách nhiệm, sẻ chia của xã hội.

Khi một số địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, hầu như người dân đều đồng lòng chấp hành. Không chỉ thế, để động viên và khích lệ những người ở tuyến đầu chống dịch, nhiều cá nhân, tổ chức có những hoạt động thiết thực từ động viên, thăm hỏi đến hỗ trợ vật chất.

Trách nhiệm phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh không phải là "ngăn sông cấm chợ", của riêng ai, tỉnh này hay tỉnh kia mà là của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Điều đó được thể hiện rõ, sinh động qua những đợt tăng cường, chi viện lực lượng về các tỉnh, địa phương đang là tâm dịch để làm nhiệm vụ.

Chỉ một người lơ là, có thể cả xã hội vất vả

Trong "cơn bão" dịch Covid-19 này, sức lan tỏa, đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, toàn dân lại được phát huy cao độ. Ý thức chấp hành các quy định của người dân, doanh nghiệp được nâng cao khi thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chức năng, ngành Y tế như thông điệp "5K", nhiều gia đình sẵn sàng hoãn lại những cuộc vui, nhiều đôi bạn trẻ tạm hoãn đám cưới. Những người theo diện phải cách ly tập trung hay tại nhà, đại đa số đều chấp hành tốt.

Người dân không tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương phải khuyến khích làm việc qua mạng để hạn chế tiếp xúc đông người, những loại hình kinh doanh các dịch vụ như karaoke, nhà hàng, các quán cà phê cũng tạm thời đóng cửa ngưng hoạt động. Dù rằng công việc, nguồn thu của nhiều người ảnh hưởng nhưng họ vẫn chấp hành tốt vì sức khỏe của cả cộng đồng mới là điều quan trọng nhất.

Trong "cơn bão" dịch Covid-19 đang xảy ra, chúng ta càng thấy được sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam là đồng lòng, quyết tâm chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh. Đại đa số người dân đều hiểu rằng, trong "cuộc chiến" với dịch bệnh, nếu chỉ một người lơ là, có thể cả xã hội vất vả; chỉ một người vô ý thức thì có thể bao công sức, nỗ lực, cống hiến của tập thể, cộng đồng "đổ sông, đổ biển".

Thế nhưng, trong đó, vẫn còn không ít người chưa chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch; còn bất chấp sức khỏe của cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Gần đây, vụ việc quán bar, karaoke Sunny ở Vĩnh Phúc mở cửa đón khách "quậy" tưng bừng và làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng gây bức xúc dư luận.

Ngoài vụ việc nổi cộm đó, thời gian qua, còn có những người tìm cách xuất, nhập cảnh trái phép, tổ chức đưa người qua biên giới trái phép; không khai báo y tế dù đến vùng dịch; tụ tập đông người; có nơi vẫn còn những người tổ chức ăn nhậu đông người; tụ tập đánh bạc, đá gà; sử dụng ma túy tập thể trong quán karaoke,...

Mặt khác, không ít người nằm trong diện phải cách ly theo quy định phòng, chống dịch nhưng chống đối, né tránh, bỏ trốn. Đó là những cá nhân ích kỷ, họ không hiểu rằng, đi cách ly không phải bị kỳ thị, ghét bỏ mà đó là sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng, ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng.

Thực tế, Nhà nước rất quan tâm, chăm lo với những điều kiện tốt nhất có thể cho người đi cách ly cả về ăn, ở, sinh hoạt. Các cấp, các ngành đến toàn xã hội không ai "kỳ thị" với người phải đi cách ly mà ngược lại luôn sát cánh, san sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ bằng những hành động, việc làm khác nhau. Thế nhưng, cũng cần lắm sự thấu hiểu của chính bản thân mỗi người nếu như thuộc diện phải đi cách ly.

Trong "cuộc chiến" với dịch Covid-19, để giành chiến thắng, bên cạnh nhiều giải pháp hữu hiệu thì quan trọng là sự đồng lòng, đoàn kết của toàn xã hội. Như người đứng đầu Chính phủ nhiều lần khẳng định, ý thức của người dân chính là vắc-xin hiệu quả nhất.

Pháp luật Việt Nam và nhiều nước, trong điều kiện quan trọng với cộng đồng hay khẩn cấp, quyền lập pháp, tư pháp phải nhường cho hành pháp. Theo đó, một số quyền cá nhân bị hạn chế hơn bình thường. Vì vậy, trong những tình huống cấp bách để đối phó với dịch Covid-19 như hiện nay, việc áp dụng một số biện pháp, chế tài bắt buộc phải chấp hành là cần thiết.

"Cuộc chiến" với dịch Covid-19 đã kéo dài thời gian qua và hiện vẫn tiếp tục. Vì vậy, thực hiện tốt những quy định phòng, chống dịch là để bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng xã hội chứ không phải là "mất tự do" hay "mất dân chủ" như kẻ xấu, thế lực thù địch, phản động vẫn rêu rao, xuyên tạc.  Đồng lòng hành động để chiến thắng dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của mỗi công dân mà còn thể hiện rõ lòng yêu nước đúng đắn./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết