Tiếng Việt | English

12/07/2018 - 14:26

Đồng hành và bảo vệ thay vì chỉ cấm đoán trẻ em trên mạng internet

Các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ và các tập đoàn công nghệ thông tin sẽ cùng nhau chung tay xây dựng một mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

(Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức ChildFund Việt Nam (ChildFund), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội.

Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2017 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, internet trở thành người bạn không thể thiếu với cả người lớn và trẻ em, cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có một trẻ em. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, bên cạnh những mặt tích cực mà internet mang lại, trẻ em phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trên môi trường mạng. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: “Các quyền được bảo vệ, được an toàn của trẻ em cả trên môi trường mạng cần được quan tâm và bảo đảm hơn nữa. Xây dựng một mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chính là mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới truyền thông.”

Mạng lưới quốc gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là một sáng kiến để kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy nỗ lực của các bên liên quan trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở cả ba cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. 

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em, ông Michael Gray, Giám đốc chương trình Quỹ See Dev từ Canada chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ số phát triểnrộng rãi và len lỏi tới mọi ngóc ngách của cuộc sống, chỉ có cách tiếp cận phối hợp đa bên, đa ngành là phương thức tối ưu để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, can thiệp, tới hỗ trợ. Việc kết nối mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là hoạt động rất thức thời.”

Cố vấn xây dựng chuyên môn và kỹ thuật cho mạng lưới, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cũng nhấn mạnh: “Sáng kiến mạng lưới là một sáng kiến phù hợp xu hướng. Chúng tôi rất lạc quan khi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi cho việc xây dựng mạng lưới và ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều các bên liên quan. Việc này sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện giúp trẻ em của chúng ta có thể thích ứng, được trao quyền để làm chủ công nghệ, là các công dân số có tri thức, kỹ năng và được bảo vệ.”

Ngay trong khuôn khổ hội thảo, Microsoft Việt Nam, ChildFund Việt Nam và Cục Trẻ em ký kết Thỏa thuận hợp tác về bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo thỏa thuận hợp tảc này, Microsoft sẽ hỗ trợ ChildFund, Cục Trẻ em trong hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt, các bên sẽ phối hợp xây dựng hệ thống thông tin và phát triển ứng dụng, giải pháp kỹ thuật bảo vệ trẻ em và báo cáo các trường hợp trẻ bị xâm hại.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam khẳng định: “Dự án được ký kết hôm nay là một minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết những thách thức trong xã hội và không ngừng cải thiện điều kiện sống của con người, đặc biệt là trẻ em, từ đó thúc đẩy sự phát triển công bằng. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ mang lại kết quả tốt đẹp để các trẻ em Việt Nam được sống trong một môi trường lành mạnh hơn.”

Em Ngô Hoàng Thùy Linh, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đại diện trẻ em tham gia hội thảo đã bày tỏ niềm vui khi tất cả các đại biểu người lớn đều rất tích cực lắng nghe và cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ em, bảo vệ trẻ em thay vì cố gắng kiểm soát, cấm đoán.

“Em tin tưởng rằng, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ giúp chúng em rất nhiều để trưởng thành, phát triển toàn diện thành các công dân số thông minh, biết tận dụng những lợi ích mà công nghệ mang lại và tự bảo vệ mình, hoặc biết tìm kiếm sự trợ giúp từ mạng lưới quốc gia khi cần thiết,” em Ngô Hoàng Thùy Linh nói./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết