Tiếng Việt | English

21/03/2019 - 11:27

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Long An có nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên (TN) trên bước đường lập thân, khởi nghiệp. Bên cạnh những TN thành đạt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều TN có ý tưởng, đam mê làm giàu chính đáng nhưng chưa có cơ hội phát huy tay nghề, khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, cần được sự đồng hành.

Hỗ trợ thanh niên làm kinh tế

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh thông tin, xác định đồng hành cùng TN khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần mở rộng, tập hợp, đoàn kết TN tham gia vào các phong trào thi đua của Đoàn, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và việc làm cho TN. Hàng năm, bên cạnh tổ chức chương trình tập huấn khởi nghiệp, tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất hiệu quả, các cấp bộ Đoàn còn quan tâm đến các hoạt động: Tư vấn nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, ủy thác vay vốn,... giúp TN chọn nghề phù hợp, có việc làm ổn định, mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thanh niên luôn ấp ủ ý tưởng, đam mê khởi nghiệp, làm giàu chính đáng (trong ảnh: Nhờ lòng nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm của đoàn viên, thanh niên mà Hợp tác xã thủy sản Long Thạnh (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) thu hút nhiều thành viên tham gia)

Sau chuyến tham quan mô hình nuôi ếch Thái mang lại hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện, anh Phạm Thanh Dũng, ngụ ấp 3, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch thương phẩm kết hợp nuôi cá trong vèo. Theo anh Dũng, khi mới nảy sinh ý tưởng nuôi ếch, bản thân không đủ tiền, phải vay mượn người thân, địa phương từ nguồn Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương 20 triệu đồng, mua 2.000 con ếch giống, nuôi trên 40m2 mặt nước sẵn có. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, lứa ếch đầu cho thu hoạch bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh có lãi hơn 10 triệu đồng/vụ. Thấy mô hình này làm ăn hiệu quả, anh mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hiện nay, cùng với nuôi trên 25.000 con ếch thương phẩm trong vèo, anh còn tận dụng diện tích dưới nước thả thêm cá rô, trê, lươn,... góp phần tăng thêm thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Theo anh Dũng, nuôi cá trong vèo ếch có thể tận dụng thức ăn dư thừa, chất thải của ếch cho cá ăn, không phải mất tiền mua thức ăn mà còn đỡ phần vệ sinh cho ếch, tránh được bệnh tật. Anh dự định tiếp tục mở rộng quy mô, sản xuất ếch giống cung ứng cho các hộ TN trong và ngoài huyện, sau đó thu mua sản phẩm về rồi phân phối lại cho thương lái cũng như chế biến thực phẩm sạch tham gia xuất khẩu.

Cũng như anh Dũng, nhiều năm trăn trở tìm cách thoát nghèo, anh Lê Hoài Hận, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, mạnh dạn phát triển mô hình Nuôi bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế. Anh Hận chia sẻ: “Trước khi thành công với mô hình này, tôi trải qua rất nhiều nghề từ trồng trọt đến chăn nuôi, thậm chí làm công nhân bốc vác. Với số tiền hơn 10 triệu đồng dành dụm sau những ngày lao động ở TP.HCM, tôi vay thêm ngân hàng 15 triệu đồng, bắt tay vào khởi nghiệp”.

Từ 30 cặp bồ câu ban đầu, đến nay, anh có được 700 cặp bồ câu sinh sản. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh xuất bán gần 100 cặp bồ câu thương phẩm với giá 55.000 đồng/con nặng từ 0,5kg trở lên; sau khi trừ chi phí, lãi hơn 6 triệu đồng. “Tôi dự kiến vay thêm tiền ngân hàng, đầu tư trang trại, con giống theo hướng công nghiệp sạch, bảo đảm an toàn sinh học, góp phần phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao” - anh Hận bày tỏ.

Khó tiếp cận nguồn vốn vay

Khởi nghiệp không đơn thuần là lập nghiệp mà là sự đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên, làm giàu của tuổi trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay còn khá nhiều TN khởi nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết đoàn viên, TN khi bắt tay vào khởi nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, vốn để hiện thực hóa các ý tưởng của mình trong sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, Đoàn TN trong tỉnh phụ trách quản lý vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ 324.793 tỉ đồng, có 12.873 hộ vay. Riêng nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm do Trung ương Đoàn phân bổ quản lý trên 885 triệu đồng. So với các hội, đoàn thể khác thì con số này còn khá khiêm tốn. Nhiều cán bộ Đoàn cho rằng, việc hỗ trợ TN vay vốn qua tổ chức Đoàn hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là chính sách còn bó hẹp.

Thanh niên vẫn còn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

“Theo quy định của Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, để được vay vốn, đoàn viên, TN phải xây dựng phương án kinh doanh, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại và tài sản bảo đảm thế chấp. Tuy nhiên, hiện nay, các mô hình phát triển kinh tế của TN đều có quy mô nhỏ, lẻ; phần đông TN đều sống chung với cha mẹ nên không có tài sản riêng để thế chấp vay vốn. Vì vậy, nhiều TN dù “khát” vốn nhưng không thể vay vì chưa thể đáp ứng các tiêu chí trên” - Phó Bí thư Huyện đoàn Thạnh Hóa - Phạm Quốc Thái bộc bạch.

Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất nên làm thủ tục vay 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm. Do thủ tục rườm rà, thời gian làm hồ sơ, thẩm định quá lâu, áp giá tài sản thế chấp lại quá thấp nên đơn vị không còn tha thiết với nguồn vốn này. Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh - Cao Phú Khánh cho biết: “Để được vay vốn, tôi mất quá nhiều thời gian làm thủ tục nhưng cuối cùng vay không được vì định giá tài sản thế chấp không đủ. Trong khi, với tài sản hiện tại, chúng tôi có thể vay ở các ngân hàng với số tiền nhiều hơn mà thủ tục lại nhanh, gọn”.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho TN trong quá trình khởi nghiệp, hiện nay, các cấp bộ Đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần khởi nghiệp trong TN. Bên cạnh tranh thủ nguồn vốn vay từ Trung ương Đoàn, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các cấp bộ Đoàn tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương liên kết với các tổ chức, ngân hàng có những chính sách thông thoáng hơn, giúp TN có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Bí thư Huyện đoàn Châu Thành - Trần Mạnh Hùng cho biết: “Thời gian tới, Huyện đoàn chú trọng thành lập và phát huy tốt vai trò tổ tư vấn, hỗ trợ TN khởi nghiệp nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TN trong quá trình khởi nghiệp; thành lập câu lạc bộ TN giúp nhau phát triển kinh tế ở cơ sở để TN trẻ cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhau về vốn, lao động, vật tư,...”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên

“Đối với nguồn vốn vay ưu đãi, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, giảm thủ tục vay, tạo điều kiện thoáng hơn để TN tiếp cận nhanh với đồng vốn; đồng thời, cần mở rộng diện cho vay đối với người lao động theo hình thức tín chấp để nguồn vốn đến với TN nhanh và dễ dàng hơn” - Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú chia sẻ. 

Theo anh Võ Trần Tuấn Thanh, hiện nay, Tỉnh đoàn đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của TN thông qua cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Long An lần thứ I, năm 2018”. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn tiếp tục tham mưu, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp xây dựng đề án hỗ trợ, phát triển phong trào khởi nghiệp trong TN, góp phần khơi dậy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ./.     

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết