Tiếng Việt | English

22/08/2016 - 09:10

Đồng hành, “gỡ khó” cho doanh nghiệp

UBND tỉnh Long An, Ban Quản lý khu kinh tế vừa tổ chức gặp mặt, đối thoại cùng nhà đầu tư trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa và Bến Lức. Với tinh thần thẳng thắn chia sẻ, các nhà đầu tư phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với lãnh đạo tỉnh. Đây là kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo tỉnh kịp thời “gỡ khó” cho nhà đầu tư.


Tháo gỡ những khó khăn để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững

Bức xúc về giá phí duy tu hạ tầng

Tại buổi tiếp xúc với NĐT trên địa bàn huyện Đức Hòa, có rất nhiều ý kiến, phản ánh từ NĐT thứ cấp tại các khu công nghiệp (KCN) về giá cước phí kinh doanh hạ tầng, cấp nước mà nhà đầu tư hạ tầng thu không đúng quy định hoặc không tương xứng với giá mà doanh nghiệp (DN) phải trả.

Có hơn 20 ý kiến từ DN tại KCN Tân Đức như: Công ty (Cty) TNHH Daiya Alumi Việt Nam, Cty TNHH MTV Việt Phú, Cty TNHH Tango Candy-Chi nhánh Long An,... Các DN cho rằng, Cty Itawater (viết tắt là Cty Ita, đơn vị thực hiện hoạt động sản xuất, cung cấp nước và Cty Cổ phần Tân Đức, đều thuộc Tập đoàn Tân Tạo) áp đặt mức phí duy tu kết cấu hạ tầng khá cao (10.018 đồng/m2/năm). Mức phí này cao hơn so với mặt bằng chung của các KCN trong huyện Đức Hòa, kể cả trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, hầu hết DN trong KCN Tân Đức phải trả tiền phí nước với đơn giá 14.700 đồng/m3. Mức giá này cao hơn so với Quyết định số 710/QĐ-UBND, ngày 20-2-2013 UBND tỉnh về quy định giá tiêu thụ nước sạch do Cty Ita cung cấp cho các DN và hộ dân trong Khu đô thị Tân Đức là 8.000 đồng/m3.

Đại diện Cty TNHH MTV Thực phẩm dinh dưỡng sinh thái Long An (Cty Econuta) khá bức xúc khi đề cập đến mức phí duy tu kết cấu hạ tầng mà nhà đầu tư KCN Tân Đức áp dụng như hiện nay là khá cao. Thế nhưng, hầu hết DN không được hưởng các dịch vụ tương xứng bởi môi trường xung quanh KCN như hệ thống cây xanh, thảm cỏ không được chăm sóc, mùa nắng cỏ chết khô, mùa mưa thì cỏ mọc nhiều. Tình trạng người dân nuôi trâu, bò trong các khu đất cỏ mọc nhiều, chất thải gia súc vương vãi gây mất mỹ quan. Vấn đề này, DN phản ánh nhiều lần nhưng chưa được khắc phục, làm ảnh hưởng lớn đến vẻ mỹ quan cũng như ấn tượng không tốt đối với khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài đến tìm hiểu, tham quan nhà máy.


Nhà đầu tư phản ánh các vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh với lãnh đạo tỉnh

Theo Luật Đất đai năm 2003, việc lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê là do DN đầu tư hạ tầng quyết định. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013, DN đầu tư hạ tầng đang trả tiền thuê đất hàng năm phải chuyển sang trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê còn lại theo giá đất tại thời điểm UBND tỉnh có quyết định chuyển sang nộp tiền thuê đất một lần với mức giá giao đất có thu tiền sử dụng đất. Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đột biến gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.

Nhiều DN cho rằng, hiện nay, Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh cũng như Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM có quyết định buộc Cty Ita cung cấp nước cho các DN và hộ dân trong Khu đô thị Tân Đức là 8.000 đồng/m3 (bao gồm thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, đến nay, Cty Ita vẫn áp dụng mức giá thu tiền sử dụng nước đối với hộ dân, mức thu từ 12.000-13.200 đồng/m3; đối với DN, mức thu 14.700 đồng/m3. Vấn đề này, DN rất bức xúc và đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh cũng như Tân Đức có hay không việc không thực hiện các quyết định của tòa án?

Các vấn đề DN phản ánh, Phó Giám đốc Sở Tài chính - Nguyễn Văn Be thông tin, theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, ngày 12-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì phí sử dụng hạ tầng trong KCN là do nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN định giá và nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong KCN phải trả tiền phí sử dụng hạ tầng này.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An chưa có sự thống nhất về mức phí sử dụng hạ tầng giữa nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong KCN. Vì vậy, Sở đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế tổng hợp các kiến nghị của DN, tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn mức thu phí sử dụng hạ tầng KCN.

Riêng về việc Cty Ita cố tình thu phí sử dụng nước quá cao so với quy định của UBND tỉnh, Chánh Thanh tra Sở Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Cty Ita 50 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc Cty Ita trả lại cho khách hàng toàn bộ số tiền chênh lệch do áp dụng giá bán nước sạch cao hơn mức giá do UBND cấp tỉnh quy định (khoản 5, Điều 8, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ) là 2.843,63 triệu đồng. Cty Ita thực hiện nộp phạt 50 triệu đồng nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả - trả lại số tiền nước thu vượt cho các DN trong KCN Tân Đức. Vấn đề này, Sở Tài chính tiếp tục làm việc với Cty Ita, nếu Cty Ita không thực hiện thì sẽ xử phạt theo hình thức tăng nặng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được chỉ đạo trực tiếp Sở Tài chính tiếp tục làm việc với Cty Ita về việc hoàn tiền cho DN lẫn hộ dân và chấm dứt tình trạng thu phí cao. Thời gian chậm nhất vào tháng 9-2016.


Tháo gỡ những khó khăn để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững

Luật đất đai thay đổi gây khó cho doanh nghiệp

Đại diện Cty Cổ phần Khai thác Hạnh Phúc phản ánh, trước đây, Cty ký hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh về việc nộp tiền thuê đất cho Nhà nước theo hình thức trả tiền hàng năm. Luật Đất đai năm 2013 gây rất nhiều khó khăn trong kinh doanh cho Cty cũng như khiến cho Cty và các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN không tìm được tiếng nói chung.

Phó Tổng Giám đốc Cty An Nông - Lê Thị Nga cho biết, do Cty có nhu cầu chuyển sang một nơi khác đầu tư, xây dựng nhà máy nhưng không thể làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lý do là Cty Cổ phần Khai thác Hạnh Phúc chưa chuyển sang thuê đất trả tiền thuê một lần.

Đại diện Chi nhánh Tổng Cty Liksin-Trung tâm Tân Đức đề nghị Cty Cổ phần Tân Đức sớm hoàn tất các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cty Liksin. Còn đại diện Cty TNHH MTV Việt Phú thì cho rằng, hiện Cty đang gặp khó khăn, cần vốn để hoạt động nhưng không thể sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn từ ngân hàng (nhân viên ngân hàng từ chối cho vay vì cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc diện nộp tiền thuê đất hàng năm, không thế chấp được). Trong khi đó, Cty này đóng thuế thuê đất trong vòng 50 năm.

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác cũng được DN phản ánh tại buổi đối thoại như: Hạ tầng giao thông trong tỉnh, nhất là các đoạn tiếp nối với TP.HCM nhỏ hẹp hoặc xuống cấp, gây khó khăn trong di chuyển; điện thường xuyên bị cúp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất; ô nhiễm khí thải từ các DN ngoài KCN làm ảnh hưởng đến DN trong KCN; điều kiện cấp phép của lao động nước ngoài tại Việt Nam; tinh thần và thái độ tiếp xúc với người đại diện DN của cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn tại sở, ngành;...

Phát biểu tại buổi gặp gỡ với NĐT, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, trong xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, đi đầu vẫn là DN và đội ngũ doanh nhân, trong đó doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng. Bên cạnh những mặt tích cực, còn nhiều rào cản. Những rào cản này phải được lắng nghe, tháo gỡ. Bằng tinh thần trách nhiệm, với những khó khăn thực tại mà DN đối mặt, trong khuôn khổ thầm quyền của tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp giải quyết trong thời gian sớm nhất. Riêng những vấn đề mang tầm vĩ mô, lãnh đạo tỉnh sẽ kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ để DN phát triển ngày càng bền vững hơn./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết